Bài 3: Cần tính đúng, tính đủ

Kinh tế - Ngày đăng : 06:10, 25/05/2023

(HNMO) - Việc giá tiêu thụ nước sạch vẫn “bất động” trong 10 năm qua đang là trở ngại đối với yêu cầu phát triển hệ thống cấp nước Thủ đô những năm gần đây cũng như thời gian tới. Việc cần thiết tính đúng, tính đủ giá tiêu thụ nước, đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, không làm ảnh hưởng đến đời sống người dân đã được thành phố Hà Nội cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng...

Việc tính đúng, tính đủ giá tiêu thụ nước được thành phố Hà Nội cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng. Ảnh minh họa

Giá nước hiện hành còn bất cập

Chia sẻ về quy định tính giá nước sạch, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp cho biết, giá nước được quy định bởi Luật Giá năm 2012; cách tính được quy định bởi Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11-7-2007 của Chính phủ, Thông tư số 44/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo những quy định này, hằng năm, đơn vị cấp nước phải lập chương trình điều chỉnh giá tiêu thụ nước cho năm sau và UBND cấp tỉnh quyết định giá bán. Do nước sạch là một trong những nhu cầu thiết yếu nên chính quyền một số địa phương đã cân nhắc việc điều chỉnh giá nước.

Tuy nhiên, với giá nước của Hà Nội đã áp dụng 10 năm nay, ông Nguyễn Ngọc Điệp cho rằng thấp và không thực hiện theo đúng quy định. Thu nhập, mức sống của người dân Thủ đô so với các địa phương khác là khá cao, song giá nước bán ra tại Hà Nội lại đang ở mức rất thấp. Theo khảo sát của Hội Cấp thoát nước Việt Nam, giá tiêu thụ nước sạch bình quân khu vực đô thị của các địa phương như Phú Thọ, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, thành phố Hồ Chí Minh... cao hơn Hà Nội 10-45%.

Đặc biệt, trong khi các yếu tố đầu vào cho sản xuất nước sạch đều đã tăng trong 10 năm qua nhưng giá tiêu thụ nước chưa được điều chỉnh là rất bất cập. “Không có địa phương nào áp giá nước sạch kéo dài tới tận 10 năm như Hà Nội. Tỉnh Phú Thọ điều chỉnh tăng năm 2018; Nam Định, Nghệ An năm 2019; Quảng Ninh, Hòa Bình năm 2022... Đáng chú ý, thành phố Hải Phòng quy định rõ 3 năm một lần điều chỉnh giá nước. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có chủ trương tăng giá nước theo lộ trình từ tháng 8-2013 và hằng năm đều tự động tăng theo lộ trình... Việc điều chỉnh là do biến động của các yếu tố đầu vào. Vì vậy, chính quyền địa phương cùng các đơn vị cấp nước phải ngồi lại, tính toán hằng năm...”, ông Nguyễn Ngọc Điệp nêu quan điểm.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tại Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ chủ trương ưu tiên khai thác nguồn nước mặt, giảm dần khai thác nước ngầm. So với thời điểm năm 2013 (chưa sản xuất nước sạch từ nguồn nước mặt), hiện nước sạch từ nguồn nước mặt của thành phố đạt 750.000m3/ngày-đêm, chiếm 49% sản lượng nước sạch cung cấp cho thành phố. Khi nguồn nước mặt dần thay thế nguồn nước ngầm, chi phí sản xuất nước sạch cao hơn, do đó giá thành nước sạch tăng so với trước đây.

Cân nhắc tác động đời sống nhân dân

Trước các bất cập về giá nước sạch, thành phố Hà Nội đã thuê đơn vị tư vấn, thành lập Tổ công tác thẩm định phương án giá nước sạch, mời các chuyên gia, doanh nghiệp cùng bàn thảo... nhằm nghiên cứu, xây dựng phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt phù hợp với quy định, yêu cầu thực tế, bảo đảm phù hợp, hài hòa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp - người dân, hạn chế ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân. Đồng thời, thành phố có cơ chế hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách.

Theo phương án và lộ trình điều chỉnh giá nước sạch được Tổ công tác thống nhất, lộ trình tăng giá nước áp dụng từ tháng 7-2023 và năm 2024. Với hộ dân, trong 6 tháng cuối năm 2023, mức giá 10m3 đầu tiên (hộ/tháng) được điều chỉnh tăng lên 7.500 đồng/m3; từ trên 10 đến 20m3 là 8.800 đồng/m3; từ trên 20 đến 30m3 là 12.000 đồng/m3; từ trên 30m3 là 24.000 đồng/m3. Từ năm 2024, mức giá tương ứng là 8.500 đồng/m3, 9.900 đồng/m3, 16.000 đồng/m3 và 27.000 đồng/m3.

“Đối với các hộ dân có nhu cầu tiêu dùng nước thực tế ở mức 10m3, thì số tiền phải chi thêm khoảng 15.270 đồng/tháng”, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Sáng cho hay. Đặc biệt, theo tính toán của liên ngành, phương án điều chỉnh giá nước làm tăng 0,17% chỉ số giá tiêu dùng, không ảnh hưởng lớn đến giá các loại hàng hóa, dịch vụ liên quan.

Đánh giá về phương án giá và lộ trình điều chỉnh giá nước của thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp cho rằng, thành phố đã rất thận trọng, thấu đáo, kỹ lưỡng và quan tâm đến đời sống người dân.

“Tại khu vực đô thị, trung bình mỗi hộ gia đình sử dụng 10-16m3 nước sạch, sẽ chi thêm 15.000-26.000 đồng/tháng; còn ở khu vực nông thôn, mức tăng thêm 10.000-13.000 đồng/tháng/hộ. Tôi nghĩ rằng, mức tăng thêm này là phù hợp. Nếu tính về cơ cấu chi tiêu, chi cho nước sạch chiếm rất ít, trong khi nước sạch lại là nhu cầu rất thiết yếu. Mất nước sạch 1-2 hôm là cuộc sống người dân rối tung lên rồi”, ông Nguyễn Ngọc Điệp nói.

(Còn nữa)

Dạ Khánh