Phụ nữ Thủ đô tìm biện pháp nâng chất lượng mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm
An toàn thực phẩm - Ngày đăng : 11:30, 15/05/2023
Từ năm 2017 đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố chỉ đạo các cấp Hội quận, huyện, thị xã và cơ sở chú trọng xây dựng và thực hiện 1.691 mô hình bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong các làng nghề, ngành nghề sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thu hút 65.548 hội viên, phụ nữ sản xuất, kinh doanh thực phẩm tham gia.
Nổi bật là các mô hình “Kinh doanh thủy sản an toàn tại chợ cá Yên Sở” quận Hoàng Mai; “Phụ nữ hiểu biết và tiêu dùng thực phẩm an toàn” quận Ba Đình; “Ăn sạch, sống xanh” quận Hai Bà Trưng; “Kinh doanh an toàn thực phẩm tươi sống” quận Hà Đông; an toàn thực phẩm xôi chè, nếp cẩm... an toàn quận Tây Hồ; rau xanh tại hộ gia đình quận Đống Đa; “Làng nghề sản xuất bánh chưng, bánh giầy bảo đảm an toàn thực phẩm” huyện Thanh Trì; kinh doanh xanh bảo đảm an toàn thực phẩm tại phố Vân (thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm); kinh doanh thức ăn nhanh bảo đảm an toàn thực phẩm ở chi hội Tân Xuân (thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ); chế biến chè búp khô bảo đảm an toàn thực phẩm làng nghề Đô Trám (xã Ba Trại, huyện Ba Vì); tuyến phố an toàn thực phẩm quận Hai Bà Trưng; tuyến phố và chợ an toàn thực phẩm quận Thanh Xuân…
Tại tọa đàm, các đại biểu, cán bộ hội phụ nữ và đại diện các mô hình thực hiện an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố đề nghị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền an toàn thực phẩm trong các cấp Hội và hội viên phụ nữ; bảo đảm an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường; quảng bá và nhận diện thương hiệu đối với các sản phẩm OCOP của từng địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh, kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống.
Đồng thời, cần kiểm tra, kiểm soát việc lưu thông, phân phối, sản xuất, sử dụng các chất cấm, phụ gia thực phẩm không được phép sử dụng trong quá trình chế biến thực phẩm; xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm…