Chính phủ Mỹ: Nỗ lực kiểm soát súng đạn

Thế giới - Ngày đăng : 06:33, 17/05/2023

(HNM) - Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa nêu bật các biện pháp nhằm giảm bạo lực súng đạn, đồng thời nhắc lại yêu cầu Quốc hội cần “hành động nhiều hơn nữa” để giữ sinh mạng người dân. Trong bối cảnh các vụ xả súng vẫn tiếp tục tăng, lãnh đạo Nhà Trắng sẽ nỗ lực tạo ra những thay đổi mạnh mẽ về kiểm soát súng đạn...

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thúc đẩy, củng cố các biện pháp kiểm soát súng đạn.

Thông điệp trên được Tổng thống Joe Biden đưa ra ngày 14-5 nhân lễ tưởng niệm 1 năm xảy ra vụ xả súng hàng loạt có động cơ phân biệt chủng tộc ở thành phố Buffalo thuộc bang New York (ngày 14-5-2022) khiến 10 người Mỹ da màu thiệt mạng. Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết, đang sử dụng quyền hành pháp của mình để thúc đẩy việc kiểm soát súng, bao gồm cả những biện pháp đã được thông qua trong một dự luật lịch sử vào tháng 6-2022.

Trong một tài liệu đi kèm, Nhà Trắng đã nêu ra một số sáng kiến của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm giảm bạo lực súng đạn, trong đó có việc tăng cường kiểm tra lý lịch người mua súng, đặc biệt là những người dưới 21 tuổi; bổ sung tình trạng mối quan hệ trong các vụ bạo lực gia đình để súng đạn không rơi vào tay những kẻ bạo hành; nâng cao nhận thức về an toàn trường học và đẩy mạnh việc truy tố những kẻ buôn bán vũ khí cho những đối tượng bị cấm mua súng.

Vào tháng 6 năm ngoái, ông chủ Nhà Trắng đã ký ban hành Luật Kiểm soát súng đạn lần đầu tiên trong lịch sử được Quốc hội thông qua trong gần 30 năm. Mặc dù, các nội dung luật vẫn ở mức hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Joe Biden muốn cấm hoàn toàn việc sử dụng súng trường tấn công, song đây được xem là nỗ lực hiếm có của các nhà lập pháp lưỡng đảng trong việc giải quyết từng bước nạn bạo lực súng đạn.

Ngày 14-3-2023, Tổng thống Mỹ đã ký một sắc lệnh nhằm trực tiếp vào các tập đoàn sản xuất súng đạn khi yêu cầu Ủy ban Thương mại liên bang đánh giá hoạt động tiếp thị, quảng cáo súng đạn đối với người dân Mỹ, kể cả với các đối tượng là trẻ vị thành niên. Sắc lệnh yêu cầu, Nội các thực hiện một kế hoạch nhằm hỗ trợ cộng đồng bị ảnh hưởng bởi bạo lực súng đạn. Theo đó, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland cần củng cố các quy tắc dành cho những người buôn bán súng để những người này phải kiểm tra lý lịch của người mua súng như một phần quy định của việc được cấp giấy phép.

John Feinblatt, Chủ tịch của Everytown for Gun Safety (Tổ chức ngăn bạo lực súng đạn hàng đầu ở Mỹ) đã ca ngợi sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Joe Biden là một giải pháp an toàn cho cộng đồng.

Tuy nhiên, sắc lệnh mới ban hành vấp phải sự phản đối của những người ủng hộ quyền sử dụng súng. Hiệp hội Súng trường quốc gia Mỹ (NRA) và những người ủng hộ vẫn cho rằng, việc siết chặt kiểm soát lý lịch vi phạm quyền sở hữu súng đạn theo Hiến pháp Mỹ và cũng không góp phần ngăn chặn được tình trạng tội phạm sở hữu súng bất hợp pháp. Theo một nghiên cứu năm 2018, có ít nhất 393 triệu khẩu súng ở Mỹ, khiến nước này trở thành quốc gia dân sự được trang bị vũ khí nhiều nhất trên thế giới. Với làn sóng mua súng sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, con số đó có thể cao hơn nhiều.

Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ, vào năm 2020, hơn 45.000 người thiệt mạng liên quan đến súng. Còn theo thống kê của Tổ chức phi chính phủ Gun Violence Archive, từ đầu năm 2023 đến nay, tại Mỹ đã xảy ra 215 vụ xả súng hàng loạt.

Giới quan sát nhận định, một lệnh cấm vũ khí tấn công cấp liên bang được cho là rất khó có thể được thông qua tại Quốc hội Mỹ đang bị chia rẽ hiện nay. Do có quan điểm trái ngược, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ không thể tìm được tiếng nói chung trong việc thúc đẩy các chính sách về vấn đề này.

Dẫu vậy, vì an ninh và an toàn của người dân Mỹ, quan điểm về kiểm soát súng đạn của Tổng thống Joe Biden ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn và ông có thể làm nhiều điều hơn để hạn chế vấn nạn này.

Thùy Dương