Cân nhắc trước trào lưu ô tô điện siêu nhỏ

Xe++ - Ngày đăng : 15:14, 27/05/2023

(HNMO) – Khái niệm ô tô điện siêu nhỏ (mini EV) đang gây chú ý lớn tại thị trường Việt Nam, nhưng người tiêu dùng quan tâm tới dòng xe này cần lưu ý rằng, song song những ích lợi, vẫn có không ít bất cập.

GWM Ora Good Cat gây chú ý khi ra mắt tại triển lãm ô tô Bangkok 2023 (Thái Lan).

Hiện nay, xe điện siêu nhỏ gắn liền với các thương hiệu Trung Quốc. Sự khởi đầu gây chú ý là việc đầu tháng 1-2023, TMT Motors của Việt Nam đã ký hợp tác chiến lược với liên doanh Trung Quốc GM - SAIC – Wuling, và tiến hành sản xuất tại Hưng Yên. Tới đầu tháng 5-2023, Chủ tịch Tập đoàn ô tô BYD - ông Wang Chuanfu bày tỏ mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành các thủ tục đầu tư sản xuất ô tô điện tại tỉnh Phú Thọ.

Ngoài những dự án lắp ráp, GWM, Chery, Haima... cũng hé mở lộ trình nhập khẩu và ra mắt hàng loạt mẫu xe điện nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam vào cuối năm nay hoặc đầu 2024.

Nhiều xe điện siêu nhỏ sẽ được lắp ráp ngay tại Việt Nam.

Mối quan tâm đặc biệt và sự bùng nổ của xe điện siêu nhỏ có nhiều nguyên nhân: Khả năng di chuyển linh hoạt trong đô thị; dễ dàng cất trong nhà với diện tích nhỏ hẹp; ít chi tiết giúp ít phải bảo dưỡng sửa chữa, kiểu dáng bắt mắt… là những ưu thế thấy rõ.

Về mặt kĩ thuật, xe điện siêu nhỏ có kích thước nhỏ hơn cả các dòng xe du lịch cỡ A phổ biến hiện nay như Hyundai i10 hay KIA Morning, VinFast Fadil… 

Ngoài ra, theo ước tính của một số chuyên gia ô tô, giá của dòng xe điện siêu nhỏ khi có mặt tại Việt Nam sẽ rơi vào khoảng 150-200 triệu đồng. Đây sẽ là khoảng giá hoàn toàn mới, thấp chưa từng có, đối với những chiếc “bốn bánh”. Có thể thấy, sự xuất hiện của làn sóng này sẽ cho phép nhiều người tiêu dùng với tài chính hạn hẹp có cơ hội tiếp cận những chiếc xe “bốn bánh” che nắng mưa.

Tuy nhiên, bên cạnh điểm cộng nêu trên, các dòng xe điện siêu nhỏ cũng có những điểm trừ. 

Trước hết, bên cạnh việc phải chấp nhận hi sinh nhiều tiện nghi, sự nhỏ gọn của những mẫu xe điện siêu nhỏ còn đặt ra nhiều thách thức về tính an toàn, cả trong vận hành lẫn khi gặp rủi ro. Những thử nghiệm va chạm cho thấy hiểm họa chết người đối với những mẫu xe điện siêu nhỏ, nhất là khi đối đầu với ô tô kích thước tiêu chuẩn có trọng lượng từ 1,2 tấn đến 2,4 tấn. Trong khi đó, hầu hết xe điện siêu nhỏ đều có tốc độ tối đa có thể tới 100km/giờ. 

Hình ảnh thử nghiệm va chạm của xe điện siêu nhỏ tại Trung Quốc.

Thứ đến, với hệ thống quy định của Việt Nam hiện nay, xe điện siêu nhỏ nếu được xếp vào nhóm ô tô, đồng nghĩa vẫn sẽ phải đăng kiểm hằng tháng, mất chi phí cao khi dừng đỗ, và chịu các khung quy định pháp lý tương tự như một chiếc ô tô tiêu chuẩn. Đây sẽ là gánh nặng không nhỏ đối với chủ sở hữu, có thể xoá nhoà ưu thế giá rẻ ban đầu. 

Thứ ba, xe điện siêu nhỏ cũng sẽ không phù hợp với những ai xem ô tô phương tiện đi lại “tất cả trong một”. Nó cũng không còn đóng vai trò là một tài sản cố định, càng khó lòng trở thành tài sản đảm bảo khi cần vay vốn ngân hàng, bởi có giá trị không cao. Đương nhiên, giá bán lại chắc chắn cũng sẽ không được như kỳ vọng. Thay vào đó, nó có thể là phương tiện thay thế xe máy cho những cung đường đi làm, đi chợ ngắn trong đô thị. 

Thứ tư, ở góc độ quản lý đô thị, xe điện siêu nhỏ nếu bùng nổ sẽ thay đổi hoàn toàn bức tranh giao thông tổng thể, đòi hỏi nhiều điều chỉnh về pháp lý và hạ tầng giao thông. Lượng xe điện siêu nhỏ cũng sẽ gia tăng áp lực lên năng lực sản xuất điện và hệ thống truyền tải điện. 

Xe điện siêu nhỏ dễ dàng dừng, đỗ trong đô thị chật hẹp.

Dù vậy, không thể phủ nhận thực tế xe điện siêu nhỏ là một lựa chọn mới thú vị trên thị trường. Tuy nhiên, với những vấn đề nêu trên, việc triển khai loại phương tiện mới mẻ này đòi hỏi sự cân nhắc, không chỉ từ phía người tiêu dùng mà còn cả các cơ quan quản lý, để làm sao tận dụng tối đa những lợi ích mạng lại, đồng thời giảm thiểu những tác động ngoài ý muốn. 

Nguyễn Thúc Hoàng Linh