Thủ tướng chỉ thị nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới

Kinh tế - Ngày đăng : 09:32, 25/05/2023

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới.

Xưởng hàn khung xe ô tô tại Công ty TNHH Ford Việt Nam, tỉnh Hải Dương. Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và Quyết định số 308/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030.

Chuẩn bị các điều kiện tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư và sản xuất, kinh doanh. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy nhanh việc tổ chức lập, thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp để định hướng, sắp xếp, tổ chức về mặt không gian, tạo cơ hội phát triển nhanh và bền vững;

Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn làm nhà cung ứng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong một số ngành, lĩnh vực…;

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp đào tạo, đào tạo lại để nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động đáp ứng yêu cầu nhân lực cho nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài; tập trung phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả và hội nhập (tăng nhanh quy mô, chất lượng đào tạo, ưu tiên đào tạo chất lượng cao, ngành nghề công nghệ mới, thúc đẩy hợp tác công tư, chuyển đổi số trong đào tạo…); rà soát, báo cáo về tình hình sử dụng lao động người Việt Nam đã làm việc ở nước ngoài sau khi về nước và đề xuất giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động. Nghiên cứu chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nhân tài người Việt Nam tại nước ngoài…

Bộ Khoa học và Công nghệ trong tháng 6-2023 phải trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng theo hướng đơn giản hóa yêu cầu, thủ tục nhập khẩu dây chuyền sản xuất, trang thiết bị đã qua sử dụng vào Việt Nam phục vụ cho hoạt động dịch chuyển, bảo đảm máy móc, công nghệ nhập khẩu tiên tiến, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư; rà soát yêu cầu, trình tự, thủ tục để đảm bảo không tiếp nhận các công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu xây dựng chính sách khuyến khích hợp tác, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông trong quý III-2023 nghiên cứu, đề xuất khung chính sách thử nghiệm và giải pháp đột phá để thu hút các tập đoàn công nghệ số (techfirm) hàng đầu thế giới vào Việt Nam. Rà soát, xây dựng và đề xuất ban hành theo thẩm quyền cơ chế, chính sách về Khu công nghệ thông tin tập trung nhằm hình thành các Khu công nghiệp thông tin tập trung đạt tiêu chuẩn quốc tế; thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới vào đầu tư, nghiên cứu và phát triển. Xây dựng hoặc đề xuất ban hành cơ chế khuyến khích cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam nghiên cứu và phát triển các phần mềm lõi, công nghệ nguồn…

Bộ Tài chính rà soát những bất cập, chưa đồng bộ của quy định pháp luật về thuế với các quy định đối tượng hưởng ưu đãi thuế của pháp luật chuyên ngành để đề xuất, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các quy định pháp luật về thuế bảo đảm đồng bộ với pháp luật khác có liên quan trong quý III-2023; rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành và xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn của Việt Nam trình vào kỳ họp thứ sáu Quốc hội năm 2023…

Bộ Ngoại giao thông qua các kênh ngoại giao, đối ngoại, tăng cường việc xúc tiến, quảng bá, xây dựng hình ảnh về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam và định hướng của Chính phủ về phát triển bền vững để góp phần phát triển, đa dạng hóa cơ hội hợp tác đầu tư với các nước đối tác lớn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quý III-2023 trình Chính phủ việc nghiên cứu xây dựng chính sách nâng cao tính cạnh tranh, tạo môi trường hấp dẫn để thu hút có chọn lọc các cơ sở giáo dục nước ngoài đầu tư, xây dựng phân hiệu tại Việt Nam; nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp liên kết với các cơ sở giáo dục đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao khi có khả năng tiếp thu, làm chủ và khai thác hiệu quả công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam…

Bộ Công an và Bộ Xây dựng tiếp tục và khẩn trương thực hiện hiệu quả Công điện số 220/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Bộ Y tế rà soát, đánh giá những vướng mắc, bất cập liên quan đến thủ tục cấp giấy phép lưu hành thiết bị y tế và dược phẩm để sửa đổi, bổ sung Luật Dược, bảo đảm tính toàn diện, thống nhất, khả thi; đáp ứng tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế…

Các bộ, ngành rà soát các vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định của  pháp luật về đầu tư để tổng hợp, kịp thời hướng dẫn xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định giải quyết vướng mắc. Cắt giảm triệt để thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn cho nhà đầu tư và người dân…

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển và tổ chức xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngoài hàng rào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu chức năng thuộc khu kinh tế. Rà soát, sửa đổi quy trình, thủ tục nội bộ liên quan đến thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư, bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật về đầu tư và pháp luật liên quan nhưng không gây phiền hà, tăng chi phí của nhà đầu tư…

Chỉ thị cũng nêu rõ nhiệm vụ của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư...

Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động, thực hiện kịp thời các nhiệm vụ được phân công tại Chỉ thị này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chỉ thị.

Theo TTXVN