Phòng, chống cháy, nổ từ “gốc”
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:05, 25/05/2023
Theo thống kê của Bộ Công an, trong giai đoạn 2012-2022, cháy ở nhà dân chiếm 42-60% tổng số vụ cháy nhà và công trình. Mỗi năm có 80-100 người tử vong do cháy, nổ thì có tới 80-90% là xảy ra ở nhà dân. 4 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 522 vụ cháy, trong đó có 196 vụ xảy ra ở nhà dân, chiếm 37,5%, là tỷ lệ cao nhất trong số các vụ việc cháy, nổ. Vụ cháy nhà ở quận Hà Đông ngày 13-5 vừa qua khiến 4 bà cháu tử vong một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn cháy, nổ đối với loại công trình này.
Có một thực tế là còn nhiều người dân chủ quan, chưa thực sự coi trọng công tác phòng cháy, chữa cháy. Khi xây dựng, sửa chữa nhà ở, vì lý do “chống trộm”, nhiều hộ gia đình đã làm “chuồng cọp” bịt kín lối thoát hiểm. Trong khi đó, các quy định, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy vẫn còn “lỗ hổng” đối với loại hình nhà ở riêng lẻ, trong đó có nhà dân. Cụ thể, Luật Phòng cháy và chữa cháy hiện không yêu cầu cụ thể về phòng cháy đối với nhà ở riêng lẻ dưới 7 tầng (trừ nhà kết hợp kinh doanh). Hồ sơ xin giấy phép xây dựng đối với loại nhà này chỉ cần bảo đảm tiêu chuẩn mật độ, chiều cao, khoảng lùi, chỉ giới, không có điều kiện về phòng cháy. Hay như Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn phòng cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2022/BXD) mới nhất do Bộ Xây dựng ban hành cũng không áp dụng đối với nhà ở riêng lẻ từ 6 tầng trở xuống.
Từ thực tế trên, để tăng cường phòng, chống cháy, nổ từ “gốc”, về lâu về dài cần sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chuẩn mang tính bắt buộc. Đồng thời, mỗi hộ gia đình đều phải có phương án phòng cháy, chữa cháy tương ứng.
Trước mắt, các cấp, ngành cần thực hiện nghiêm các chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về phòng cháy, chữa cháy. Tại Hà Nội, các cơ quan, đơn vị, địa phương còn cần tập trung thực hiện nghiêm Công văn số 504-CV/TU ngày 10-9-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, trọng tâm là huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy; gắn công tác phòng cháy, chữa cháy với trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, từ nay đến cuối năm 2023, các địa phương phải phấn đấu hoàn thành mục tiêu UBND thành phố Hà Nội nêu tại Văn bản số 1157/UBND-NC, đó là đến ngày 15-12-2023 bảo đảm 100% hộ gia đình nhà ở riêng lẻ có ít nhất 1 người được phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy.
Với phương châm phòng, chống cháy, nổ từ “gốc”, Công an thành phố đã phối hợp với các địa phương triển khai những mô hình, như: “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”, “Khu dân cư an toàn phòng cháy, chữa cháy”, “Khu chung cư an toàn phòng cháy, chữa cháy”... Đây là những mô hình có ý nghĩa thiết thực. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện chưa đồng đều, có nơi việc thực hiện còn mang tính phong trào. Do đó, điều quan trọng hiện nay là phải nhanh chóng đưa những mô hình này "phủ sóng" trên toàn thành phố; bảo đảm 100% tổ dân phố, thôn đều áp dụng, tạo thành mạng lưới, trong đó mỗi hộ gia đình là một “mắt xích” phòng, chống cháy, nổ. Nếu làm được như vậy một cách thực chất, công tác phòng cháy, chữa cháy chắc chắn sẽ hiệu quả hơn.