Nguồn nước cho các đảo: Cần một chiến lược bảo đảm
Xã hội - Ngày đăng : 06:41, 26/05/2023
Nguy cơ hiện hữu
Phú Quốc là thành phố đảo cách bờ Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) 45km. Trên đảo có gần 145 nghìn dân sinh sống. Những năm gần đây, Phú Quốc phát triển nhanh, trở thành một trong những trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước. Các doanh nghiệp đã đầu tư gần 287 nghìn tỷ đồng, xây dựng hơn 30 nghìn phòng nghỉ, trong đó có đến 18 nghìn phòng đạt tiêu chuẩn 5 sao và 5+ , thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, cả đảo chỉ có 1 hồ Dương Đông, cung ứng khoảng 30.000m3 nước ngọt/ngày đêm, đáp ứng 40% nhu cầu dùng nước sinh hoạt trên hòn đảo rộng đến hơn 589km2 này. Nhiều năm qua, cứ vào cao điểm mùa khô hoặc khi mùa mưa đến muộn, nguồn nước ngọt cho Phú Quốc lại đứng trước nguy cơ thiếu hụt.
Tương tự, tại đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) nguy cơ thiếu nước ngọt cũng luôn hiện hữu. Hòn đảo có diện tích hơn 18km2 này nằm cách bờ gần 100km, là nơi sinh sống của hơn 28 nghìn dân. Đây cũng là điểm du lịch hấp dẫn khi đón hơn 95 nghìn lượt du khách vào năm 2022. Tỉnh Bình Thuận phấn đấu đến năm 2025, hòn đảo này sẽ đón 250 nghìn lượt khách.
Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý Lê Quang Vinh, hiện nay, nguồn nước ngầm và từ các hồ chứa mới chỉ đủ cung cấp nước sạch cho khoảng 70% số dân trên đảo. Còn lại phải dùng nước từ nguồn giếng đào, giếng khoan, bể chứa nước mưa. Nếu không được xây dựng hồ chứa nước ngọt làm nguồn cung cho nhà máy nước, đảo Phú Quý sẽ sớm đối diện với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.
Tuy nhiên, thực tế đặt ra là nếu các đảo khai thác nước ngầm quá giới hạn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh nguồn nước. Đơn cử như tại đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), qua một thời gian phát triển không kiểm soát, cả đảo có tới gần 2.150 giếng khoan. Đến nay, nhiều giếng cạn nước, nhiều giếng nhiễm mặn. Hiện nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, sản xuất toàn huyện khoảng 21.000m3/ngày đêm nhưng trữ lượng nước đánh giá chỉ 15.000m3/ngày đêm.
Kinh nghiệm từ Côn Đảo
Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là một trong những hòn đảo sớm có giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước.
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Côn Đảo, toàn huyện có 16 đảo lớn, nhỏ, nhưng chỉ đảo trung tâm (đảo Côn Sơn) có nước ngọt. Do địa hình dốc, chủ yếu là đồi núi đá, nên khả năng dự trữ nước ngầm ở Côn Đảo rất thấp. Trước năm 2016, cứ vào giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 8 hằng năm, người dân nơi đây lại đối diện với cảnh thiếu nước.
Trước đây, Côn Đảo chỉ có 3 hồ tích chứa nước mưa gồm hồ An Hải, hồ Quang Trung 1 và hồ Quang Trung 2 với tổng dung tích hữu ích khoảng 1,7 triệu mét khối, trữ nước cho sản xuất. Nước sinh hoạt cũng được cấp từ nguồn này thông qua Trạm cung cấp nước Côn Đảo. Tuy nhiên vào giờ cao điểm (17-20h), nước máy chảy rất yếu. Các hộ dân ở nhà từ 2 tầng trở lên phải dùng bể trữ nước. Các sinh hoạt cá nhân phải thực hiện sau 20h.
Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo Huỳnh Trung Sơn cho biết, từ năm 2016, Huyện ủy Côn Đảo đã ban hành Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước ngọt giai đoạn 2017-2020. Ngay sau đó, chính quyền huyện không cấp mới giấy phép khai thác nước ngầm; lập hành lang bảo vệ nguồn nước và các biện pháp bảo vệ chất lượng, trữ lượng nước ngầm…
Cùng với đó, các dự án nạo vét các hồ chứa cũ, xây dựng hồ chứa nước mới tại huyện Côn Đảo được triển khai. Cụ thể, hồ Quang Trung 1 được nạo vét, nâng dung tích lên 600 nghìn mét khối. Tích nước công trình hồ chứa nước Quang Trung 2 (diện tích mặt hồ là 10,4ha, dung tích hồ ở mức nước dâng bình thường là 645 nghìn mét khối). Đang nạo vét hồ An Hải (dự kiến hoàn thành tháng 9-2024) với diện tích hơn 56 nghìn mét vuông.
Phó Trưởng trạm cung cấp nước Côn Đảo Nguyễn Thị Thùy Trang cho biết: “Với việc tăng nguồn nước ngọt dự trữ lên gần 2 triệu mét khối, sản lượng nước sinh hoạt của huyện đảo đã tăng lên mức 4.400m3/ngày đêm. Vì vậy, ngay cả mùa cao điểm đón khách du lịch, lượng khách trung bình 2.500 người/ngày như hiện nay, cộng với dân số hơn 10 nghìn nhưng huyện không còn tình trạng thiếu nước như những năm trước”.
Trở lại với Phú Quốc và Phú Quý. Để khắc phục trước mắt, chính quyền thành phố Phú Quốc đã đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép địa phương gia hạn việc khai thác nước ngầm ở những địa điểm có nguy cơ thiếu nước cao; cấp phép khai thác mới nước ngầm ở những nơi không nằm trong vùng hạn chế khai thác. UBND tỉnh Kiên Giang đang đốc thúc các bên liên quan đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hồ Cửa Cạn tại đảo Phú Quốc với công suất cung ứng 50 nghìn mét khối/ngày đêm. Với đảo Phú Quý, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Trung ương quan tâm đến các dự án hồ chứa nước ngọt trên đảo, nhằm giữ nguồn nước mặt và bảo vệ nguồn nước ngầm.
Tin rằng, với sự vào cuộc sâu sát của chính quyền địa phương, bài toán nước ngọt cho các đảo phía Nam sẽ sớm có lời giải thỏa đáng.