Đáp ứng tối đa nguyện vọng học tập
Giáo dục - Ngày đăng : 06:09, 24/05/2023
Còn hiện tượng chọn môn theo cảm tính
Năm học 2023-2024, cùng với học sinh cả nước, lần đầu tiên học sinh lớp 10 trên địa bàn Hà Nội học theo chương trình, sách giáo khoa mới. Ngoài các môn học bắt buộc, học sinh được chọn 4 môn trong số 9 môn gồm địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, môn vật lý có nhiều học sinh chọn nhất với tỷ lệ 68,2%; tiếp đến là môn tin học với 62,8%; môn địa lý là 56,3%; môn giáo dục kinh tế và pháp luật là 55,4%…
Theo đánh giá chung của các nhà trường, năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THPT đã có những tín hiệu tích cực. Được học các môn học theo nguyện vọng, sở trường, chất lượng học tập của học sinh lớp 10 thay đổi rõ rệt. Kết quả sơ kết học kỳ 1 cho thấy, tỷ lệ học sinh yếu, kém ở các môn vật lý, hóa học, sinh học giảm, chỉ còn 0,1% - mức thấp nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, tại một số trường phát sinh việc học sinh muốn đổi môn học lựa chọn. Nhiều trường có tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ do tỷ lệ học sinh chọn học các môn có sự chênh lệch.
Ông Phan Lạc Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Bất Bạt (huyện Ba Vì) cho rằng, năm đầu tiên được lựa chọn môn học, không phải học sinh nào cũng lựa chọn đúng môn phù hợp. Nhà trường là một trong số các đơn vị có điểm “đầu vào” thấp nhất thành phố, nhiều học sinh có gia cảnh khó khăn, vì vậy, việc lựa chọn môn học của các em chưa được quan tâm đúng mức, thường theo cảm tính hoặc chưa cân nhắc kỹ.
Ghi nhận thực tế còn cho thấy, việc hai môn mỹ thuật và âm nhạc có ít học sinh chọn nhất, với tỷ lệ lần lượt là với 1,8% và 4,3% không hẳn là do học sinh không thích, mà vì các trường chưa có giáo viên. Đây là hai môn học mới trong chương trình, nhưng chưa được tuyển dụng giáo viên, trong khi đó cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hai môn này có đặc thù, vì vậy, chưa phải trường nào cũng có thể đáp ứng. Phương án được các trường áp dụng là ký hợp đồng với giáo viên cấp trung học cơ sở hoặc giáo viên của các trường văn hóa, nghệ thuật…
Đáp ứng nguyện vọng học tập ở mức cao nhất
Năm học 2023-2024, cùng với lớp 10, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được áp dụng ở lớp 11. Lường trước những khó khăn sẽ tăng lên khi chương trình mới được mở rộng, các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội cho rằng, giải pháp quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền tới học sinh và phụ huynh học sinh về yêu cầu của chương trình mới để hạn chế tối đa việc chọn nhầm môn học.
Bà Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, ngoài việc bố trí nhiều vòng tư vấn trực tiếp với học sinh và phụ huynh học sinh, nhà trường sẽ tăng cường tư vấn trực tuyến và đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như trên bảng tin, trên cổng thông tin điện tử… Mỗi học sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng. Nhà trường dành khoảng 15 ngày để học sinh và gia đình cân nhắc, quyết định trước khi xếp lớp. Trước thực tế có khá nhiều học sinh chọn học mỹ thuật nhưng chưa thể đáp ứng, bà Yến cho biết đã chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất và có phương án bố trí giáo viên. Nhà trường đề xuất thành phố sớm tổ chức tuyển dụng giáo viên âm nhạc, mỹ thuật để bảo đảm sự ổn định và đáp ứng nhiều hơn nguyện vọng của học sinh.
Bà Lê Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường THPT Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) chia sẻ, kinh nghiệm ở năm đầu tiên triển khai cho thấy cần tập trung nhiều hơn vào việc tư vấn học sinh, phụ huynh học sinh chọn môn học lựa chọn phù hợp với năng lực và định hướng nghề nghiệp. Nhà trường sẽ rà soát thật kỹ các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để xây dựng phương án tổ chức các môn học và công khai sớm để học sinh, gia đình học sinh có nhiều thời gian tìm hiểu trước khi quyết định.
“Thậm chí đến khi đã vào học chính thức, thời gian đầu, ban giám hiệu, giáo viên vẫn tiếp tục theo dõi, tạo sự thoải mái nhất để các em có thể chia sẻ nếu gặp khó khăn, từ đó kịp thời cùng gia đình học sinh có biện pháp tháo gỡ. Với cách thức này, trong năm học vừa qua, nhà trường không có học sinh nào có nguyện vọng đổi môn học lựa chọn”, bà Hồng nói.
Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong trường hợp học sinh có nguyện vọng đổi môn học lựa chọn, hiệu trưởng xem xét, quyết định vào cuối năm học. Học sinh phải cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới, có xác nhận của phụ huynh học sinh. Nhà trường có giải pháp để hỗ trợ học sinh nhằm nâng cao chất lượng học tập ở môn học mới ở lớp học tiếp theo.
Để chuẩn bị tốt cho năm học mới, bên cạnh việc rà soát cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương lưu ý, các nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ học sinh, phụ huynh chọn môn học phù hợp với năng lực và định hướng nghề nghiệp.
“Các trường cần sớm định hình mô hình lớp học trong năm tới, xác định rõ nhu cầu về cơ sở vật chất, giáo viên để chủ động chuẩn bị, cố gắng đáp ứng cao nhất nguyện vọng học tập của học sinh. Dự kiến, trong tháng 7-2023, thành phố sẽ tổ chức tuyển dụng hơn 600 giáo viên cấp THPT. Số lượng này sẽ phần nào bổ khuyết cho các nhà trường để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của chương trình mới”, ông Trần Thế Cương thông tin.