AWG-31 bàn giải pháp phát triển hạ tầng dùng chung cho 5G, hướng tới 6G
Xe++ - Ngày đăng : 11:57, 22/05/2023
Ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng thời là Chủ tịch Hội nghị Thông tin vô tuyến châu Á - Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2022-2025 cho biết, Hội nghị AWG-31 diễn ra từ ngày 22 đến 26-5, thảo luận về nhiều chủ đề khác nhau.
Đó là tìm kiếm băng tần cho 6G và AWG đang tiên phong nghiên cứu nội dung này. Thứ hai, vấn đề tăng thêm băng tần cho công nghệ wifi, giúp cải thiện tốc độ truy cập internet. Thứ ba, tìm giải pháp của khu vực xử lý vấn đề ngừng sản xuất, lưu thông các mic không dây, sử dụng tần số 700 MHz và 600 MHz để không gây nhiễu cho các hệ thống di động 4G, 5G. Thứ tư, chia sẻ giải pháp về phát hiện và chống BTS (trạm thu phát sóng) giả. Thứ năm, vấn đề sử dụng chung tần số giữa các nhà mạng di động nhằm thúc đẩy các nhà mạng tăng cường sử dụng hạ tầng để tiết kiệm chi phí, đặc biệt là khi triển khai 5G và sau này là 6G.
“Thông tin, kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu của hội nghị sẽ giúp cơ quan quản lý tần số các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà khai thác thông tin di động toàn cầu xây dựng chính sách, định hướng chiến lược cho các hệ thống di động băng rộng, thông tin vô tuyến trong tương lai”, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Lê Văn Tuấn cho biết.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nhấn mạnh, AWG đã đạt được nhiều kết quả thành công như khuyến nghị về việc sử dụng băng tần 700 MHz; khuyến nghị về hệ thống an ninh công cộng và phòng, chống thiên tai, chuyển đổi GSM sang di động băng rộng. “Các kết quả của AWG là nguồn thông tin giá trị giúp Việt Nam và các nước trong việc xây dựng các chính sách”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nêu rõ.
Cùng với đó, Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng nêu một số vấn đề thách thức của cộng đồng, như sự phát triển nhanh chóng của các Microphone không dây có thể gây can nhiễu đến hệ thống di động IMT ở băng tần 700 MHz cũng như các thiết bị vô tuyến khác; việc chia sẻ hạ tầng viễn thông tích cực; giải pháp cấp phép vệ tinh băng rộng. Thứ trưởng Phạm Đức Long hy vọng, cộng đồng APT sẽ cùng nhau hỗ trợ các nước thành viên để giải quyết các khó khăn, thách thức này.
“Việt Nam là một thành viên tích cực của APT và đã có nhiều đóng góp tích cực cho các hội nghị lớn như AWG và APG. Chúng tôi cam kết tiếp tục đóng góp tích cực cho các hoạt động của APT và cộng đồng quốc tế”, Thứ trưởng Phạm Đức Long cam kết.
Hội nghị diễn ra đến ngày 26-5.
AWG là nhóm chuyên sâu của cộng đồng thông tin khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APT) về các vấn đề liên quan đến vô tuyến điện như thúc đẩy việc triển khai và ứng dụng các công nghệ vô tuyến mới, triển khai một cách có hiệu quả các hệ thống vô tuyến điện, quản lý tần số. Đến nay, APT đã có 12 khuyến nghị, 122 báo cáo liên quan tới các chủ đề khác nhau về vô tuyến đã được AWG xây dựng.
Hội nghị đã thu hút hơn 500 đại biểu tham dự trực tiếp tại Hà Nội và tham dự theo hình thức trực tuyến, là các chuyên gia hàng đầu về thông tin vô tuyến đến từ các quốc gia thành viên của APT cùng các doanh nghiệp viễn thông hàng đầu trong nước và quốc tế như: Viettel, VNPT, Ericsson, Huawei, Samsung, Qualcomm, Apple...