Cử tri với kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV: Mong muốn hoàn thiện hệ thống pháp luật
Chính trị - Ngày đăng : 17:56, 21/05/2023
kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Thông qua tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp cho thấy, cử tri đánh giá cao Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, cử tri kiến nghị, đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước.
Bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật
Qua các hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, cử tri và nhân dân rất vui mừng trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có những quyết sách đúng đắn nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Đồng thời, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Cử tri và nhân dân Thủ đô ghi nhận tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trong đổi mới hoạt động của đại biểu dân cử. Cụ thể là đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri, công tác xây dựng pháp luật, đôn đốc và giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân...
Cử tri bày tỏ đồng tình ủng hộ và đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, thanh tra, kiểm tra, điều tra, kết luận, xử lý kỷ luật, truy tố, xét xử và mở rộng điều tra các vụ án tham nhũng.
Cử tri Tạ Đức Hải (huyện Quốc Oai) khẳng định, cử tri và nhân dân đánh giá rất cao tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từ đó tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Cử tri Tạ Đức Hải kiến nghị cấp huyện cũng cần có Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, có cơ chế kiểm soát quyền lực để hạn chế tham nhũng, tiêu cực.
Qua theo dõi nội dung dự kiến của kỳ họp thứ năm, các dự án luật có liên hệ mật thiết với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) như dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ được xem xét tại kỳ họp, cử tri Trần Thị Thùy (quận Hà Đông) cho rằng, điều này sẽ bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật; đồng thời, bảo đảm tính căn cơ, ổn định đối với hệ thống pháp luật, phân định rõ ràng, rành mạch phạm vi và đối tượng điều chỉnh của từng dự án luật có liên quan đến Luật Đất đai.
Quan tâm đến lĩnh vực đất đai, quy hoạch
Thông qua 27 buổi tiếp xúc cử tri trên địa bàn thành phố Hà Nội trước kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết, Đoàn đã tổng hợp 53 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và thành phố Hà Nội giải quyết theo thẩm quyền.
Trong đó, ý kiến chung của cử tri là kiến nghị Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng, sát thực tiễn, bảo đảm khả thi trước khi thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), có cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá nhằm tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại liên quan đến đất đai kéo dài. Trong đó, cử tri Kiều Quang Long (quận Hoàn Kiếm) đề nghị sửa đổi Luật Đất đai theo hướng tập trung những quy định về quản lý nhà nước đối với các nội dung về đất đai, như: Quy hoạch, kế hoạch, xác định các loại đất, điều tiết về đất đai...; các nội dung liên quan đến giao dịch trên thị trường thì do luật chuyên ngành quy định.
* Về công tác giám sát, cử tri Nguyễn Đức Thuận (quận Đống Đa) kiến nghị Đảng, Nhà nước chỉ đạo kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ, không để sơ hở dẫn đến thất thoát tài sản của Nhà nước, vi phạm pháp luật đối với những dự án lớn đang được triển khai trên cả nước, như Dự án sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội…
Cử tri thành phố Hà Nội cũng đặc biệt quan tâm đến những vướng mắc về quy hoạch trên địa bàn. Cử tri Kiều Duy Hướng (huyện Thạch Thất) kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có những chính sách ưu đãi, cũng như sớm triển khai các dự án để thu hút đầu tư, lấp đầy Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Đại học Quốc gia Hà Nội, tránh tình trạng quy hoạch kéo dài và quy hoạch "treo", bỏ hoang gây lãng phí kéo dài nhiều năm.
Các ý kiến, nguyện vọng của cử tri gửi đến kỳ họp thứ năm đều là những vấn đề cấp thiết đang đặt ra. Mong rằng, Quốc hội cùng các cấp, ngành sớm có biện pháp giải quyết hiệu quả, đưa Thủ đô, đất nước vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển, các đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.