Đi chung một con đường
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:11, 27/05/2023
Lần gần nhất, ngày 23-5, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm.
Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường. Với quyết định trên của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 25-5, các ngân hàng thương mại giảm 0,3-0,7% lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn huy động ngắn.
Việc hạ lãi suất được thực hiện khi nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới điều chỉnh theo hướng làm chậm lại đà tăng lãi suất. Trong nước, kinh tế tăng trưởng chậm, lạm phát được kiểm soát, thanh khoản của các tổ chức tín dụng bảo đảm. Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Mặt khác, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao do hệ thống ngân hàng là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động ngắn hạn (88% tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trở xuống) nhưng vẫn phải đáp ứng nhu cầu vay trung, dài hạn (hơn 52% dư nợ). Áp lực lạm phát tiềm ẩn khiến ngân hàng khó giảm lãi suất để thu hút tiền gửi. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn, đồng nghĩa ngân hàng chưa thu nợ đến hạn nhưng vẫn phải trả lãi tiền gửi, làm giảm doanh số cho vay và làm chậm vòng quay vốn trong nền kinh tế, gây áp lực lên khả năng cân đối vốn và dư địa giảm lãi suất. Các ngân hàng huy động vốn với lãi suất khá cao ở thời điểm cuối năm 2022 nên khó hạ ngay lãi suất cho vay trong đầu năm 2023…
Tại cuộc họp chiều 24-5 về các giải pháp tăng cường tiếp cận vốn và giảm lãi suất, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, mặt bằng lãi suất hợp lý thì lãi suất cho vay mới phù hợp. Doanh nghiệp phát triển, ngân hàng mới phát triển. Ngân hàng và doanh nghiệp “phải đi chung một con đường”. Nghĩa là sau động thái giảm lãi suất điều hành, hạ mặt bằng lãi suất huy động, doanh nghiệp, người dân kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm theo.
Muốn vậy, các ngân hàng thương mại cần chia sẻ lợi nhuận với doanh nghiệp, khẩn trương cơ cấu lại các khoản nợ; chủ động kết nối với khách hàng để tháo gỡ khó khăn.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, yêu cầu đặt ra là tiếp tục rà soát các quy định, thủ tục, tháo gỡ vướng mắc để phục vụ tốt nhất nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp; đánh giá kỹ khả năng hấp thụ vốn của các nhóm doanh nghiệp; tiếp tục đôn đốc các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, hạ lãi suất huy động để thiết lập mặt bằng lãi suất hợp lý. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần điều hành tăng trưởng tín dụng, lãi suất, tỷ giá, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; tạo môi trường pháp lý cho các tổ chức tín dụng hoạt động công khai, minh bạch; bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền, kinh tế vĩ mô, tỷ giá. Tất nhiên, vì ngân hàng là định chế đặc biệt quan trọng nên yêu cầu bảo đảm an toàn cho hệ thống được đặt lên trên hết. Việc điều hành chính sách tiền tệ cũng phải tuân thủ quy luật của thị trường.