Phòng ngừa, ứng phó thiên tai: Tuyệt đối không chủ quan, bị động
Đời sống - Ngày đăng : 11:38, 19/05/2023
Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Nguyễn Mạnh Quyền tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 do Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội tổ chức sáng nay, 19-5.
Nhiều tồn tại, hạn chế
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Nguyễn Xuân Đại cho biết, năm 2022, thành phố Hà Nội chịu ảnh hưởng 4 cơn bão, 13 đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng, 4 đợt rét đậm, rét hại, 9 đợt nắng nóng... Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố và sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các sở, ban, ngành thành phố và các địa phương, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, ứng phó, khắc phục hậu quả đã được triển khai kịp thời, toàn diện, khẩn trương và hiệu quả; bảo đảm an toàn công trình đê điều, hồ, đập, không để xảy ra tình trạng khô hạn thiếu nước, ngập úng kéo dài và đặc biệt là giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra…
Nghiêm túc đánh giá về công tác phòng, chống thiên tai năm 2022 trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, cần khắc phục trong năm 2023, đó là một số quận, huyện, xã, phường và đơn vị vẫn còn tư tưởng chủ quan nên xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chưa cụ thể, chưa sát thực tế. Việc hiệp đồng, huy động lực lượng, phương tiện của nhiều cấp, nhiều ngành còn lúng túng, thiếu nhịp nhàng...
Tham luận tại hội nghị, đại diện Công an thành phố Hà Nội, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội đã làm rõ hơn tồn tại, hạn chế, đó là phương tiện, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai chưa đáp ứng yêu cầu.
“Nếu xảy ra trận mưa có lượng mưa từ 50 đến 70mm/h, nội thành Hà Nội còn 11 trọng điểm có nguy cơ úng ngập. Nếu lượng mưa cao hơn 70mm/h, Hà Nội sẽ có hơn 30 điểm…”, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội Phan Hoài Minh cảnh báo.
Đồng tình với ý kiến trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết, huyện còn nhiều công trình phòng chống úng ngập bị xuống cấp, cần được đầu tư cải tạo, nâng cấp như: Hồ Văn Sơn, các trạm bơm Đầm Mới, Thượng Phúc, Chi Lăng, Chợ Sẽ, An Sơn, Yên Cốc… Huyện Mỹ Đức đề nghị sở, ngành liên quan chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nâng cấp các trạm bơm: Tân Độ, Đức Môn, La Làng; khẩn trương hoàn thành thủ tục để thực hiện dự án nâng cấp đê sông Mỹ Hà…
Tuyệt đối không chủ quan
Trưởng phòng Dự báo khí tượng thủy văn (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ) Đinh Hữu Dương nhận định, do biến đổi khí hậu nên thời gian tới, Hà Nội có thể xuất hiện những đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt, mưa lớn trong thời gian ngắn và thiếu hụt về nguồn nước. Dự báo, từ nay đến cuối năm 2023, khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (bao gồm Hà Nội) có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp 2-3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, 7-9 đợt nắng nóng và 6-8 đợt mưa lớn trên diện rộng...
Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương đề xuất các cấp, các ngành tham mưu đề xuất thành phố tăng cường đầu tư thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống lũ lụt, úng ngập…
Nhận định tình hình thời tiết, thiên tai năm 2023 cực đoan, khó lường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các cấp, các ngành tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác; phải luôn luôn chủ động, sẵn sàng và huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Về nhiệm vụ cụ thể, Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Công an thành phố tiếp tục chủ trì, phối hợp các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch, phương án tổng thể trong phòng cháy, chữa cháy, xử lý sự cố, cứu nạn cứu hộ. Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội chủ trì, phối hợp các địa phương phải rà soát quy hoạch thoát nước, các điểm ngập úng để xây dựng phương án xử lý toàn diện, trước tiên là nạo vét, khơi thông cống rãnh, điều tiết nước hồ điều hòa hợp lý… Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh phải kiểm tra, cắt tỉa cây xanh, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông. Sở NN&PTNT phải kiểm soát, không để xảy ra cháy rừng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các sở, ngành, địa phương hoàn thành tổng kết, đánh giá công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022, rút kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo, điều hành và xây dựng kế hoạch hoạt động cho năm 2023; kiện toàn bộ máy Ban Chỉ huy các cấp, các sở, ban, ngành và phân công nhiệm vụ từng thành viên xong trước ngày 31-5.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên rà soát cập nhật, điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện và chuẩn bị đầy đủ nguồn lực theo phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án bảo đảm cụ thể, phù hợp đặc điểm từng địa phương, đơn vị; đặc biệt lưu tâm kế hoạch, phương án ứng phó các loại hình thiên tai, sự cố thường xuyên xảy ra, phương án hộ đê, phòng cháy, chữa cháy điển hình như đợt mưa, lũ rừng ngang tại huyện Chương Mỹ hay cháy rừng tại huyện Sóc Sơn… Các cấp, các ngành chủ động nguồn lực thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục, nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo…
“Các sở, ngành, địa phương phải có quan điểm nhất quán trong khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống thiên tai”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Nhân dịp này, UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen cho 8 tập thể và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022.