Miền Bắc có thể thiếu 4.900 MW điện, các tập đoàn nhận “lệnh nóng”

Kinh tế - Ngày đăng : 09:17, 14/05/2023

(HNMO) - Bộ trưởng Bộ Công Thương lưu ý các đơn vị nghiêm túc thực hiện các giải pháp điều hành hệ thống điện quốc gia; cho biết sẽ nghiêm túc xem xét, xử lý cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm để xảy ra thiếu điện do nguyên nhân chủ quan.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi làm việc.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa chủ trì buổi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc về kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia trong những tháng cao điểm nắng nóng năm 2023.

Theo báo cáo của EVN, việc vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (tháng 5, 6, 7) sẽ rất khó khăn. Đặc biệt, hệ thống điện miền Bắc phải đối mặt với tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống với công suất thiếu hụt lớn nhất khoảng 1.600 MW đến 4.900 MW.

Đại diện PVN, TKV và Tổng công ty Đông Bắc đã cam kết tạo điều kiện tối đa để cung ứng than, khí cho phát điện nhằm bảo đảm cung cấp điện.

Sau khi nghe ý kiến của các đơn vị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện kế hoạch cung cấp điện và cung cấp than phục vụ phát điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt và các chỉ đạo của Bộ Công Thương.

“Cùng với việc chủ động khắc phục các nguyên nhân khách quan do thời tiết, khí hậu, các đơn vị phải nghiêm túc thực hiện các giải pháp điều hành hiệu quả. Lãnh đạo Bộ sẽ nghiêm túc xem xét, xử lý các cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm để xảy ra thiếu điện do nguyên nhân chủ quan”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam được yêu cầu tập trung, nỗ lực trong vận hành hệ thống điện, có giải pháp cấp bách, trong bất cứ hoàn cảnh nào, hệ thống điện quốc gia phải được bảo đảm; đẩy mạnh việc giải tỏa công suất và tính sẵn sàng của các nhà máy điện, khẩn trương khắc phục các sự cố nguồn điện, lưới điện; tiết kiệm mọi chi phí để phục vụ nhu cầu nhiên liệu sơ cấp phục vụ cho các nhà máy điện.

Ngoài ra, EVN khẩn trương đàm phán và huy động các nhà máy điện đã sẵn sàng phát điện, trong đó có các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp nhằm tăng công suất cho hệ thống điện; đẩy nhanh việc mua bán điện với các dự án nhập khẩu điện đã ký kết. Bên cạnh đó, các địa phương, khách hàng lớn và người dân cùng chung tay tiết kiệm điện. 

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam chỉ đạo, đôn đốc khắc phục sự cố và sớm đưa vào vận hành các tổ máy phát điện, bảo đảm vận hành tin cậy, ổn định các nhà máy điện do Tập đoàn quản lý để bảo đảm cung cấp điện toàn hệ thống.

Hai tập đoàn cũng được yêu cầu  phối hợp chặt chẽ với EVN và các đơn vị có liên quan về việc cung cấp khí, than cho các nhà máy điện theo đúng kế hoạch; tăng cường khai thác, nhập khẩu, không để xảy ra thiếu khí, than cho sản xuất điện...

B.Hân