Độc đáo mô hình bảo tàng tư nhân tại Đà Nẵng
Du lịch - Ngày đăng : 18:51, 18/05/2023
Mô hình bảo tàng mới
Theo Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng, hiện thành phố có 8 bảo tàng, trong đó có 3 bảo tàng ngoài công lập. Bên cạnh những bảo tàng, nhà trưng bày nổi tiếng lâu nay như Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Quân khu 5…, Đà Nẵng đang có 3 bảo tàng ngoài công lập là Bảo tàng Đồng Đình (quận Sơn Trà, được cấp phép hoạt động năm 2011), Bảo tàng Văn hóa Phật giáo ở chùa Quán Thế Âm (quận Ngũ Hành Sơn, được cấp phép hoạt động năm 2015) và mới nhất là Bảo tàng Ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - Ngũ Hành Sơn vừa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4-2023.
Là bảo tàng tư nhân đầu tiên ra đời tại Đà Nẵng, Bảo tàng Đồng Đình là dự án được khởi nguồn từ tình yêu thiên nhiên và tâm huyết gìn giữ những giá trị kiến trúc, văn hóa dân tộc của nhà thơ, đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Đoàn Huy Giao. Không gian bảo tàng tọa lạc dưới những tán cây rừng cổ thụ trên bán đảo Sơn Trà với chủ đề “Khu vườn ký ức”. Nơi đây trưng bày nhiều hiện vật, cổ vật giá trị, các tác phẩm mỹ thuật, nhà ký ức làng chài, nhà trưng bày dân tộc học. Đặc biệt là bộ sưu tập gốm cổ theo chuyên đề: Bộ sưu tập văn hóa Sa Huỳnh, bộ sưu tập gốm Chăm, gốm Gò Sành (Bình Định)… và không gian trưng bày về làng chài Nam Thọ xưa với nhiều xác thuyền, ngư cụ, hình ảnh của ngư dân.
Ông Lê Đặng Hải Long, quản lý Bảo tàng Đồng Đình cho biết, định hướng của bảo tàng là giữ gìn không gian bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên kết hợp không gian kiến trúc, văn hóa lịch sử đặc sắc. Tại đây, du khách bên cạnh việc tham quan, tìm hiểu về các giá trị văn hóa xưa cũ còn được thư giãn, nghỉ ngơi, uống trà giữa thiên nhiên Sơn Trà. Theo ghi nhận, mỗi tuần có hàng trăm lượt khách trong và ngoài nước tìm đến Đồng Đình tham quan, chụp ảnh, thư giãn, đặc biệt vào dịp cuối tuần.
Trong khu vực quần thể Khu di tích cấp Quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn có đến 2 bảo tàng tư nhân. Trong đó, Bảo tàng văn hóa Phật giáo đặt tại chùa Quán Thế Âm là bảo tàng văn hóa Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam đang lưu giữ, trưng bày 500 hiện vật có giá trị về văn hóa Phật giáo. Đây là các hiện vật tồn tại từ thời khai thiên lập địa chùa Quán Thế Âm, vốn là thánh địa tâm linh của quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Nổi bật trong không gian trưng bày là hình tượng của Đức phật với nhiều chất liệu khác nhau (ngọc, đồng) gồm: Tượng Thích ca đản sinh từ thế kỷ XVI, tượng Di đà thế kỷ XIX, tượng Đức phật Quán Thế Âm bồ tát, hình tượng Đức phật Di Lặc... Ngoài ra, còn trưng bày nhiều hiện vật là các mộc bản kinh Phật, đồ thờ cúng, nhạc khí... phục vụ cho các nghi lễ, thờ cúng trong Phật giáo như: Bức tranh khảm xà cừ hình Đức phật nhập niết bàn, xung quanh là các tướng quân, các tăng ni, cung phi mỹ nữ, muôn thú, đỉnh, chuông đồng, bình sứ...
Trong khi đó, Bảo tàng Ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - Ngũ Hành Sơn là dự án được ông Lê Văn Hòa (45 tuổi, trú phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) ấp ủ xây dựng suốt 10 năm qua. Bằng tâm huyết và sự ủng hộ của những nghệ nhân làng nghề, ông Hòa và những cộng sự đã dựng lên không gian rộng hơn 7.000m2, lưu giữ hơn 300 di vật tái hiện bức tranh toàn cảnh về văn hóa, đời sống của làng nghề đá non có tuổi đời gần 400 năm qua từng giai đoạn lịch sử; góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa vật thể và phi vật thể tại danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Chính sách mới phát triển bảo tàng
Xây dựng bảo tàng tư nhân không hề dễ dàng. Ông Lê Văn Hòa, quản lý Bảo tàng Ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - Ngũ Hành Sơn cho hay, bảo tàng tư nhân luôn phải nỗ lực đầu tư, tìm tòi, nhất là phải kể được câu chuyện văn hóa độc đáo của riêng mình và thu hút khách đến tham quan. Trong đó, định hướng lâu dài vẫn là liên kết du lịch. Hiện Bảo tàng Ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - Ngũ Hành Sơn thu hút khoảng 100 lượt khách/ngày và hy vọng trong tương lai sẽ trở thành điểm đến lý tưởng với việc kết nối cùng các đơn vị lữ hành, du lịch.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, là người từng tham gia thẩm định giá trị và hỗ trợ xây dựng các bộ sưu tập trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Phật giáo và Bảo tàng Ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - Ngũ Hành Sơn. Theo ông Thiện, mỗi tác phẩm được lưu giữ đều có giá trị và ý nghĩa lớn với ngành văn hóa, là minh chứng rõ nét về bức tranh văn hóa, đời sống tôn giáo và con người ở mảnh đất Non Nước - Ngũ Hành Sơn từ nhiều thế kỷ. Qua đó góp phần lan tỏa những giá trị này với du khách gần xa. Vì vậy, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích mô hình này phát triển.
Ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng cho biết: Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các bảo tàng ngoài công lập, bảo tàng theo hướng xã hội hóa, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng đã có chính sách hỗ trợ về mặt pháp lý, nghiệp vụ bảo tàng, công tác trưng bày, bảo quản, thông tin tư liệu và kiểm kê hiện vật. Những thông tin, hình ảnh, câu chuyện về các bảo tàng tư nhân nói trên được quảng bá đầy đủ trên kênh thông tin chính thống của ngành Du lịch Đà Nẵng thông qua trang web DanangFantasticity của Trung tâm Xúc tiến du lịch cũng như các chiến dịch quảng bá, kết nối điểm đến, qua đó tăng độ nhận diện với du khách về các điểm đến khi đến với Đà Nẵng.
Về chủ trương, ngành Văn hóa Đà Nẵng vận động các cá nhân, tập thể sưu tập tư nhân hướng đến xây dựng và đưa vào hoạt động các bảo tàng mỹ thuật, bảo tàng cổ vật… ngoài công lập. Đà Nẵng cam kết tạo điều kiện thuận lợi, có chính sách hỗ trợ khuyến khích để các cá nhân, tập thể nói trên xây dựng các bảo tàng tư nhân; khuyến khích tham gia việc sưu tầm hiện vật, trưng bày giới thiệu và tuyên truyền giáo dục. Qua đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đa dạng hóa các mặt hoạt động bảo tàng, góp phần vào công tác bảo vệ di sản văn hóa dân tộc, phục vụ công chúng.