Sân chơi cho trẻ em: Không thể coi nhẹ sự an toàn
Xã hội - Ngày đăng : 09:23, 15/05/2023
Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn
Dạo quanh các khu vui chơi ngoài trời vào những ngày cuối tuần, điều dễ nhận thấy chính là công tác đảm bảo an toàn cho trẻ chưa được coi trọng đúng mức. Tại hầu hết các địa điểm vui chơi, chỉ thấy bóng dáng của nhân viên kiểm soát vé chứ không thấy nhân viên thực hiện nhiệm vụ giám sát, hướng dẫn trẻ vui chơi để phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi vui chơi không an toàn của trẻ, và nhất là thực hiện cứu hộ khi có tình huống bất ngờ. Tại các sân chơi công cộng trong công viên như công viên Cầu Giấy, công viên Indira - Gandhi, công viên Yên Sở, công viên hồ Đền Lừ..., nhiều thiết bị vui chơi bị hỏng được chằng buộc bằng dây thừng để... tiếp tục sử dụng; các trò chơi đu quay, tàu lượn không có đai an toàn; nơi để các thiết bị, trò chơi không có thảm lót... Chưa kể, các thiết bị, đồ chơi sử dụng điện hoặc pin nhưng trong ngày nắng cũng như ngày mưa vẫn được đặt ngoài trời, chỉ được che phủ sơ sài nên bị hoen rỉ, nguy cơ rò rỉ điện rất cao. Các trò chơi như leo dây, cột có chiều cao 1 - 2m nhưng cũng không có cảnh báo, hướng dẫn độ tuổi chơi, vì thế tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn, thương tích...
Thêm vào đó, gần đây, tại các khu vui chơi, công viên, quảng trường thường có các loại hình dịch vụ cho thuê xe mô tô mini, ô tô điện, giày trượt patin, xe điện tự cân bằng... Với đặc tính nhỏ, gọn, dễ điều khiển nhưng tốc độ khá nhanh nên việc sử dụng loại đồ chơi này dễ gây đâm đụng, trẻ bị ngã. Cụ thể, với loại hình ô tô điện mini có giá thuê chỉ khoảng 20.000 đồng cho 10 phút, nhiều phụ huynh sẵn sàng chi tiền thuê xe điện cho con tự điều khiển xe chạy trong khu vực công viên. Tuy nhiên, do cùng lúc có nhiều trẻ chạy xe điện nên khung cảnh rất hỗn loạn, nhiều trẻ điều khiển xe điện lao vun vút, không ít trường hợp đã va vào nhau, gây thương tích. Đặc biệt, tại nhiều địa điểm như khu vui chơi gần Bệnh viện Tâm Anh (phố Hoàng Như Tiếp, quận Long Biên) hay Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm còn xuất hiện một dạng xe đồ chơi làm bằng khung sắt thô sơ và có bình ắc quy, thiết bị bảo hộ vô cùng sơ sài. Chỉ cần thao tác đơn giản là trẻ đã có thể lao vèo vèo và trong quá trình chơi, một số bé lao vào nhau, một số bé dùng chân để phanh, rất mất an toàn. Có một kiểu chơi nữa cũng không kém phần nguy hiểm, đó là chơi patin, ván trượt dưới lòng đường. Trò chơi này không mới, sau nhiều ý kiến phản ánh bày tỏ nỗi bức xúc của người dân nhưng tình trạng này vẫn không giảm mà dường như còn tăng lên, nhất là trong dịp nghỉ hè. Rất nhiều người dân tỏ thái độ bất bình vì họ đã nhiều lần giật mình do có trẻ đu vào sau xe để lấy đà trượt, thậm chí suýt “mang vạ” vì có nhóm 3 - 4 trẻ đua nhau xô đẩy, chèn ép phương tiện của họ để vượt lên...
Không chỉ tại các khu vui chơi ngoài trời, tại các khu vui chơi giải trí đặt ngay trong các siêu thị, trung tâm thương mại, công tác bảo vệ an toàn cho trẻ em cũng đang bị coi nhẹ. Do không gian nhỏ hẹp, các trò chơi phổ biến tại khu vực này chỉ bao gồm đu quay, nhà bóng, nhà phao, ống trượt, xúc cát, tàu hỏa chạy điện, xe đụng... Tuy nhiên, do chủ đầu tư các khu vui chơi đều khai thác tối đa diện tích để có thể tích hợp nhiều trò chơi nên khá chật chội. Thêm vào đó, không khí ngột ngạt, ánh sáng xanh đỏ lập lòe cùng tiếng ồn lớn từ trò chơi, quạt gió, loa đài có công suất quá lớn không phù hợp với môi trường vui chơi của trẻ nhỏ. Tại khu xúc cát, trẻ em nô đùa giữa đống hạt muồng (bằng nhựa) nhỏ xíu, rất dễ lọt vào mũi, vào tai, nhiều trẻ bé còn cho vào miệng nhai... gây nên hậu quả khôn lường. Khu nhà bóng, nhà phao còn ẩn hiện nhiều nguy cơ hơn do những quả bóng hay sàn nhà phao ít khi được lau rửa, vệ sinh, nhiều phụ huynh dỗ con em mình bằng cách mang bánh trái, cháo, sữa vào trong khu vui chơi khiến vụn bánh, cơm, cháo dính vào đồ chơi. Trẻ sau một hồi vui chơi ở khu khác tay dính đầy đất cát cũng lao vào chơi chung trong không gian chật chội, kém vệ sinh của nhà bóng..., đây chính là môi trường nuôi dưỡng mầm bệnh và làm dịch bệnh lây lan...
Cần có chế tài cụ thể
Rõ ràng, vấn đề bảo đảm an toàn tại các điểm vui chơi, giải trí hiện nay đang bị cả nhà tổ chức và người đến chơi chưa coi trọng. Thông tư 05/2014/TT-BLĐTBXH ngày 6/3/2014 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có hiệu lực từ tháng 5-2014 quy định rõ, trò chơi mang theo người lên cao từ 2m trở lên, tốc độ di chuyển từ 3m/s so với sàn cố định (như các trò tàu lượn cao tốc, đu quay, máng trượt) thuộc danh mục máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, bắt buộc phải kiểm định, kiểm tra bảo đảm an toàn trước khi đưa vào sử dụng. Cũng theo quy định này, các thiết bị đồ chơi trong nhà lẫn ngoài trời phải được kiểm tra định kỳ 1 năm/lần; ngoài ra, còn có các đợt đánh giá, kiểm tra theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều điểm vui chơi, giải trí không tuân thủ quy định kiểm tra định kỳ. Công tác kiểm tra, đánh giá của các cơ quan có thẩm quyền cũng chưa được thực hiện thường xuyên.
Về thực trạng nói trên, theo ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, Giám đốc sáng tạo Think Playgrounds, nguyên nhân chủ quan là do các chủ doanh nghiệp chưa coi trọng việc đảm bảo an toàn cho trẻ vui chơi nên các thiết bị, trò chơi không được bảo trì thường xuyên. Thêm vào đó, hiện đã có quy định về kiểm định chất lượng thiết bị, trò chơi khi đưa vào sử dụng nhưng công tác kiểm tra, thanh tra, xử phạt còn hời hợt. Chính vì thế, trong khi chờ các cơ quan chức năng có quy định, chế tài xử phạt cụ thể hơn, để đảm bảo an toàn cho trẻ em, các phụ huynh nên cân nhắc, lựa chọn trò chơi phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe của con mình để tránh những sự cố không đáng có. Đồng thời, anh Đạt cũng cho rằng, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn. Gia đình và nhà trường nên lồng ghép những bài học kỹ năng sống vào chương trình giảng dạy để hướng dẫn trẻ cách chơi sao cho an toàn, hoặc cho trẻ tham gia một số tình huống giả định để trẻ biết cách phòng tránh và xử trí khi gặp sự cố.