Thành phố Hồ Chí Minh: Nâng chất lượng khám, chữa bệnh
Xã hội - Ngày đăng : 07:24, 17/05/2023
Triển khai nhiều ứng dụng tiện ích
Nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh vừa bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố năm 2023 về nghiên cứu gen gây bệnh lý Parkinson, một căn bệnh ảnh hưởng đến 0,3% dân số nói chung.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu 208 mẫu bệnh phẩm từ 83 bệnh nhân EOPD (bệnh Parkinson khởi phát sớm) và 125 bệnh nhân LOPD (bệnh Parkinson khởi phát muộn). Tách chiết 208 mẫu DNA và giải trình tự 20 gen mục tiêu, nhóm ghi nhận 33 bệnh nhân PD (15,9%) mang biến thể nhóm P/LP/R (biến thể gây bệnh/giống gây bệnh/nguy cơ). Trong số này, có 5 trường hợp mang đột biến mất/lặp đoạn ở các gen LRRK2, PRKN, PINK1.
“So sánh, phân tích với mẫu gen của 31 thân nhân bệnh nhân, nhóm nhận thấy các biến thể có liên quan tới PD ở Việt Nam tập trung phần lớn ở gen LRRK2, GBA1 và PRKN. Điều này giúp phát hiện sớm bệnh cho nhóm người nguy cơ. Bệnh nhân sẽ được tư vấn, xét nghiệm và điều trị phù hợp ngay trong nước với chi phí hợp lý”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Phương Thảo, Chủ nhiệm đề tài nói.
Trong khi đó, nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã nghiên cứu thành công đề tài ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo bộ công cụ chẩn đoán sớm viêm ruột thừa. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thái Thanh Trúc, đồng chủ nhiệm đề tài cho biết, nhóm đã hồi cứu trên 4.000 trường hợp bệnh nhân đã phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong 5 năm (2016-2020), tổng hợp các dấu hiệu chẩn đoán, lâm sàng bệnh rồi “dạy” cho máy tính nhận biết, chẩn đoán bệnh theo phương pháp máy học và ứng dụng AI hỗ trợ chẩn đoán viêm ruột thừa có biến chứng.
Cùng với đó, nhóm xây dựng trang www.viemruotthua.com để các bác sĩ trạm y tế sử dụng chẩn đoán sớm nguy cơ viêm ruột thừa biến chứng trên bệnh nhân. Nói về nghiên cứu, Tiến sĩ, bác sĩ Mai Phan Tường Anh (Bệnh viện Nhân dân Gia Định) nhận định: “Đây là một trong những nghiên cứu giá trị tại thành phố Hồ Chí Minh trong 5 năm qua về ứng dụng AI trong chẩn đoán viêm ruột thừa có biến chứng. Sự thành công này còn mở ra cơ hội nghiên cứu ứng dụng AI trong nhiều chuyên môn y tế khác”.
Ngoài ra, các bệnh viện đã triển khai nhiều ứng dụng tiện ích như: Ki ốt tự đăng ký khám bệnh, tự tra cứu giá dịch vụ kỹ thuật, giá thuốc, triển khai thẻ khám bệnh thông minh, đặt lịch khám trực tuyến… Đến nay, các bệnh viện công lập và 1/3 các bệnh viện ngoài công lập triển khai sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 18/51 bệnh viện công lập triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; 11/51 bệnh viện công lập đang triển khai lộ trình áp dụng bệnh án điện tử; triển khai hoạt động “hỗ trợ chuyên môn từ xa” của các bệnh viện tuyến cuối cho 50 trạm y tế chuyển đổi hoạt động theo nguyên lý y học gia đình nhằm nâng cao năng lực khám, chữa bệnh tại cơ sở…
Xây dựng nền y học chất lượng cao
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện chiến lược phát triển thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm y tế chất lượng cao của cả nước và Đông Nam Á, ngành Y tế đã và đang triển khai nhiều phần việc, bao gồm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào chăm sóc sức khỏe người dân, bước đầu mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
Cụ thể, trí tuệ nhân tạo (AI) đã bước đầu được ứng dụng tại nhiều đơn vị: Bệnh viện Bình Dân triển khai phẫu thuật Robot ngoại tổng quát Da Vinci; Bệnh viện Nhân dân 115 là đơn vị đầu tiên trong cả nước ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo AI RAPID trong chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị can thiệp lấy huyết khối điều trị nhồi máu não cho người bệnh...
Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và triển khai phần mềm quản lý người hành nghề trên địa bàn thành phố; xây dựng và triển khai phần mềm quản lý nhân sự, danh mục kỹ thuật ngành Y tế; xây dựng ứng dụng “Tra cứu nơi khám, chữa bệnh”; triển khai ứng dụng “Y tế trực tuyến” giúp người dân có công cụ để phản ánh về các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thông tin: “Từ nay đến năm 2030, Sở chú trọng tăng cường chất lượng công tác khám bệnh từ xa. Số hóa hệ thống thông tin y tế, xây dựng trung tâm dữ liệu cho toàn ngành, có liên thông với cả nước. Áp dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh…”.