Hệ thống nhà văn hóa ở nông thôn: Sân chơi hữu ích cho trẻ em

Đời sống - Ngày đăng : 06:15, 16/05/2023

(HNNN) - Vào hè, việc lựa chọn điểm vui chơi giải trí của trẻ em nông thôn gặp khó khăn hơn nhiều so với trẻ em thành phố. Bởi thế, trong thời gian gần đây, cùng với chương trình xây dựng nôn thôn mới, việc hoàn thiện hệ thống nhà văn hóa tại các thôn làng được quan tâm thúc đẩy là tín hiệu tích cực cho giới trẻ nông thôn, bởi đó không chỉ là địa chỉ sinh hoạt chung của cộng đồng mà còn là nơi để các em nhỏ học tập, vui chơi.

Các em nhỏ đọc sách tại thư viện làng Yên Sở (xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội).

Sân chơi cho trẻ em

Cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, hiện nay, hầu hết thôn, làng tại Hà Nội đều đã có nhà văn hóa. Đây chính là nơi thu hút các em nhỏ tới vui chơi, giải trí trong dịp nghỉ hè.

Thư viện làng Yên Sở (xã Yên Sở, huyện Hoài Đức) nằm trong khuôn viên nhà văn hóa, là điểm đến quen thuộc của nhiều em nhỏ. Bí thư Đoàn Thanh niên xã Yên Sở - Lê Quốc Nam cho biết, thư viện đi vào hoạt động từ năm 2019, có đủ đèn, quạt, bàn, ghế..., đặc biệt là tủ sách phong phú với hơn 3.000 đầu sách từ lịch sử, chính trị, pháp luật, khoa học, sức khỏe, văn học... Đây là một trong những điểm đến hấp dẫn các bạn nhỏ trong dịp hè.  

Ở khu vực nông thôn, khuôn viên nhà văn hóa thường có vườn hoa, sân rộng để người dân chơi bóng chuyền, cầu lông, có dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời, một số nơi có cả cầu trượt, xích đu... Bí thư Đoàn Thanh niên xã Phúc Hòa (huyện Phúc Thọ) Khuất Mạnh Quốc cho biết, xã có 7/7 thôn có nhà văn hóa, trong đó nhà văn hóa thôn 3 và thôn 4 có khuôn viên rộng, thu hút người dân đến tập thể dục, chơi thể thao. Trong dịp hè, nhà văn hóa thôn 1 và thôn 7 thường xuyên tổ chức dạy múa hát, dạy võ thuật cho các em nhỏ.

Còn theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai - Trần Văn Lợi, các thôn của huyện cơ bản đều có nhà văn hóa. Không chỉ là nơi hội họp, nhà văn hóa còn là nơi luyện tập, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, liên hoan văn nghệ quần chúng, thi đấu thể thao. Một số nhà văn hóa thôn còn mở các lớp tập yoga, bóng bàn, cờ tướng... Những nhà văn hóa có khuôn viên vườn hoa, cây xanh và nhiều thiết bị thể dục thể thao thường thu hút rất đông người dân và các em nhỏ tới đi bộ, thể dục, đạp xe hoặc hóng mát..., đặc biệt là trong các ngày hè.

Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, đến cuối năm 2022, toàn thành phố có 4.334 nhà văn hóa/ điểm sinh hoạt cộng đồng của thôn, tổ dân phố. Nhiều nhà văn hóa ở khu vực nông thôn có diện tích lớn hơn khu vực nội thành, có hội trường, khu vệ sinh, nhà xe, sân thể thao, trang thiết bị cơ bản. Một số nhà văn hóa có khuôn viên rộng và huy động được nguồn lực xã hội hóa để đầu tư trang bị xà đơn, xà kép và một số thiết bị thể thao ngoài trời khác. Về cơ bản, mô hình nhà văn hóa thôn mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Tuy nhiên, hiện nay, việc khai thác, vận hành các nhà văn hóa thôn, làng vẫn còn nhiều việc phải bàn. Nhiều nhà văn hóa được xây dựng mới nhưng thiếu trang thiết bị cần thiết để hoạt động. Ở nhiều nơi, nhà văn hóa chủ yếu dành cho các hoạt động hội họp, thiếu người tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Một số nhà văn hóa được xây dựng từ lâu, hiện không đạt chuẩn, chưa có khuôn viên... 

Bí thư Huyện đoàn Đan Phượng - Tạ Thị Ngọc Hân cho biết, năm nào các tổ chức đoàn cơ sở cũng tổ chức sinh hoạt hè cho thanh, thiếu nhi, địa điểm diễn ra các hoạt động đó là nhà văn hóa thôn, làng. Tuy nhiên, nhà văn hóa dành cho sinh hoạt của cả cộng đồng, không gian dành cho thiếu nhi chưa rõ, tủ sách cũng có nhưng chủ yếu là sách tìm hiểu về pháp luật, sách tuyên truyền về nghị quyết của Đảng hoặc cung cấp kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, chưa có sách chuyên đề cho thiếu niên, nhi đồng. Chỉ khoảng 10% trong số nhà văn hóa thôn là có sân chơi riêng cho thiếu nhi với cầu trượt, xích đu...

Theo Bí thư Đoàn Thanh niên xã Phúc Hòa (huyện Phúc Thọ) Khuất Mạnh Quốc, sân chơi cho thiếu nhi ở nông thôn còn rất thiếu. Nhà văn hóa các thôn đều có nhưng trang thiết bị còn sơ sài. Xã có 7 nhà văn hóa thôn nhưng có đến 4 nhà văn hóa quy mô nhỏ, không có khuôn viên. Một số nhà văn hóa chưa có loa đài và các trang thiết bị cần thiết khác. Bởi vậy mà vào dịp nghỉ hè, trẻ em vẫn chủ yếu chơi tại gia đình...

Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi, hiện nay, hoạt động của các nhà văn hóa thôn gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do thu ngân sách của huyện còn hạn chế nên chưa bố trí được kinh phí để lắp đặt dụng cụ thể dục thể thao tại khuôn viên các nhà văn hóa. Trang thiết bị chủ yếu là huy động xã hội hóa nên có nơi làm tốt, có nơi chưa làm được. Hơn nữa, trên địa bàn huyện Thanh Oai còn hơn 40 nhà văn hóa cũ chưa đạt chuẩn...

Để tháo gỡ khó khăn nói trên, theo ông Trần Văn Lợi, hiện Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai đang tham mưu cho UBND huyện về giải pháp để đến năm 2025 chuẩn hóa được 100% số nhà văn hóa. Các nhà văn hóa chưa đạt chuẩn do thiếu diện tích sẽ được đầu tư xây dựng tại một điểm mới, rộng hơn. Huyện đặt mục tiêu đến 2025 có 90% số nhà văn hóa có sân thể thao. Khi có sân thể thao, huyện sẽ triển khai lắp đặt dụng cụ thể dục thể thao. “Hiện nay, thành phố đang thí điểm lắp đặt dụng cụ tập luyện thể dục thể thao ngoài trời tại một số nhà văn hóa. Việc làm này không quá tốn kém, mang lại rất nhiều lợi ích nên chúng tôi mong rằng trong thời gian tới, thành phố quan tâm lắp đặt đồng bộ cho tất cả các thôn. Chúng tôi cũng đề nghị các tổ chức, cá nhân hỗ trợ sách cho nhà văn hóa; lắp đặt wifi tại nhà văn hóa để đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân nông thôn, trong đó có trẻ em” - ông Trần Văn Lợi nói.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng cho biết, để nâng cao chất lượng hoạt động của các nhà văn hóa, từ năm 2020 đến nay, huyện đã hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên cho các nhà văn hóa thôn, cụm dân cư, tổ dân phố. Sáu năm qua, 100/100 nhà văn hóa được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Ngoài nhà văn hóa các thôn, làng, từ năm 2022 đến nay, Huyện đoàn Đan Phượng đã khánh thành 3 sân chơi cho thiếu nhi tại các xã.

Bí thư Đoàn Thanh niên xã Liên Trung (huyện Đan Phượng) Hoàng Thị Vân cho biết, năm 2022, Đoàn xã đã xây dựng sân chơi cho thiếu nhi ở xóm Đồng, thôn Hạ. Sân chơi được đầu tư lắp đặt cầu trượt, cầu bập bênh, thú nhún, xích đu với tổng kinh phí 35 triệu từ nguồn xã hội hóa. Hè này, Đoàn xã sẽ tổ chức các hoạt động vui chơi cuối tuần cho trẻ em, tặng quà cho học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức cho trẻ em chơi trò chơi dân gian, dạy múa, hát, chiếu phim về lịch sử... tại các nhà văn hóa thôn.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, hiện thành phố đang tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn để “phủ sóng” nhà văn hóa thôn, tổ dân phố; tham mưu cho thành phố để tạo cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư từ nguồn xã hội hóa cho các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn, qua đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, trong đó có trẻ em.

Chăm lo cho trẻ em có một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa với nhiều hoạt động an toàn, bổ ích là điều cần thiết, nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần. Đây là trách nhiệm của toàn xã hội.

Bài và ảnh: Nguyễn Mai