Khẳng định vị thế của Việt Nam
Thế giới - Ngày đăng : 07:38, 19/05/2023
Diễn ra trong các ngày 20 và 21-5, Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm 2023 được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần thứ 49 (diễn ra từ ngày 19 đến 22-5 tại thành phố Hiroshima). Khách mời của Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng lần này gồm lãnh đạo cấp cao của 8 quốc gia và 6 tổ chức quốc tế. Việt Nam là một trong hai nước thuộc khu vực Đông Nam Á được Nhật Bản mời tham dự, cùng với Indonesia có tư cách là nước Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2023. Lời mời cho thấy sự coi trọng của nước Chủ tịch G7 là Nhật Bản và nhóm G7 đối với vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Sự kiện lần này cũng đánh dấu lần thứ ba Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và là lần thứ hai tham dự theo lời mời của Nhật Bản.
Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay gồm ba phiên, xoay quanh ba chủ đề chính. Chủ đề “Hợp tác xử lý đa khủng hoảng” tập trung vào các vấn đề lương thực, y tế, phát triển, bình đẳng giới. Chủ đề “Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững” tập trung vào các vấn đề khí hậu, môi trường và năng lượng. Chủ đề “Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng” tập trung vào các vấn đề hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, hợp tác đa phương. Một điểm đặc biệt là, hội nghị dự kiến sẽ thông qua “Chương trình hành động Hiroshima về An ninh lương thực toàn cầu tự cường”, đánh dấu lần đầu tiên Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng thông qua một văn kiện chung.
Với chủ đề thiết thực và phù hợp với bối cảnh quốc tế, Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm 2023 được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ sự tham dự và đóng góp của các nước đang phát triển, đẩy mạnh quan hệ đối tác của G7 với các nước đang phát triển trong giải quyết các thách thức toàn cầu.
Trong thời gian lưu lại Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio, gặp gỡ lãnh đạo thành phố Hiroshima... Đây là những hoạt động rất ý nghĩa bởi 2023 là năm Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước thời gian qua phát triển toàn diện. Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD. Tính đến tháng 3-2023, Nhật Bản có hơn 5.000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn gần 70 tỷ USD, đứng thứ ba về đầu tư vào Việt Nam, đồng thời là nước tài trợ ODA lớn nhất cho nước ta. Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản hiện có hơn 476.000 người, trong khi có khoảng 23.000 công dân Nhật Bản đang sinh sống tại Việt Nam.
Có thể nói, chuyến công du Nhật Bản lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính mang rất nhiều ý nghĩa. Việc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp của Việt Nam cho nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hợp tác, duy trì tăng trưởng và giải quyết các thách thức chung của cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Nhật Bản sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.