Giữ lấy hồn quê
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:34, 28/05/2023
Trong bộ Tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, bên cạnh những tiêu chí liên quan đến phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, là các tiêu chí trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp ở làng quê.
Trên thực tế, ở Hà Nội, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền các cấp đã rất chú trọng phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, từ đó nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Ở các thôn, xóm, khu dân cư, những câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được thành lập, thu hút đông đảo người dân tham gia và luôn hoạt động sôi nổi, vui tươi.
Nếp sống văn minh ở nông thôn Thủ đô còn được thể hiện rõ trong việc cưới, việc tang. Những hủ tục tưởng chừng đã “ăn sâu bám rễ” trong cộng đồng nay đã được thay đổi từ trong nhận thức của người dân. Đáng kể hơn, nhiều làng quê, công tác vệ sinh môi trường đã đi vào nền nếp, ao hồ được giữ gìn, bảo vệ; các di tích lịch sử, văn hóa và lễ hội được phát huy, trở thành điểm du lịch không thể bỏ qua khi du khách tham quan Thủ đô Hà Nội.
Nông thôn Thủ đô đã, đang có những chuyển mình rất căn bản, vừa giữ được nét đẹp vốn có, vừa hòa nhập xu thế phát triển của thời đại.
Mỗi làng quê đều có phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa riêng. Vì thế, quá trình xây dựng nông thôn mới, việc bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, lối sống đặc trưng ở từng vùng, miền là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa nâng cao đời sống tinh thần của người dân, vừa trở thành nguồn lực phát triển cho mỗi làng quê.
Do đó, song song với nhiệm vụ hiện đại hóa nông thôn bằng những công trình hạ tầng điện, đường, trường, trạm; các địa phương cần tiếp tục chú trọng duy trì, phát huy phong tục, tập quán tốt đẹp, có giá trị văn hóa ở địa phương. Nói cụ thể hơn, trong gia đình là kính trên nhường dưới, coi trọng quan hệ họ tộc, anh em thân thích. Với xóm giềng, sống quần tụ, chan hòa, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động sản xuất và cuộc sống; giữ vững tôn ti trật tự trong thôn làng, quý mến và tôn trọng người cao tuổi… Bởi đây chính là những yếu tố văn hóa quan trọng, “nguồn lực mềm” góp phần bồi đắp, khơi gợi tinh thần, ý thức tự giác và sự đồng lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới nói chung.
Khi đã có nền tảng văn hóa tốt đẹp từ gia đình đến cộng đồng, việc xây dựng nông thôn mới sẽ được mỗi người tiến hành trên cơ sở giữ gìn truyền thống văn hóa, bản sắc, cốt cách làng quê. Cùng với đó, mỗi người, mỗi cộng đồng phải giữ cho được cảnh quan, kiến trúc đậm nét thôn quê với các không gian xanh của những lũy tre làng, cây đa, bến nước, sân đình… Những hình ảnh quen thuộc đó chính là nét đẹp văn hóa mà cha ông ta đã dày công vun đắp và trách nhiệm của thế hệ hôm nay là giữ lấy hồn quê làng Việt đó để bồi đắp dày thêm tình làng, nghĩa xóm.
Mục tiêu đầu tiên và cũng là đích đến cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là người dân có nhận thức cao và chủ động xây dựng cuộc sống của chính mình thêm tốt đẹp, từ đó góp phần làm cho làng quê văn minh, giàu bản sắc.