Xử lý ô nhiễm tiếng ồn: Phải mạnh tay hơn!
Đời sống - Ngày đăng : 14:08, 15/05/2023
Tra tấn... không tiếp xúc
Sau một năm sinh sống tại căn hộ mới mua tại tầng 3 một chung cư ở sát đường vành đai 3 (Hà Nội), chị Nguyễn Hương Lan một mực muốn bán nhà. Chị chia sẻ: “Từ khi chuyển về nhà mới, tôi không bao giờ dám mở cửa sổ vì tiếng còi, âm thanh từ các phương tiện giao thông ầm ầm vọng vào, từ sáng đến đêm. Tôi từng lắp kính chống ồn, phản ánh đến Ban quản lý tòa nhà nhưng cũng chả đi đến đâu”. Còn chị Bùi Mai Hương (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm) thì bức xúc kể: “Nhà tôi ở cạnh một gia đình “yêu văn nghệ”. Họ hát karaoke bất kể giờ giấc, cuối tuần thường tụ tập bạn bè hát tới tận đêm khuya. Tôi đã nhiều lần sang nhà họ nhắc nhở nhưng rồi đâu lại vào đấy”.
Tại đô thị đông đúc như Hà Nội, rất dễ nhận ra tình trạng ô nhiễm tiếng ồn. Nhiều tuyến phố ầm ào từ sáng cho đến tối muộn. Tiếng ồn từ chiếc loa kéo của những người hát rong được mở âm lượng tùy thích, từ hoạt động xây dựng công trình ở khắp nơi, từ những chiếc còi xe tự chế có âm thanh lớn... Nếu sống ở gần chợ, cư dân có thể “được” nghe đi nghe lại lời rao hàng được thu âm sẵn nhằm quảng bá các mặt hàng, từ thực phẩm cho đến quần áo, đồ gia dụng...
Không chỉ ở đô thị đông dân cư, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn giờ đã lan tới các vùng nông thôn. Vào các kỳ nghỉ lễ, ngày hiếu, hỷ..., ô nhiễm tiếng ồn là điều được báo trước. Đáng buồn là nhiều người coi đó là điều hiển nhiên, không bày tỏ thái độ phản đối dù bị làm phiền.
Ông Trần Văn Dương (xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội) bức xúc chia sẻ: “Nhà tôi ở trung tâm làng. Mỗi khi đến kỳ nghỉ lễ, nhiều hộ trong xóm tổ chức liên hoan linh đình, mở nhạc hát hò rất to từ sáng đến tối muộn. Khi đó, cho dù có đóng kín cửa thì âm thanh ồn ào vẫn lọt vào nhà. Hàng xóm thấy phiền nhưng ít ai góp ý vì lo ảnh hưởng tới tình làng nghĩa xóm”.
Thực trạng nói trên làm cho cuộc sống của người dân trở nên ngột ngạt. Ô nhiễm tiếng ồn gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người, có thể dẫn tới giảm thính lực, bệnh cao huyết áp, rối loạn tim mạch, các bệnh về đường tiêu hóa, rối loạn giấc ngủ..., không thể coi thường.
Có luật nhưng khó xử lý
Quy định về xử phạt vi phạm hành chính với cá nhân, tổ chức gây ra tình trạng ô nhiễm tiếng ồn đã có từ lâu. Gần đây, Chính phủ ban hành Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (thay thế cho Nghị định 55, năm 2021), có hiệu lực từ ngày 25-8-2022 với mức xử phạt cao nhất từ 140 - 160 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quá 40dBA.
Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp) cho biết: “Để đánh giá mức độ tiếng ồn có trong ngưỡng cho phép hay không thì phải căn cứ vào Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Theo đó, tại Mục 2.1 Thông tư 39/2010/TT-BTNMT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường có quy định giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn như sau: Tại khu vực đặc biệt (khu vực trong hàng rào của các cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa và các khu vực có quy định đặc biệt khác), mức độ cho phép tối đa là 55dBA (từ 6h - 21h) và 45dBA (21h - 6h). Còn đối với các khu vực công cộng thông thường như các khu chung cư, khách sạn, cơ quan hành chính... thì mức độ tiếng ồn cho phép là 70dBA (từ 6h - 21h) và 55dBA (21h - 6h).
Tuy nhiên, việc xử phạt hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn chưa bao giờ là dễ dàng, bởi cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan trong khi chúng ta chưa có quy định chặt chẽ về sự phối hợp này.
Luật sư Đặng Văn Cường phân tích: “Mặc dù pháp luật đã có quy định cụ thể về mức phạt đối với từng trường hợp, tuy nhiên, thực tế thì hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn xảy ra tại rất nhiều nơi công cộng nhưng ít khi bị áp dụng văn bản pháp luật nêu trên để xử phạt vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân chủ yếu là các cơ quan chức năng chưa được trang bị đầy đủ thiết bị đo tiếng ồn. Hơn nữa, hành vi vi phạm pháp luật về tiếng ồn không có tính liên tục, khi cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện thì người vi phạm dừng hoạt động, khi vắng mặt cơ quan chức năng thì hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn lại tiếp tục diễn ra... Cơ chế phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ nên việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn chưa thu được hiệu quả cần thiết”.
Trên thực tế, việc đo và phân tích âm thanh phải do một đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường thực hiện, như đã được nêu trong Nghị định 127/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Vì vậy, các cơ quan chức năng cấp quận, huyện hay phường, xã thị trấn chưa đủ thẩm quyền để đo và phân tích âm thanh, từ đó không có căn cứ để xử lý vi phạm.
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân
Hầu như bất kỳ hoạt động nào của con người đều phát ra âm thanh, vấn đề nằm ở chỗ chúng ta nhận thức về vấn đề liên quan như thế nào. Ví dụ như cùng trên đường giao thông thì tại một số nước phát triển, việc bấm còi xe bị hạn chế; ngược lại, tại các đô thị của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, người dân sử dụng còi xe khá tùy ý. Nhiều người bấm còi inh ỏi ngay cả khi không cần thiết, sử dụng còi xe cho âm lượng lớn khiến người tham gia giao thông bị giật mình, không thể xử lý tình huống tốt, dẫn tới tai nạn giao thông. Những loại còi tự chế cho âm lượng lớn vẫn được chủ phương tiện sử dụng tùy ý là do mức xử phạt với hành vi này vẫn còn thấp, thiếu tính răn đe.
Để dẹp vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn thì ngoài sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương bằng các hình thức xử phạt, cần có thêm biện pháp tuyên truyền, giáo dục hiệu quả hơn nhằm nâng cao ý thức cộng đồng. Các cơ quan quản lý cần phát động những cuộc vận động như “Hà Nội không tiếng còi xe”, “Những con đường yên tĩnh”... Các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải cần đưa nội dung hạn chế sử dụng còi xe trong khu vực đô thị, tránh gây ô nhiễm tiếng ồn vào danh sách những điều người lái xe cần lưu ý thực hiện, coi đây như một tiêu chí đánh giá chuyến xe an toàn hoặc kỹ năng lái xe giỏi.
Chuyên gia vật lý Lê Xuân Thê, nguyên giảng viên khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: “Hà Nội là một thành phố đông dân, mật độ phương tiện giao thông cao nên để giảm ô nhiễm tiếng ồn thì ngoài việc tăng cường quản lý và nâng cao ý thức cộng đồng, người dân có thể hạn chế ô nhiễm tiếng ồn bằng cách xây tường cách âm, làm trần thạch cao đối với các nhà ở ven đường giao thông. Ngoài ra, nên trồng thêm cây xanh, sử dụng thảm trải, sàn nhà, thay thế các thiết bị đã cũ. Tại các khu chung cư, Ban quản lý cần đề ra quy tắc tôn trọng không gian công cộng và quy định xử phạt ô nhiễm tiếng ồn một cách công khai... Chúng ta phải có giải pháp đồng bộ thì mới mong hạn chế vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn, tiến tới xây dựng Thủ đô ngày càng hiện đại, văn minh.