Chủ động chống úng ngập mùa mưa: Xây dựng kỹ phương án ứng phó
Công nghệ - Ngày đăng : 06:07, 18/05/2023
Có thể xuất hiện 30 điểm ngập
Năm 2023, diễn biến thời tiết tiếp tục được dự báo là bất thường, phức tạp, khó lường, nắng nóng xuất hiện nhiều hơn, nhưng cũng có thể có những trận mưa lớn, không theo quy luật. Tần suất các cơn bão ảnh hưởng đến khu vực Hà Nội có xu hướng gia tăng. Mưa theo vùng trong thời gian ngắn, lượng mưa vượt trung bình hằng năm tăng 5-10%.
Về hiện trạng hệ thống thoát nước, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Hoàng Mai Hương cho hay, hệ thống thoát nước khu vực nội thành được chia thành 4 lưu vực sông Tô Lịch, Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ, Long Biên, với tổng diện tích 235,69km2. Song, hiện chỉ có hệ thống thoát nước lưu vực sông Tô Lịch được đầu tư cải tạo cơ bản đồng bộ, hoàn chỉnh, với công suất thoát nước thiết kế là 70mm/giờ đối với hệ thống cống; 310mm/2 ngày đối với toàn bộ hệ thống. Hệ thống thoát nước các khu vực còn lại, nhất là các trạm bơm, hồ điều hòa chưa được đầu tư theo quy hoạch, vẫn chủ yếu tiêu thoát tự chảy. Trong khi đó, một số khu vực tại Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa được xây dựng đồng bộ theo quy hoạch. Chưa kể, một số dự án hạ tầng đang triển khai trên địa bàn nội đô ảnh hưởng lớn đến hoạt động của hệ thống thoát nước.
Sở Xây dựng Hà Nội dự báo, với các trận mưa có lượng mưa dưới 50mm/giờ sẽ không xảy ra úng ngập, cơ bản chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước do mặt đường trũng thấp hoặc hệ thống thoát nước gặp sự cố. Với các trận mưa có lượng mưa 50-70mm/giờ, dự kiến tồn tại 11 điểm úng ngập. Đây là những điểm trũng, nền đường thấp hơn khu vực xung quanh nên khi mưa lớn, nước chảy theo mặt đường dồn về nhanh gây ra các điểm ngập cục bộ, như: Phố Nguyễn Khuyến, Hoa Bằng, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa, phố Cao Bá Quát, Thụy Khuê (đoạn dốc La Pho), Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy), phố Nguyễn Chính, Đại lộ Thăng Long, phố Ngọc Lâm, đường Hoàng Như Tiếp. Những trận mưa có cường độ cao, tập trung trong thời gian ngắn, lượng mưa đến 100mm/giờ trở lên sẽ gây quá tải cho hệ thống thoát nước, lúc đó dự kiến trên địa bàn thành phố xuất hiện thêm 19 điểm úng ngập cục bộ.
Phát huy hiệu quả hệ thống thoát nước hiện có
Nhằm chống úng ngập khu vực nội thành mùa mưa năm 2023, Sở Xây dựng Hà Nội đã nghiên cứu các giải pháp phát huy hiệu quả của hệ thống thoát nước hiện có, đưa nước nhanh nhất về các nguồn tiêu và các trạm bơm đầu mối. Theo đó, bên cạnh phối hợp với Đài khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc bộ sớm nắm bắt tình hình mưa bão để chủ động vận hành hệ thống thoát nước, Sở Xây dựng đã yêu cầu các đơn vị duy tu, duy trì hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố nạo vét hệ thống cống, tập trung vào các trục tiêu thoát chính và các điểm úng ngập; nạo vét duy trì hệ thống mương, sông, kênh, bảo đảm độ dốc thủy lực và cao độ mực nước khống chế của hệ thống; sửa chữa, bảo dưỡng các công trình đầu mối, trạm bơm chống úng ngập...
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho hay, với các điểm úng ngập khi có mưa lớn, Sở Xây dựng cũng chủ động phương án giải quyết thoát nước nhanh nhất, như: Tăng cường nạo vét, kiểm soát thông dòng trong lòng cống; bố trí công nhân ứng trực thu dọn tấm chắn, vật cản trên miệng thu, hàm ếch, đi tua vớt rác, mở ga để tăng khả năng thoát nước; bố trí các xe hút, xe téc, xe bơm di động tại các vị trí úng ngập... Với khu vực Đại lộ Thăng Long, do các vị trí úng ngập là các hầm chui dân sinh có cốt mặt đường thấp, khi mực nước sông Nhuệ dâng cao, cốt mặt nước cao hơn cốt mặt đường trong hầm chui nên xảy ra tình trạng úng ngập, Sở Xây dựng yêu cầu đơn vị thoát nước lắp bơm di động tại các hầm chui dân sinh số 3, 5, 6 và Km 9+656 để giảm thời gian úng ngập; bố trí lực lượng ứng trực tại điểm úng ngập để tua vớt rác, hỗ trợ hướng dẫn giao thông giúp người dân đi qua.
Là đơn vị “chủ công” quản lý đến khoảng 80% hệ thống thoát nước của thành phố, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội Trịnh Ngọc Sơn cho biết, ngay từ khi kết thúc mùa mưa năm 2022, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, nạo vét các trục mương, cống thoát nước chính, nạo vét duy trì hệ thống cống, ga thu, cống ngang, cống ngầm, kênh dẫn... Đặc biệt, đơn vị chú trọng tới các trục tiêu thoát chính và các điểm úng ngập, các tuyến kênh dẫn vào ra các trạm bơm: Yên Sở, Đồng Bông, Bắc Thăng Long - Vân Trì... bảo đảm độ dốc thủy lực, thông thoáng dòng chảy, xong trước ngày 15-4-2023. Việc sửa chữa, bảo dưỡng các trạm bơm đầu mối: Yên Sở, Bắc Thăng Long - Vân Trì và các trạm bơm chống úng ngập cục bộ khác cũng đã hoàn thành, sẵn sàng hoạt động 24/24 giờ. “Đơn vị đã có các phương án thoát nước, chống úng ngập; chuẩn bị đầy đủ vật tư, vật liệu, thiết bị, nhân lực dự phòng theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão”, ông Trịnh Ngọc Sơn khẳng định.