Khai thác tối đa tiềm năng phát triển kinh tế biển khu vực Trung Bộ
Kinh tế - Ngày đăng : 10:58, 24/05/2023
Phát biểu đề dẫn, PGS.TS Trần Thị Lan Hương (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhìn nhận, khu vực duyên hải Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có điều kiện để khai thác phát triển tiềm năng kinh tế biển theo hướng tổng hợp và bền vững. Đây là vùng tập trung nhiều khu kinh tế ven biển quan trọng, có khả năng kết nối phát triển kinh tế giữa các vùng biển của Việt Nam và các trung tâm phát triển kinh tế năng động của khu vực và thế giới…
Tuy nhiên, quy mô phát triển kinh tế biển ở nhiều địa phương còn nhỏ; các khu công nghiệp ven biển chưa lấp đầy diện tích được quy hoạch; đóng góp của kinh tế biển trong GDP của tỉnh còn thấp, liên kết phát triển còn yếu và nhiều địa phương thay vì liên kết lại có xu hướng cạnh tranh xung đột nhau... Các nghề thuần biển còn nhiều dư địa phát triển nhưng chưa tháo gỡ các nút thắt về nhân lực, công nghệ và cơ sở hạ tầng; đầu tư khoa học và công nghệ cho phát triển kinh tế biển còn thiếu nguồn lực (con người, tài chính, hợp tác trong nước và quốc tế) và đầu tư dàn trải…
Tại hội thảo, PGS.TS Bùi Quang Bình, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng nhận định, việc phát triển các khu kinh tế ven biển đã có hành lang pháp luật để cụ thể hóa. Tuy nhiên, mức độ phát triển vẫn phụ thuộc vào nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương. Một ví dụ tiêu biểu là Khu kinh tế mở Chu Lai ở tỉnh Quảng Nam từ một vùng đất cát hoang vắng đã trở thành tổ hợp - cụm ngành phát triển cốt lõi với công nghiệp ô tô, công nghiệp phụ trợ ô tô, trung tâm logistics gắn với cảng biển Kỳ Hà, sân bay Chu Lai cùng Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, dệt may và điện khí và hóa dầu.
Theo PGS.TS Bùi Quang Bình, cần thiết có cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển do các khu kinh tế ở mỗi địa phương có yếu tố trội khác nhau và đặc thù khác nhau. Tiếp đó, cần thiết có sự đổi mới, điều chỉnh bổ sung quy hoạch các khu kinh tế ven biển theo hướng tích hợp với quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch các khu kinh tế ven biển, quy hoạch vùng vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ và quy hoạch tỉnh, nơi có khu kinh tế ven biển. Cuối cùng là tập trung nguồn lực đầu tư phát triển, trong đó đầu tư Nhà nước có vai trò “đầu tư mồi” đề huy động đầu tư tư nhân.
Cũng liên quan đến thu hút đầu tư, TS Phan Thị Sông Thương, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ cho rằng, chính sách thu hút đầu tư không nên chung cho các ngành, lĩnh vực mà cần có sự đột phá để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào các dự án phát triển hạ tầng cảng biển. Các địa phương cần tăng cường năng lực cạnh tranh dịch vụ logistics của vùng thông qua việc xây dựng các chương trình liên kết phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng.
Đại diện cho địa phương chủ nhà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết, Đà Nẵng là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển; có 6/8 quận, huyện với 80% dân số của thành phố tiếp giáp với biển với hơn 92 km bờ biển. Xác định được vị trí và tầm quan trọng, trong thời gian qua, thành phố đã ban hành nhiều chính sách để phát triển kinh tế biển nhanh, hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế biển hiện nay còn nhiều vấn đề đặt ra như xung đột về lợi ích giữa kinh tế - xã hội và môi trường, giữa việc khai thác sử dụng tài nguyên và cạn kiệt nguồn tài nguyên, giữa các ngành, giữa các địa phương với phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và sự đa dạng sinh học, việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định…
Vì vậy, "Đà Nẵng mong muốn qua hội thảo sẽ có thêm những nội dung mới được các chuyên gia, nhà khoa học làm sáng tỏ; những đề xuất, kiến nghị để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, nhằm phát triển kinh tế biển thành phố và cả vùng ngày càng nhanh, mạnh và bền vững hơn", bà Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh.