Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện chưa đạt được thỏa thuận trần nợ công
Thế giới - Ngày đăng : 09:28, 23/05/2023
Theo hãng tin Reuters ngày 22-5, Tổng thống Biden và ông McCarthy đã gặp khó khăn trong việc đi đến thỏa thuận khi ông McCarthy gây áp lực buộc Nhà Trắng phải đồng ý cắt giảm chi tiêu trong ngân sách liên bang. Trong khi đó, Tổng thống Biden coi yêu cầu này là cực đoan và muốn thúc đẩy các loại thuế mới mà đảng Cộng hòa đã bác bỏ.
Tổng thống Biden nói trong một tuyên bố sau cuộc họp: “Chúng tôi nhắc lại một lần nữa rằng, vỡ nợ không phải là lựa chọn và cách duy nhất để tiến lên phía trước là thiện chí hướng tới một thỏa thuận lưỡng đảng”.
Về phần mình, nói với các phóng viên sau hơn một giờ họp với Tổng thống Biden, ông McCarthy cho biết, các nhà đàm phán sẽ gặp nhau, làm việc xuyên đêm để cố gắng tìm ra tiếng nói chung. Ông McCarthy nói: “Tôi cảm thấy chúng tôi đã có một cuộc thảo luận hữu ích. Chúng tôi chưa có thỏa thuận nào cả. Tôi tin rằng chúng tôi vẫn có thể đạt được”.
Theo ông McCarthy, ông sẽ thảo luận với Tổng thống Biden mỗi ngày, nhưng không sẵn sàng xem xét kế hoạch cắt giảm thâm hụt của Tổng thống bằng cách tăng thuế đối với những người giàu có và đóng các lỗ hổng thuế đối với ngành dầu mỏ và dược phẩm. Thay vào đó, ông McCarthy tập trung vào giảm chi tiêu trong ngân sách liên bang năm 2024.
Đảng Dân chủ và Cộng hòa chỉ có thời gian tới ngày 1-6 để đạt được thỏa thuận về trần nợ công nhằm tăng giới hạn vay của chính phủ, nếu không sẽ gây ra tình trạng vỡ nợ chưa từng có mà các nhà kinh tế cảnh báo có thể dẫn đến suy thoái.
Trước khi cuộc họp bắt đầu, Tổng thống Biden cho biết, ông lạc quan rằng hai bên có thể đạt được một số tiến bộ. Ông nói rằng cả hai bên cần một thỏa thuận lưỡng đảng để thuyết phục các cử tri, đồng thời cho biết thêm vẫn có thể có một số bất đồng.
Trong khi đó, ngày 22-5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã đưa ra một lời nhắc nhở nghiêm túc rằng thời gian còn lại rất ít và ngày vỡ nợ ước tính sớm nhất vẫn là ngày 1-6. Rất có khả năng là Bộ Tài chính Mỹ sẽ không thanh toán được tất cả các nghĩa vụ của chính phủ vào đầu tháng 6 nếu trần nợ không được nâng lên.
Nghị sĩ đảng Cộng hòa Patrick McHenry, người đã tham gia cuộc họp trên tại Nhà Trắng, đã bác bỏ về thỏa thuận ngân sách từng phần để nâng trần nợ. Ông nói: “Sẽ không ai đồng ý với bất cứ điều gì cho đến khi chúng ta có một thỏa thuận cuối cùng”.
Thỏa thuận tăng trần nợ công phải được cả hai viện Quốc hội Mỹ thông qua và do đó phụ thuộc vào cả hai đảng. Đảng Cộng hòa của ông McCarthy kiểm soát Hạ viện, trong khi đảng Dân chủ của Tổng thống Biden nắm giữ Thượng viện.
Thất bại trong nâng trần nợ sẽ gây ra tình trạng vỡ nợ cho Mỹ, có thể làm rung chuyển thị trường tài chính và đẩy lãi suất lên cao hơn đối với mọi thứ, từ thanh toán xe hơi đến thẻ tín dụng.
Ngày 22-5, thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng điểm khi các nhà đầu tư chờ đợi thông tin cập nhật về các cuộc đàm phán trần nợ công.
Nếu Tổng thống Biden và ông McCarthy đạt được thỏa thuận, sẽ mất vài ngày để Quốc hội Mỹ thông qua dự luật. Theo ông McCarthy, phải đạt thỏa thuận trong tuần này để Quốc hội thông qua và Tổng thống Biden ký thành luật kịp thời nhằm tránh vỡ nợ.
Ngày 22-5, một quan chức Nhà Trắng cho biết, các nhà đàm phán của đảng Cộng hòa tuần trước đã đề xuất cắt giảm thêm các chương trình viện trợ lương thực cho người Mỹ có thu nhập thấp, đồng thời nhấn mạnh rằng không có thỏa thuận nào có thể được Quốc hội thông qua nếu không có sự ủng hộ của cả hai bên.
Để đồng ý tăng trần nợ, đảng Cộng hòa muốn cắt giảm chi tiêu tự do, đưa ra yêu cầu công việc mới đối với một số chương trình dành cho người Mỹ có thu nhập thấp và thu hồi khoản viện trợ thời Covid-19 đã được Quốc hội phê duyệt nhưng chưa được chi.
Đảng Dân chủ muốn giữ mức chi tiêu năm 2024 ổn định ở mức của năm nay, trong khi đảng Cộng hòa muốn quay lại mức của năm 2022 và hạn chế tăng chi tiêu trong những năm tới. Tháng trước, Hạ viện Mỹ đã thông qua kế hoạch cắt giảm 8% chi tiêu của chính phủ vào năm tới.
Tổng thống Biden cho biết, ông sẽ xem xét cắt giảm chi tiêu cùng với điều chỉnh thuế nhưng nói rằng đề nghị mới nhất của đảng Cộng hòa là không thể chấp nhận được. Tổng thống đã viết trên Twitter rằng, ông sẽ không ủng hộ trợ cấp cho các tập đoàn dầu lớn, không ủng hộ hành vi gian lận thuế của người giàu, không muốn gây rủi ro cho hoạt động hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và thực phẩm cho hàng triệu người Mỹ.
Cả hai bên cũng phải cân nhắc các nhượng bộ khi đều chịu áp lực từ các phe phái theo đường lối cứng rắn trong chính đảng của mình.
Một số thành viên cực hữu tại Hạ viện đã kêu gọi ngừng đàm phán, yêu cầu Thượng viện thông qua luật do Hạ viện thông qua, vốn đã bị đảng Dân chủ bác bỏ.
Ông McCarthy có thể có nguy cơ bị các thành viên trong đảng của mình loại bỏ nếu họ không thích thỏa thuận mà ông đạt được. Cựu Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi các thành viên Cộng hòa buộc phải để Mỹ vỡ nợ nếu họ không đạt được tất cả các mục tiêu của mình.
Trong khi đó, các thành viên theo đường lối Tự do trong đảng Dân chủ đã phản đối cắt giảm các khoản có thể gây hại cho các gia đình và người Mỹ có thu nhập thấp.