"Chủ đầu tư nhà ở xã hội chưa chủ động vốn"
Đời sống - Ngày đăng : 17:54, 25/05/2023
Liên quan vấn đề được dư luận quan tâm là khả năng thiếu điện, ông Nguyễn Phú Vĩnh, Trưởng ban Kinh doanh, Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Kế hoạch thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn được thực hiện chặt chẽ. Từ ngày 16-5 đến nay, thành phố đã tiết kiệm được 10,23 triệu kWh, tập trung tại cơ quan hành chính, sự nghiệp, mỗi ngày trung bình tiết kiệm 1,14 triệu kWh, tương ứng 2,4 tỷ đồng.
Cũng theo ông Nguyễn Phú Vĩnh, vấn đề cung ứng điện được lãnh đạo thành phố quan tâm chỉ đạo. Điện lực thành phố bảo đảm cung cấp điện xuyên suốt tại các cơ quan hành chính công, sản xuất - kinh doanh, hộ gia đình cũng như các hoạt động khác. Những thời điểm mất điện, nguyên nhân là có sự cố.
Liên quan đến thị trường bất động sản, được nhiều doanh nghiệp và người mua nhà quan tâm, ông Mai Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng thành phố) cho biết, hiện thành phố có 9 dự án nhà ở xã hội đang thi công và 2 dự án nhà lưu trú công nhân đã được khởi công.
“Khó khăn về xây dựng nhà ở xã hội là vấn đề thủ tục (phức tạp hơn nhà ở thương mại), công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm, kéo dài, điều chỉnh quy hoạch tốn nhiều thời gian, chủ đầu tư nhà ở xã hội chưa chủ động vốn”, ông Mai Thanh Tùng nói tại họp báo.
Vấn đề giao thông cũng được dư luận quan tâm, liên quan đến chương trình phát triển xe buýt sử dụng năng lượng xanh, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở Giao thông Vận tải thành phố) cho biết, hiện thành phố chỉ có một tuyến xe buýt sử dụng năng lượng xanh.
Liên quan thực trạng xe khách giường nằm “tung hoành” nội thành, ông Đỗ Ngọc Hải thừa nhận: “Vẫn còn tình trạng xe khách giường nằm dừng đỗ trái phép, phát sinh nhiều "xe dù, bến cóc" ở các tuyến đường vành đai. Sở Giao thông Vận tải thành phố đã kiến nghị tiếp tục xem xét cấm xe khách có giường nằm nhằm hạn chế đón trả khách dẫn đến mất trật tự an toàn giao thông. Tăng cường ứng dụng công nghệ để "phạt nguội"...
Một vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua là tình trạng thiếu thuốc hiếm tại các bệnh viện. Về vấn đề này, Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố Lê Thiện Huỳnh Như cho biết: Để đáp ứng nhu cầu, các bệnh viện đã sử dụng phác đồ thay thế, tuy nhiên bệnh nhân phải chi trả giá thuốc cao hoặc không được bảo hiểm y tế thanh toán. Thuốc hiếm và thuốc phát sinh đột xuất trong các trường hợp cấp cứu, nguồn cung ứng vẫn đang là vấn đề nan giải, cần sự phối hợp nhiều đơn vị liên quan.
“Sở Y tế thành phố đã có đề xuất gửi cơ quan có thẩm quyền cơ chế mua sắm, dữ trự thuốc hiếm”, bà Lê Thiện Huỳnh Như thông tin.