Gắn kết phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam với chuẩn mực văn hóa người Hà Nội
Văn hóa - Ngày đăng : 12:21, 25/05/2023
Dự và phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùngghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng con người; đồng tình với những nhận định, đánh giá về kết quả đạt được, đồng thời chia sẻ với những khó khăn, hạn chế, nhất là ở những nhiệm vụ đã đề ra.
Theo Bộ trưởng, thành tựu nổi bật nhất của Hà Nội trong phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chính là việc thành phố đã nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn về vấn đề “văn hóa không chỉ là nguồn lực, nền tảng tinh thần mà còn là động lực quan trọng trong phát triển bền vững Thủ đô”; sớm cụ thể hóa những tinh thần, những điểm mới của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng vào chương trình hành động toàn khóa; tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo nên diện mạo mới về văn hóa, con người Thủ đô.
Hà Nội cũng luôn xác định tập trung cho xây dựng môi trường văn hóa, coi đó là gốc, là nền tảng kiến tạo và phát triển văn hóa một cách bền vững; từ đó tập trung cho tháo gỡ các “điểm nghẽn”, bước đầu lan tỏa những giá trị nhân văn, tích cực, rõ nét thông qua hệ thống quy tắc ứng xử; các phong trào, cuộc vận động ý nghĩa từ thành phố tới cơ sở..., góp phần hình thành bộ nhận diện, căn chỉnh hành vi ứng xử, lan tỏa những giá trị thanh lịch, văn minh tới toàn bộ nhân dân sinh sống trên địa bàn.
Trong hoạch định chính sách, Hà Nội xác định đúng và trúng các yếu tố gắn kết văn hóa trong kinh tế một cách nhuần nhuyễn, với tầm nhìn về phát triển công nghiệp văn hóa, dựa trên nguồn lực văn hóa, con người Thủ đô đóng góp chung cho sự phát triển toàn diện của thành phố. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn trên cơ sở những kết quả và bài học kinh nghiệm, Hà Nội có thể chia sẻ cách làm với các địa phương khác, đồng thời tiếp tục phối hợp tốt với Bộ để cùng "đẩy con thuyền văn hóa tới một tầm cao mới".
Nhận diện những khó khăn, tồn tại của Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị Hà Nội tiếp tục huy động tâm huyết, trí tuệ và sự quyết tâm trong việc tìm ra giải pháp hóa giải những vướng mắc hiện có. Đặc biệt, thời gian tới, Quốc hội sẽ cho phép sửa đổi Luật Thủ đô. Hà Nội cần chỉ đạo các cơ quan soạn thảo nghiên cứu sâu sắc những nội hàm về văn hóa và cơ sở về văn hóa để biến đó thành các điều luật, giúp huy động được các nguồn lực dưới góc độ vừa quản lý, vừa kiến tạo sự phát triển cho lĩnh vực văn hoá, nhất là với một Thủ đô mang đậm dấu ấn văn hoá, với bề dày về lịch sử, truyền thống và kho tàng di sản phong phú, đồ sộ như Hà Nội. Cần nghiên cứu, tính toán để có sự kết nối, liên thông với các bộ luật khác, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng Luật Thủ đô.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đề nghị Hà Nội tiếp tục cụ thể hoá các nội dung của Hội nghị văn hoá toàn quốc, chẳng hạn như cụ thể hoá hệ giá trị Thủ đô gắn với hệ giá trị quốc gia, gắn kết những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam cùng chuẩn mực văn hóa người Hà Nội, tạo sự kết nối, có kế thừa, sáng tạo.
Nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố: "Người Hà Nội phải sống thực sự có văn hoá, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc. Đó là lối sống nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, trong sáng, lịch sự", Bộ trưởng khẳng định, lời chỉ đạo rất sâu sắc của Tổng Bí thư vận dụng vào thời điểm tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình 06/CTr-TU càng mang nhiều ý nghĩa. Với tinh thần đó và những cách làm thực chất, đi thẳng vào các nhóm vấn đề để đi vào tổng thể, Bộ trưởng hy vọng, qua Hội nghị này, văn hóa Hà Nội sẽ có bước phát triển cao hơn, việc xây dựng con người Hà Nội sẽ dần dần tốt hơn để từ đó tạo ra động lực cho sự phát triển đất nước, đóng góp xứng đáng với vị trí của Thủ đô trong quá trình phát triển đất nước.