Mỹ tăng cường lực lượng tuần tra tại vùng Vịnh: Nguy cơ bất ổn lan rộng
Thế giới - Ngày đăng : 07:16, 26/05/2023
Theo Phó Đô đốc Brad Cooper, chỉ huy Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ, hải quân nước này đã tăng cường các đội tàu và máy bay tuần tra luân phiên tại eo biển Hormuz. Bên cạnh đó, Washington đang trao đổi với 11 quốc gia để thành lập tổ chức an ninh hàng hải quốc tế do Mỹ lãnh đạo để bổ sung thêm nguồn lực nhằm bảo vệ hoạt động vận tải ở khu vực này.
Để ủng hộ động thái của Mỹ, cuối tuần trước, Tư lệnh khu vực Ấn Độ Dương kiêm Tư lệnh Lực lượng Pháp đóng quân tại Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Chuẩn đô đốc Emmanuel Slaars và Tư lệnh các thành phần hàng hải của Anh Philip Dennis đã hội ngộ trên tàu khu trục USS Paul Hamilton (DDG 60) để giám sát các hoạt động tuần tra.
Động thái của Mỹ được triển khai sau khi các quan chức nước này cáo buộc Iran đã tấn công hoặc quấy rối 15 tàu mang cờ nước ngoài trong khu vực trong 2 năm trở lại đây, đồng thời gọi các hành động này là "gây bất ổn". Đặc biệt, chỉ trong khoảng thời gian từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 này đã bắt giữ 2 tàu chở dầu đăng ký ở Panama và quần đảo Marshall.
Phản ứng trước động thái của Mỹ, Iran đã cáo buộc Washington kích động căng thẳng bằng cách điều tàu và tàu ngầm đến khu vực này nhiều lần trước đây. Tổng Tham mưu trưởng quân đội Iran, tướng Mohammad Bagheri nhấn mạnh: “Cộng hòa Hồi giáo Iran và các quốc gia ở phía Nam vịnh Pesrian có khả năng hợp tác để bảo đảm an ninh cho khu vực. Chúng tôi không cần các quốc gia ở ngoài bảo đảm an ninh vùng biển nói trên”.
Eo biển Hormuz chỉ rộng từ 39km đến 96km, dài 167km, được đánh giá là một trong những hành lang hàng hải có tầm quan trọng về chiến lược nhất thế giới khi giữ vai trò một cửa ngõ đặc biệt quan trọng của ngành công nghiệp dầu mỏ.
Các quốc gia ở vùng Vịnh - nơi được mệnh danh là "giếng dầu" của thế giới - như Iran, Saudi Arabia, hay Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) - đều phải sử dụng eo biển hẹp này để vận chuyển dầu xuất khẩu. Vì không phải là vùng nước sâu nên tàu bè qua đây, trước tiên phải đi theo một hành lang cố định men theo 2 hòn đảo Quoin và Ras Dobbah của Oman, sau đó lượn theo hành lang qua 3 hòn đảo Hormuz, Larak, Qeshm do Iran kiểm soát.
Dù Oman và Iran kiểm soát nhưng eo biển Hormuz là một hành lang quốc tế và trên nguyên tắc mọi tàu bè, dù mang bất kỳ quốc tịch nào, đều có quyền qua lại theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Vì vậy, eo biển Hormuz trở thành tuyến thương mại quan trọng trong giao thương quốc tế, đặc biệt đối với ngành vận tải dầu mỏ.
Theo Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ, khoảng 18,5 triệu thùng dầu thô, tương đương 1/3 tổng số dầu mỏ thế giới, được vận chuyển qua eo biển mỗi ngày. Trong đó, Mỹ nhập khoảng 10%. Khoảng 18% lượng xuất khẩu khí đốt cũng được trung chuyển qua khu vực này.
Vì tầm quan trọng chiến lược của vùng biển, Mỹ và các nước đồng minh đã thiết lập nhiều căn cứ quân sự tại đây. Ngoài một căn cứ ở Oman, Bộ Quốc phòng Mỹ còn có căn cứ không quân lớn nhất trong khu vực Trung Đông ở Qatar. Hạm đội 5 đóng ở Manama (Bahrain). Trong những năm gần đây, Lầu Năm Góc đã quyết định điều thêm tàu sân bay USS Abraham Lincoln, nhiều máy bay ném bom B-52 và hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot để bảo vệ các lợi ích của mình trong khu vực.
Căng thẳng tại eo biển Hormuz làm gia tăng lo ngại về việc thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang giữa các bên liên quan, khiến những bất ổn trong khu vực ngày càng lan rộng và để lại nhiều hậu quả khó lường.