Bài 2: Văn hóa, con người - trung tâm chính sách phát triển Thủ đô

Văn hóa - Ngày đăng : 06:21, 24/05/2023

(HNM) - Với phương châm kiên trì, bền bỉ, bám sát mục tiêu và quyết liệt hành động, việc triển khai, thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021-2025 (Chương trình 06-CTr/TU) đã mang đến những chuyển biến tích cực, rõ nét trong phát triển văn hóa, con người Hà Nội. Nhờ đó, văn hóa, con người đang trở thành trung tâm trong chính sách phát triển toàn diện, bền vững của Thủ đô.

Các hiện vật được gìn giữ, trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội góp phần tôn vinh, quảng bá giá trị di sản văn hóa.

Chuyển động mạnh mẽ từ thành phố tới cơ sở

Chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19 trong nửa đầu giai đoạn triển khai thực hiện Chương trình 06-CTr/TU, song với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, chủ động và sáng tạo, toàn thành phố đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời giải quyết rốt ráo những nhiệm vụ đột xuất, phát sinh.

Đáng kể là trong thời gian nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Chương trình, nhiều vấn đề tồn tại từ những năm trước đã được Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU tập trung chỉ đạo tháo gỡ, đưa ra hướng giải quyết thấu đáo, hiệu quả, như: Thực hiện lộ trình thống nhất quản lý tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long; xây dựng, triển khai chế độ đãi ngộ nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân và câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích; thúc đẩy thi công Dự án trưng bày Bảo tàng Hà Nội…

Cùng vào cuộc, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo, các quận, huyện, thị xã cũng chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai Chương trình 06-CTr/TU gắn với nhiệm vụ chuyên môn, phong trào của đơn vị; đôn đốc, chỉ đạo triển khai, cụ thể hóa nội dung Chương trình thành các chỉ tiêu, đề án, dự án, kế hoạch cụ thể tại địa phương, tạo chuyển biến tích cực, theo hướng toàn diện trong phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thu hút sự đồng tình, hưởng ứng mạnh mẽ từ thành phố tới cơ sở.

Cụ thể, trong nhiệm vụ phát triển văn hóa đã ghi nhận những chuyển biến rõ nét trong đời sống văn hóa, cảnh quan môi trường, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức hay văn hóa ứng xử của người dân. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm với sự phục hưng mạnh mẽ của nhiều di sản văn hóa phi vật thể. Lĩnh vực thể thao ghi dấu ấn bằng việc Hà Nội đã góp phần quan trọng tổ chức thành công Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 - SEA Games 31, được nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế đánh giá cao. 

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, việc thành phố Hà Nội vinh dự được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới trao danh hiệu Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022 - World’s Leading City Break Destination 2022 là cơ hội rất tốt cho du lịch Thủ đô khẳng định vị thế, hình ảnh và thương hiệu trên trường quốc tế. Còn Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết, trong triển khai thực hiện các cam kết với UNESCO khi tham gia “Mạng lưới các thành phố sáng tạo”, Hà Nội đã góp mặt tại nhiều hội nghị, tọa đàm, tuần lễ sáng tạo… của các thành viên Mạng lưới. 

Phát huy các giá trị nhân văn, tích cực

Nếu như nhiệm vụ phát triển văn hóa ghi nhận những chuyển biến tích cực trong đời sống người dân Thủ đô, thì ở nội dung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Hà Nội tiếp tục giữ vững thành tựu, cùng nhiều tiến bộ mới. Việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được đẩy mạnh ở các cấp học. Học sinh Thủ đô tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Đặc biệt, việc ban hành Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030” thể hiện sự quan tâm, chú trọng của Hà Nội trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô phát triển theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại.

Ở nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thành phố chú trọng phát huy các giá trị nhân văn, tích cực thông qua nâng cao chất lượng xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, thực hiện hương ước, quy ước và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; đẩy mạnh lan tỏa văn hóa đọc; triển khai các mô hình, chương trình: “Dân vận khéo”. 

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn khẳng định, mô hình “Dân vận khéo” gắn với các phong trào thi đua yêu nước thực sự góp phần phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đến nay, đã có 21.184 mô hình đăng ký, trong đó cấp thành phố là 692 mô hình, cấp quận, huyện, thị xã là 5.787 mô hình; cấp xã, phường, thị trấn là 14.705 mô hình. Qua đó, nhiều việc mới, việc khó phát sinh ở cơ sở được giải quyết, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân…

(Còn nữa)

Nguyễn Thanh