Khâu quan trọng giúp các ngành kinh tế sáng tạo "cất cánh" trong tương lai
Văn hóa - Ngày đăng : 11:30, 15/05/2023
Thiết kế có mặt khắp trong đời sống
Ngày nay, có thể thấy vai trò của thiết kế bao trùm lên rất nhiều sản phẩm, dịch vụ trong đời sống con người. Ngoài những thiết kế kỹ thuật yêu cầu tính chuyên môn thì thiết kế về thẩm mỹ, hình ảnh ngày càng được chú trọng bởi đó là khâu thể hiện các thông số chi tiết về sản phẩm một cách tiện dụng và đẹp mắt, truyền tải thông điệp của nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Đó đồng thời là một trong những “chiêu PR” khiến khách hàng không thể không “mở hầu bao”.
Sự sáng tạo có mặt ở khắp nơi. Ví như trong lĩnh vực thời trang, không chỉ những bộ trang phục hoàn thiện mà ngay từ khâu tạo mẫu vải đã đòi hỏi vai trò của nhà thiết kế. Một chiếc bát ăn cơm được cách điệu về hình dáng hay được thay đổi về màu sắc họa tiết cũng có dấu ấn của nhà sáng tạo. Hay với các loại hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc..., tất cả đều cần có người thiết kế nhãn mác, bao bì.
Có thể nói, mọi vật dụng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày đều có bóng dáng thiết kế hình ảnh để đảm bảo sự phù hợp với từng độ tuổi, giới tính, thói quen vùng miền... Với những doanh nghiệp lớn chú trọng đầu tư cho công tác truyền thông thì thiết kế hình ảnh càng được quan tâm, điều đó thể hiện thông qua chất lượng những mẫu thiết kế logo, các poster, catalogue quảng cáo hay cả một hệ thống nhận diện thương hiệu.
Tất nhiên, thiết kế hình ảnh không chỉ được thể hiện qua những vật dụng thường ngày. Sự sáng tạo đầy bất ngờ còn được nhận diện qua những sản phẩm văn hóa như bìa album, bìa sách bắt mắt, những bộ truyện tranh cuốn hút, tranh minh họa, hoạt hình, phim kỹ thuật số, game, video quảng cáo, giao diện web, thiết kế thời trang, nội thất, sân vườn...
Thực tế đã chứng minh vai trò của thiết kế trong đời sống hiện đại, khi mức sống của con người ngày càng được nâng lên thì yêu cầu về thẩm mỹ, về sự tiện dụng cũng ngày càng khắt khe hơn, đa dạng hơn. Không ít sản phẩm sau khi cải tiến mẫu mã đã đem về nguồn thu lớn cho doanh nghiệp, không ít giải pháp quảng cáo đã giúp thương hiệu sản phẩm được phủ sóng rộng hơn... Vai trò của thiết kế trong đời sống càng được khẳng định thì nhu cầu tuyển dụng lao động trong lĩnh vực thiết kế hình ảnh càng “nóng”.
Theo ông Hoàng Việt Tân, Giám đốc điều hành Học viện VTC Academy, hiện vẫn còn rào cản nhận thức trong công chúng về diễn họa và các ngành giải trí đa phương tiện. Đã đến lúc mọi người cần hiểu rằng, đây không chỉ là sở thích của một số bạn trẻ, mà thực sự là một ngành nghề ổn định, mang lại thu nhập tốt và có khả năng phát triển trong tương lai.
Thiết kế - ngành học giàu tiềm năng
Đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, những năm qua, nhiều trung tâm đào tạo về thiết kế đồ họa đã được thành lập. Có thể kể đến các cơ sở như FPT-Arena, Học viện VTC Academy, Học viện Thiết kế và Thời trang London, Học viện công nghệ truyền thông đa phương tiện VnSkills, Trung tâm đào tạo đồ họa Vitadu (Việt Tâm Đức), Viện công nghệ thông tin IT PLUS Academy, APA Academy, Now Academy, Color Me, Arena Multimedia... Các cơ sở này có hình thức tuyển sinh khá đa dạng với các khóa học ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, bán thời gian, liên thông quốc tế, dự bị đại học...
Một trong những điểm thu hút của không ít trung tâm đào tạo về thiết kế đồ họa là cam kết việc làm sau khi học viên hoàn thành khóa học. Như Học viện Thiết kế và Thời trang London đã hợp tác với những tổ chức và cá nhân có tên tuổi theo nhiều hình thức khác nhau, qua đó đưa những ý tưởng mang tính đột phá, những sản phẩm sáng tạo của các sinh viên tài năng tiếp cận các doanh nghiệp thực sự cần. Nhiều thế hệ sinh viên tốt nghiệp của Học viện đã khởi nghiệp thành công với tư cách là nhà thiết kế, tạo ra những thương hiệu nổi tiếng như Kelly Bui, Lâm Gia Khang, Vũ Tá Linh, Vũ Thảo, Up to seconds, L’atelier, Km 109...
Còn Học viện VTC Academy xác định mục tiêu đào tạo theo hướng lấy chuẩn “đầu vào” của doanh nghiệp làm chuẩn “đầu ra” của học viên. Hằng năm, Học viện này thực hiện khảo sát chi tiết với từng doanh nghiệp đối tác về yêu cầu "đầu vào" của họ, từ kiến thức chuyên môn đến kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý dự án... để có thể linh hoạt trong xây dựng chương trình đào tạo, theo kịp nhu cầu của thị trường, đảm bảo cơ hội việc làm cho các học viên.
Bên cạnh các trung tâm đào tạo về thiết kế đồ họa, nhiều trường cao đẳng, trung cấp cũng quan tâm đến “ngành học thời thượng”, như Trường Cao đẳng Bách nghệ Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Trần Hưng Đạo... Không chỉ chào đón các học sinh tốt nghiệp THPT, các trường này còn mở ra cơ hội cho học sinh tốt nghiệp lớp 9, góp phần đáp ứng yêu cầu phân luồng sau THCS.
Trần Đình Hòa (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) chia sẻ, do lực học không tốt nên em không thi đỗ vào trường THPT công lập, cả gia đình cùng bàn bạc và quyết định cho em theo học đồ họa của một trường trung cấp theo đúng với sở thích vẽ của em. Đây là hướng đi phù hợp với năng lực và sở trường của mỗi cá nhân mà không phải gia đình nào cũng đủ dũng cảm để thực hiện khi tư duy "phải học cấp 3" đã ăn sâu trong suy nghĩ của rất nhiều người.
Ở bậc đại học, trong số những "tên tuổi" trong đào tạo chuyên sâu về thiết kế đồ họa, không thể không nhắc đến các trường như Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Viện Đại học Mở Hà Nội, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Về lý thuyết chuyên ngành với kiến thức mỹ thuật cơ bản, có lẽ không có sự khác nhau nhiều giữa các trường, nhưng các môn học liên quan tới kỹ năng mềm, tổ chức hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu lại được mỗi trường “gia giảm” tùy theo tiêu chí riêng. Tuy nhiên, nhiều chương trình đào tạo hiện vẫn chủ yếu chú trọng phát triển kỹ năng mang nặng tính thực hành nghề mà “chưa thực sự tạo ra sự sáng tạo và phù hợp với xu thế chung của thế giới”.
Mới đây, mảnh ghép còn thiếu cho định hướng đào tạo toàn diện của Đại học Quốc gia Hà Nội - đào tạo về nghệ thuật - đã được ra mắt. Khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chính thức trở thành một trong số không nhiều cơ sở giáo dục tham gia vào hoạt động đào tạo về sáng tạo và nghệ thuật mang tính chất liên ngành trên phạm vi cả nước, hướng tới việc chuyển đổi và xây dựng Trường Khoa học Liên ngành Sáng tạo và Nghệ thuật, trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ nhiệm khoa Các khoa học liên ngành cho biết: “Không thể phủ nhận rằng, mục tiêu trước hết và quan trọng hơn cả đối với việc xây dựng chương trình đào tạo này là phần nào đáp ứng nhu cầu xã hội đối với nguồn nhân lực về các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật khi công nghiệp văn hóa và sáng tạo được coi là nguồn lực chính cho sự đổi mới mềm, là lực đẩy cho phát triển kinh tế, nâng cao định hướng thẩm mỹ và tăng sức cạnh tranh của quốc gia trên trường quốc tế. Ngoài ra, việc xây dựng chương trình cử nhân thiết kế sáng tạo cũng cần được nhìn nhận trong mối quan hệ với sự phát triển của Thủ đô, nhất là khi Hà Nội được UNESCO công nhận nằm trong mạng lưới các thành phố sáng tạo về lĩnh vực thiết kế”.
Thực tế trong thời gian qua, thông qua nhiều hoạt động triển lãm, lễ hội, trưng bày, Hà Nội đã từng bước giới thiệu đến công chúng hình ảnh của một cộng đồng sáng tạo trẻ trung và năng động. Tuy nhiên, những điều đó là chưa đủ so với chiều dài lịch sử của thành phố cũng như tiềm năng sáng tạo mà cộng đồng cư dân nơi đây sở hữu. Bởi thế, để Hà Nội thực sự trở thành một thành phố sáng tạo về thiết kế thì thiết kế sáng tạo phải trở thành nguồn mạch trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển tri thức cộng đồng. Cập nhật các xu hướng đào tạo thiết kế sáng tạo của thế giới, đồng thời không quên cung cấp kiến thức về văn hóa nghệ thuật dân gian, di sản..., đó là những yếu tố quan trọng trong đào tạo để đội ngũ thiết kế sáng tạo trẻ “tìm thấy tương lai từ quá khứ dân tộc”.