Tiết kiệm điện: Cần trợ lực để thiết thực hơn

Kinh tế - Ngày đăng : 13:13, 24/05/2023

(HNMO) - Qua một tuần triển khai lời kêu gọi về tiết kiệm điện, ngành Điện, người dân và doanh nghiệp hai đô thị lớn phía Nam là Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh đã thực thi nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để tiết kiệm điện hiệu quả và thực chất hơn, rất cần sự trợ giúp của bộ, ngành Trung ương.

Tài liệu tuyên truyền của EVN về tiết kiệm điện.

Tạo thói quen mới trong sinh hoạt

Ngay sau khi có lời kêu gọi từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN và Bộ Công Thương nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu ngành Điện và kêu gọi người dân, doanh nghiệp hưởng ứng tiết kiệm điện.

Để việc thực hiện hưởng ứng tiết kiệm điện thực chất, hiệu quả và cũng là nhằm tạo thói quen mới trong sinh hoạt cho người dân,từ 20h, tại khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng, phần lớn điện chiếu sáng trang trí và các bảng quảng cáo điện tử đã tắt đèn, thực hiện đúng yêu cầu của UBND thành phố Đà Nẵng. Mục tiêu của thành phố là kêu gọi người dân, doanh nghiệp cùng thực hiện mục tiêu tiết kiệm ít nhất 10% tổng điện năng tiêu thụ trong quý II và quý III-2023 so với mức sử dụng điện bình thường.

Ông Vũ Trung Khánh, cư dân ngụ tại đường Bạch Đằng, chia sẻ: “Trước đây, đèn chiếu sáng các hàng cây, tòa nhà và bờ kè sông Hàn lung linh, tạo vẻ đẹp cho thành phố vào mỗi tối. Tuy nhiên, với tình hình thiếu điện như hiện nay, tôi đồng tình với việc tắt điện trang trí sớm. Hành động mang tính biểu tượng này sẽ nhắc nhở mọi người nâng cao ý thức tiết kiệm khi sử dụng điện”.

Điện trang trí, quảng cáo tại Đà Nẵng được tắt từ 20h để tiết kiệm điện.

Theo Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, do ảnh hưởng của thời tiết, nắng nóng bất thường so với trung bình nhiều năm, phụ tải trên địa bàn thành phố các ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 tăng rất cao. Sản lượng trung bình ngày đạt hơn 9,3 triệu kWh, sản lượng cực đại đạt hơn 10,6 triệu kWh (tăng hơn 17,5% so với cùng kỳ năm 2022). Công suất cực đại đạt 542 MW, tăng hơn 14,5% so với cùng kỳ năm 2022. 

Tại thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm thương mại Crescent Mall có 4 thang cuộn nằm dọc trung tâm, đưa khách lên các tầng tham quan, mua sắm. Hưởng ứng lời kêu gọi tiết kiệm điện của chính quyền và ngành Điện thành phố, trung tâm đã tạm ngưng 2 thang cuốn; bố trí biển báo xin lỗi và hướng dẫn du khách dùng 2 thang còn lại. Theo đại diện trung tâm, cách làm này sẽ được áp dụng từ nay đến hết ngày 30-6-2023, theo đúng khuyến cáo của ngành Điện.

Trung tâm Thương mại Cresent Mall (quận 7) chỉ vận hành 50% thang máy để tiết kiệm điện.

Còn riêng đối với các công sở, việc thực hiện tiết kiệm điện được điều chỉnh khá cụ thể, như: Mở máy điều hòa nhiệt độ muộn 60 phút và tắt sớm 60 phút so với giờ bắt đầu và kết thúc ngày làm việc. Tắt giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng hành lang, bãi giữ xe, các khu vực công cộng; khuyến khích di chuyển bằng cầu thang bộ giữa các tầng gần nhau.

Cùng với đó, ngành Điện hai thành phố cam kết sẽ hạn chế tối đa việc cắt điện trên địa bàn trong thời gian này, nhất là vào ban đêm và giờ cao điểm nắng nóng trong ngày, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Cần giải pháp tổng thể, lâu dài

Công ty cổ phần Mondelez Kinh Đô Việt Nam là một trong những doanh nghiệp đầu tiên trong Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái nhà xưởng. Ông Bùi Khánh Nguyên, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông cho biết, để thiết thực hưởng ứng tiết kiệm điện và nhằm đạt tiêu chuẩn sản xuất “xanh” của tập đoàn, từ cuối năm 2022 đến nay, công ty đã tự chủ được 27% lượng điện tiêu thụ bằng dùng điện mặt trời.

Nhiều nhà máy trong các khu công nghiệp phía Nam đã lắp điện mặt trời, nhưng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu, rất cần sự trợ lực truyền dẫn điện "sạch" từ ngành Điện.

“Công ty phấn đấu đến năm 2030 sẽ dùng 100% điện sạch. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung của các nhà máy điện mặt trời phía Nam. Trong quy hoạch Điện VIII mới ban hành, Chính phủ đã cho phép các doanh nghiệp năng lượng tái tạo bán điện trực tiếp cho khách hàng. Nhưng làm thế nào để có đường truyền dẫn từ các nhà máy điện gió, điện mặt trời… về nhà máy của chúng tôi thì vẫn là một thách thức lớn, chờ có cơ chế thực hiện”, ông Bùi Khánh Nguyên nói. 

Tại Đà Nẵng, nhiều doanh nghiệp cũng muốn có hạ tầng khu công nghiệp xanh để đáp ứng một trong các yêu cầu bạn hàng Âu, Mỹ về sản xuất bằng điện “sạch”. Đơn cử, nhiều nhà cung ứng nguyên liệu, sản phẩm từ Việt Nam cho nhãn hàng thời trang H&M đã được yêu cầu từ năm 2025 không sử dụng điện than trong sản xuất sản phẩm. Điều này vượt ngoài khả năng điều chỉnh của doanh nghiệp. Họ trông chờ vào việc các địa phương xây dựng các khu công nghiệp “xanh” với hạ tầng đáp ứng yêu cầu mới.

Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất quy định, cơ chế mới trong phát triển điện mặt trời cho công sở, doanh nghiệp, hướng tới tiết kiệm điện thực chất và hiệu quả hơn.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang kiến nghị Trung ương xem xét, ban hành cơ chế chính sách và quy định cụ thể về lắp điện mặt trời mái nhà tại các công sở. Theo quy định hiện hành, chưa có quy chuẩn về việc này. 

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, đây là những vấn đề mới. Thành phố đã đề xuất, kiến nghị, Trung ương. Vấn đề này cũng được đưa vào nội dung dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh đang được Quốc hội xem xét. 

Ngọc Anh – Nam Trung