Hệ thống cảnh báo sớm thảm họa giúp giảm thiệt hại
Thế giới - Ngày đăng : 19:06, 22/05/2023
Số liệu của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) thuộc Liên hợp quốc cho thấy, tình trạng thời tiết và khí hậu cực đoan đã gây ra 11.778 thảm họa từ năm 1970 đến 2021, khiến hơn 2 triệu người thiệt mạng và gây thiệt hại kinh tế 4,3 nghìn tỷ USD.
Báo cáo của WMO cũng nêu rõ, hơn 90% ca tử vong do thiên tai được ghi nhận trên toàn cầu xảy ra ở các nước đang phát triển trong cùng giai đoạn kể trên.
Trong một tuyên bố, Giám đốc WMO Petteri Taalas nhận định, những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất phải chịu gánh nặng thiệt hại của tình trạng thời tiết và khí hậu cực đoan.
Nhưng sự phát triển của những hệ thống cảnh báo sớm và nỗ lực phối hợp quản lý thảm họa đã làm giảm đáng kể số thương vong. Theo báo cáo năm 2021 của WMO về thiệt hại do thiên tai giai đoạn 1970-2019, thế giới mỗi năm ghi nhận hơn 50.000 trường hợp tử vong ở đầu giai đoạn này.
Đến những năm 2010, số ca tử vong đã giảm xuống dưới 20.000 ca mỗi năm. Trong báo cáo mới nhất, WMO công bố 22.608 trường hợp tử vong do thảm họa trên toàn cầu vào các năm 2020 và 2021.
Liên hợp quốc cũng đã công bố kế hoạch “bao phủ” hệ thống cảnh báo sớm thảm họa trên phạm vi toàn cầu vào cuối năm 2027. Cho đến nay, chỉ một nửa số quốc gia trên thế giới sở hữu hệ thống tương tự. Động thái thông qua kế hoạch này nằm trong số những ưu tiên chiến lược hàng đầu tại cuộc họp của Hội nghị Khí tượng thế giới (WMC) khai mạc hôm nay 22-5.
Dù số ca tử vong giảm, WMO vẫn cảnh báo sự gia tăng đối với thiệt hại kinh tế do tình trạng khí hậu cực đoan. Ở giai đoạn 1970-2019, mức thiệt hại kinh tế đã tăng gấp 7 lần, từ 49 triệu USD mỗi ngày trong thập kỷ đầu tiên lên mức 383 triệu USD mỗi ngày ở thập kỷ cuối.
Những quốc gia giàu có chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với Mỹ đã gánh chịu thiệt hại 1,7 nghìn tỷ USD, tương đương 39% thiệt hại kinh tế toàn cầu do các thảm họa kể từ năm 1970.