Thuốc y học cổ truyền - vẫn “vàng, thau” lẫn lộn
Xã hội - Ngày đăng : 06:22, 25/05/2023
Mượn danh để quảng cáo
Lâu nay, nhiều nội dung quảng cáo thuốc y học cổ truyền trên mạng xã hội đã được cảnh báo là lừa đảo, nhưng không ít người vẫn "lao" vào mua và sử dụng. Chỉ đến khi cơ thể bắt đầu vượt quá ngưỡng chịu đựng, họ mới nhận ra mình bị lừa…
Là địa phương có 3 làng nghề thuốc Nam dân tộc Dao, xã Ba Vì (huyện Ba Vì) có 350 hộ làm nghề thuốc Nam. Gần đây, nhiều người đã bị mạo danh để bán thuốc. Bà Lý Thị Xuân, 64 tuổi, thôn Yên Sơn - một trong những hộ bán thuốc Nam có tiếng ở xã Ba Vì bức xúc: “Gia đình tôi chỉ bán thuốc trực tiếp, không bán trên mạng xã hội. Tôi chỉ biết mình bị mạo danh khi có người mách rằng thấy hình ảnh của tôi quảng cáo thuốc trên mạng”.
Về điều này, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì Dương Trung Phong xác nhận, qua đơn thư phản ánh của người bệnh và khách hàng, địa phương phát hiện nhiều đối tượng mượn danh, lấy cắp hình ảnh một số người có uy tín, giỏi về thuốc Nam của xã để quảng cáo thuốc sai sự thật, bán thuốc trôi nổi...
Liều lĩnh hơn, có đối tượng còn mượn danh lãnh đạo Hội Đông y Hà Nội để quảng cáo bán thuốc. Phó Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội Nguyễn Hồng Minh từng bị một số đối tượng lấy thông tin cá nhân, ảnh chân dung, ảnh ông tham gia hội thảo để cắt ghép, làm thành video quảng cáo, với nội dung ông bắt mạch, bốc thuốc… Khi nhiều người quen gọi điện hỏi mua thuốc, ông Minh mới biết mình bị mạo danh.
Là một trong những doanh nghiệp theo đuổi con đường phát triển thuốc Nam lâu dài, Hợp tác xã Nam dược Tản Viên Sơn (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì) cũng gặp không ít khó khăn bởi tình trạng bán thuốc trôi nổi đang làm nhiễu loạn thông tin. Tổng Giám đốc Hợp tác xã Nam dược Tản Viên Sơn Trương Mạnh Hải chia sẻ: “Nhiều doanh nghiệp sản xuất thuốc Nam chân chính đang phải cạnh tranh với lượng lớn người làm truyền thông “bẩn”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín thuốc Nam. Nếu không sớm được ngăn chặn, sẽ làm lung lay niềm tin của người tiêu dùng vào nền y học cổ truyền”.
Không để “con sâu làm rầu nồi canh“
Theo số liệu của Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương, trong năm 2022, hệ thống kiểm nghiệm nhà nước đã lấy 5.306 mẫu đông dược để kiểm tra chất lượng, trong đó 25 mẫu không đạt (0,47%). Với 2.224 mẫu dược liệu, có 85 mẫu không đạt (3,82%), ngoài ra, còn có 4 mẫu đông dược giả... Đáng lưu ý, việc kiểm tra mẫu trên là đối với thuốc đã được đăng ký cấp phép còn với những mẫu do người dân nghi ngờ, tự mang đến viện xét nghiệm (phần lớn là thuốc không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác) cũng phát hiện chất cấm, chất tân dược như giảm đau, chống viêm. “Qua kiểm nghiệm, Viện đều tổng hợp danh sách gửi Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế), trung tâm kiểm nghiệm thuốc các tỉnh liên quan để có giải pháp ngăn chặn vi phạm”, Tiến sĩ Lê Quang Thảo, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương thông tin.
Tại Hà Nội, qua kiểm tra, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) cũng phát hiện một số thuốc bị làm giả như hoài sơn làm giả bằng củ sắn, hồng hoa làm giả bằng phôi bào nhuộm phẩm đỏ, bạch linh làm giả bằng thạch cao dẻo...
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trương Mạnh Hải đề xuất: “Để nền y học cổ truyền bền vững, cần tính đến việc chuyên nghiệp trong quy trình sản xuất, kể cả là thuốc cổ truyền. Chúng tôi sẵn sàng liên doanh, liên kết với các hộ làm nghề thuốc để sản xuất sản phẩm có thương hiệu, đúng quy định pháp luật”.
Còn trên lĩnh vực chuyên môn, Phó Ban chuyên môn, Hội Đông y thành phố Hà Nội Cấn Thị Thủy cho rằng, Chính phủ cần có quy định về kiểm soát nguồn gốc và chất lượng các loại thảo dược cũng như thiết lập những tiêu chuẩn, quy trình kiểm tra sản phẩm Đông y trước khi bán ra thị trường. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở khám, chữa bệnh, sản xuất thuốc y học cổ truyền, bảo đảm các cơ sở phải có giấy phép hoạt động đầy đủ.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì Dương Trung Phong mong muốn các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những đối tượng dùng hình ảnh cắt ghép để quảng cáo sai sự thực về làng nghề thuốc Nam trên địa bàn xã nhằm bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng và những người làm nghề thuốc chân chính.
Như vậy, để minh bạch thị trường thuốc y học cổ truyền, điều quan trọng là sự phối hợp trách nhiệm và thực chất giữa các cấp, ngành, địa phương bởi đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Y tế. Để duy trì và phát triển nền y học cổ truyền của dân tộc, sẽ là quá muộn nếu như ngay từ bây giờ chúng ta không có những biện pháp hiệu quả kiểm soát, quản lý, phân định “vàng, thau”.