Kết thúc phiên phúc thẩm đại án AIC
Pháp đình - Ngày đăng : 13:50, 24/05/2023
Trước đó, ngày 22-5, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xét xử vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (viết tắt là Công ty AIC) và các đơn vị liên quan. Phiên tòa được mở do có kháng cáo của 15/36 bị cáo và kháng cáo của bị đơn dân sự.
Theo đó, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm quyết định bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC) và tuyên y án sơ thẩm 12 năm tù đối với bị cáo về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", theo khoản 3, Điều 222 - Bộ luật Hình sự.
Tòa cấp phúc thẩm quyết định chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Phan Huy Anh Vũ (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) khi tuyên phạt bị cáo này 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” (sơ thẩm là 10 năm tù) và giữ nguyên mức án 9 năm tù về tội “Nhận hối lộ” tại bản án sơ thẩm. Tổng hợp hình phạt cả 2 tội danh, bị cáo Phan Huy Anh Vũ phải chấp hành mức án chung là 16 năm tù.
Đồng thời, Tòa cấp phúc thẩm cũng chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Lê Chí Tuân (nguyên nhân viên Công ty AIC) và bị cáo Vũ Quang Ngọc (nguyên Phó Giám đốc Công ty Mediconsult Việt Nam) và ra phán quyết tuyên phạt bị cáo Tuân 30 tháng tù (sơ thẩm 3 năm tù), bị cáo Ngọc 3 năm tù (sơ thẩm 3 năm 6 tháng tù), đều về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Các bị cáo Huỳnh Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Tạ Thiên Ân), Lê Thị Hương (nguyên nhân viên kế toán Công ty AIC) cũng được cấp phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo. Theo đó, bị cáo Tuấn Anh bị tuyên phạt 30 tháng nhưng cho hưởng án treo; bị cáo Hương bị tuyên phạt 36 tháng và cũng được hưởng án treo. Trước đó, 2 bị cáo này bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt mức án lần lượt là 30 tháng tù và 3 năm tù giam cùng về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo Hội đồng xét xử, tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo đều thừa nhận hành vi sai phạm như tại bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, các bị cáo đều mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt; đồng thời, xuất trình thêm tình tiết giảm nhẹ mới, tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả…
Nội dung vụ án thể hiện, trước khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai, Nguyễn Thị Thanh Nhàn (nguyên Chủ tịch Công AIC) gặp và nhờ Trần Đình Thành (khi đó đang là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp này tham gia các dự án của tỉnh. Nhàn còn giới thiệu Hoàng Thị Thúy Nga (khi đó là Trưởng ban quản lý Dự án phụ trách khu vực phía Nam của Công ty AIC) với Trần Đình Thành để phối hợp thực hiện. Sau đó, Nhàn, Nga đã nhiều lần gặp gỡ lãnh đạo tỉnh và đề nghị tạo điều kiện để Công ty AIC tham gia đấu thầu và trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai.
Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng chỉ đạo cấp dưới mua hồ sơ mời thầu, nộp hồ sơ dự thầu qua các công ty “quân đỏ” và “quân xanh” hoặc nhờ nhân viên các công ty liên quan nộp hồ sơ cho đủ số lượng theo quy định. Quá trình tham gia đấu thầu rồi trúng thầu, Nhàn lập Ban thư ký tài chính để quản lý các khoản chi đối ngoại; đồng thời, Nhàn cũng trực tiếp đưa hối lộ hoặc chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ cho một số lãnh đạo tỉnh, sở, ngành của Đồng Nai.
Việc làm của Nhàn đã giúp Công ty AIC tham gia và trúng 16 gói thầu, trong đó công ty này đứng tên trúng thầu với 12 gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước tổng cộng hơn 152 tỷ đồng.