Độc đáo ba ngôi đền cổ ở Bắc Ninh
Du lịch - Ngày đăng : 08:37, 27/05/2023
Đền thờ Cao Lỗ Vương
Đền thờ Cao Lỗ Vương xưa thuộc làng Lớ, nay là thôn Đại Trung (xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Ông là người có công giúp An Dương Vương dựng thành Cổ Loa, chế tạo Linh Quang thần nỏ góp công đánh tan quân Triệu Đà để bảo vệ nhà nước Âu Lạc. Nhờ đó, ông được phong hầu và nhiều triều đại sắc phong là Thượng đẳng thần.
Đền thờ Cao Lỗ Vương mang dấu ấn kiến trúc thời Lê - Nguyễn theo kiểu “tiền công, hậu quốc”, có quy mô lớn, gồm đền Ngoài, đền Trung và đền Thượng. Vào ngày 10 tháng Ba hằng năm, nhân dân 8 thôn thuộc vùng Đại Than cùng thờ Cao Lỗ Vương lại tổ chức lễ hội tri ân công ơn của tướng quân Cao Lỗ. Năm 2005, đền thờ Cao Lỗ Vương được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Đền và lăng Kinh Dương Vương
Khu di tích đền thờ và lăng mộ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ là nơi phụng thờ các vị có công mở nước, nằm trên địa bàn thôn Á Lữ (xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành). Xưa kia, Kinh Dương Vương được thờ tại đền Thượng, Lạc Long Quân và Âu Cơ được thờ tại đền Hạ, đều nằm ở phía tây làng Á Lữ. Ngoài ra, dân làng còn lập đình thờ, tôn thủy tổ Kinh Dương Vương làm thành hoàng làng. Từ năm 1949 - 1952, giặc Pháp đóng đồn bốt tại làng và phá hủy toàn bộ đình, đền, chùa. Năm 1971, nhân dân tôn tạo lại khu lăng mộ Kinh Dương Vương, đến năm 2000 lập một đền chung thờ các bậc thủy tổ.
Lễ hội truyền thống tưởng nhớ công ơn của các bậc thủy tổ diễn ra từ ngày 18 đến 25 tháng Giêng hằng năm. Ngoài ra, cứ đến ngày 15 tháng Tám, dân làng lại làm lễ tế các bậc thủy tổ bằng 3 mâm trám đen tượng trưng cho 50 người con theo mẹ lên rừng và 3 mâm gỏi cá tượng trưng cho 50 người con theo cha xuống biển.
Đền Sĩ Nhiếp
Khu di tích đền và lăng mộ Sĩ Nhiếp - “Nam giao học tổ” nằm ở làng Tam Á (xã Gia Đồng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Đây là nơi thờ Sĩ Nhiếp (137 - 226), Thái thú Giao Chỉ - vị quan có công mở đường cho Nho giáo ở Việt Nam. Ngôi đền có kết cấu kiểu chữ “Đinh” gồm 5 gian tiền tế, 3 gian hậu cung. Cổng đền được xây kiểu ngũ môn hai tầng tám mái, mặt trước đắp nổi 4 chữ Hán: “Nam giao học tổ”, mặt sau là “Hữu công nho giáo”. Hậu cung đặt tượng thờ Sĩ Nhiếp được làm bằng đồng, hai bên là 10 pho tượng quan văn, võ bằng đất, cao 1,6m đứng chầu. Khu lăng mộ Sĩ Nhiếp nằm ở phía sau đền. Hằng năm, lễ hội diễn ra từ mùng 5 đến 7 tháng Giêng.
Khu di tích đền và lăng mộ Sĩ Nhiếp đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa - kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1964.