Bao giờ hết cảnh xếp hàng?
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:45, 14/05/2023
Hiện tượng xếp hàng mua nhà ở xã hội một lần nữa cho thấy tình trạng khan hiếm dự án nhà ở giá bình dân trên thị trường. Báo cáo của Bộ Xây dựng đã chỉ ra, nguồn cung trên thị trường bất động sản những năm gần đây phần lớn là dự án cao cấp. Dự án giá bình dân không có, trong khi dự án mức giá trung bình ít dần. Giai đoạn 2021-2025, nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp vào khoảng 1,3 triệu căn, trong khi đến 2022, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đạt kết quả rất thấp, hoàn thành 5,2/12,5 triệu mét vuông, tương đương 41,6% so với mục tiêu đặt ra.
Vì khan hàng nên có tình trạng bán lại, cho thuê lại nhà ở xã hội trái quy định để kiếm lời. Hà Nội đã từng kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp vi phạm kiểu này. Nhưng nghịch lý là không phải dự án nhà ở xã hội nào cũng đắt hàng. Dự án kể trên gần trung tâm thành phố, giao thông thuận tiện nên người đăng ký mua đông. Có dự án ở xa, chủ đầu tư mở bán 5-7 lần chỉ có vài người đăng ký. Nghịch lý nữa là khi thị trường bất động sản phát triển thì doanh nghiệp ít chú ý đến nhà ở xã hội. Khi thị trường gặp khó khăn, nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ lại được coi như giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp.
Trở lại câu chuyện xếp hàng mua nhà ở xã hội, câu hỏi đặt ra là bao giờ mới hết cảnh này? Rõ ràng là chỉ khi nào nguồn cung đủ đáp ứng nhu cầu thì mới hết cảnh xếp hàng, chầu chực đăng ký. Muốn vậy phải giải quyết căn nguyên thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, đó là bất cập về chính sách, quy hoạch, đất đai, vốn.
Trước hết về chính sách, nhà ở xã hội có yêu cầu chặt chẽ về thủ tục do được hưởng ưu đãi nên thời gian của một dự án cũng dài hơn, trong khi quy định lợi nhuận 10% nên nhà đầu tư ngại không muốn làm. Vốn vay thương mại không thể làm được nhà ở xã hội do lãi suất cao, trong khi vốn ưu đãi qua ngân hàng chính sách ít và không bền vững, chưa kể thủ tục vay cũng rườm rà. Thứ nữa, nhiều địa phương không bố trí quỹ đất cho nhà ở xã hội hoặc bố trí xa trung tâm...
Để giải quyết bất cập trên, Nhà nước phải đóng vai trò chính trong phát triển nhà ở xã hội, bao gồm về vốn, định hướng, quản lý, quy hoạch, bố trí quỹ đất, phê duyệt dự án, kiểm tra, giám sát việc phát triển nhà ở xã hội. Việc phát triển nhà ở xã hội không chỉ trông chờ vào nhà đầu tư, vào doanh nghiệp như những dự án nhà ở khác. Vốn phát triển nhà ở xã hội phải ổn định cả về nguồn và lãi suất, tránh áp dụng lẻ tẻ theo từng gói hay chương trình riêng.
Bài học kinh nghiệm của nhiều nước là hình thành quỹ phát triển nhà ở xã hội từ nhiều nguồn, như ngân sách, phát hành trái phiếu, huy động tiết kiệm nhà ở, vốn ODA, thu từ quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội, doanh nghiệp đóng góp… Cùng với đó, có cơ chế giám sát bảo đảm cân đối cung - cầu, ngăn ngừa trục lợi chính sách; người không còn nhu cầu chỉ được bán lại nhà cho Nhà nước… Phát triển nhà ở xã hội là chính sách an sinh nên cần phải có sự can thiệp mạnh mẽ của Nhà nước.