Nâng sức cạnh tranh cho nông sản
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:11, 17/05/2023
Nâng giá trị sản phẩm nông nghiệp
Theo Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm 3Brothers (huyện Đông Anh) Nguyễn Xuân Tuấn, hiện doanh nghiệp đã đầu tư máy móc, sản xuất hàng chục sản phẩm, như: Giò, chả, xúc xích, dồi sụn… Qua chế biến, những sản phẩm này cho giá trị cao hơn từ 2 đến 3 lần so với bán thịt lợn thương phẩm.
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) Nguyễn Đình Tường, không chỉ chăn nuôi lợn an toàn sinh học, với tổng đàn 200 lợn nái và 2.000 lợn thịt, hợp tác xã còn cung cấp cho thị trường các sản phẩm chế biến từ thịt lợn. Để nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, hợp tác xã đã đầu tư dây chuyền giết mổ, máy chế biến thịt lợn thành các sản phẩm xúc xích... Trung bình mỗi tháng hợp tác xã cung cấp cho thị trường khoảng 12-15 tấn thịt lợn sạch và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn sinh học.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thực hiện Kế hoạch số 193/KH-UBND ngày 30-8-2019 của UBND thành phố Hà Nội về cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản gắn với phát triển thị trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 ngành Nông nghiệp thành phố Hà Nội, thành phố khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản. Hiện tại, trên địa bàn thành phố có hơn 250 doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và 1.421 hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể thực hiện chế biến, bảo quản phục vụ tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp đầu tư từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng để xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh, kho bảo quản…
“Nhờ đầu tư vào chế biến đã làm đa dạng hóa các sản phẩm nông sản, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và giải quyết thêm việc làm cho người lao động. Đồng thời, giúp các cơ quan chức năng quản lý tốt hơn vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm”, ông Tạ Văn Tường thông tin.
Xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến
Tuy nhiên, lĩnh vực chế biến nông sản của Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế; số lượng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này còn ít; trang thiết bị, máy móc và công nghệ chế biến nông sản còn lạc hậu. Không những vậy, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào 3 nhóm sản phẩm: Thịt (chiếm 42,6%); rau, quả (chiếm 33,7%) và thủy sản (chiếm 26,7%). Điều đáng nói, số lượng sản phẩm nông sản chế biến của các doanh nghiệp Hà Nội chỉ được hơn 1.500 tấn/tháng, trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng của thành phố lên tới 5.350 tấn/tháng. Do đó, nguồn cung của thành phố mới đáp ứng khoảng 28%, còn lại phải nhập khẩu và nhờ cậy vào các tỉnh, thành phố bạn...
Để phát triển ngành chế biến nông sản của Hà Nội, theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ, các địa phương cần phải đẩy mạnh liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ, từng vùng có sản lượng nông sản, thực phẩm lớn, bảo đảm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 có 50% cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản sử dụng máy móc hiện đại, áp dụng công nghệ cao. Để thực hiện được mục tiêu này, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với hệ thống chế biến và phát triển hạ tầng thương mại tiêu thụ nông sản chế biến. Mặt khác, ngành Nông nghiệp tham mưu cho thành phố có chính sách hỗ trợ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc, công nghệ cho hoạt động chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
“Ngành Nông nghiệp Thủ đô cũng xây dựng và hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, cấp mã vùng đối với nông sản, thực phẩm; hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào hoạt động của cơ sở chế biến; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã mở thêm các cửa hàng, điểm bán, tiêu thụ nông sản chế biến tại khu vực đông dân cư…”, ông Tạ Văn Tường cho biết.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khôi, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho rằng, để đạt được mục tiêu mà ngành chế biến nông sản Thủ đô đề ra, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào chế biến, bảo quản nông sản; nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo đảm an toàn thực phẩm... Trước mắt, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi khép kín, từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Từng bước mở rộng diện tích sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ với các cây trồng chủ lực, như: Rau, cây ăn quả và hình thành vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.