Ngân hàng đi đầu trong chuyển đổi số
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 06:21, 14/05/2023
Thanh toán không dùng tiền mặt tăng 53,51%
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện có 95% tổ chức tín dụng triển khai chuyển đổi số, trong đó có những tổ chức tín dụng đã đạt 90% giao dịch khách hàng trên kênh số. Nhờ chuyển đổi số, tỷ lệ chi phí trên thu nhập của một số ngân hàng giảm xuống 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực đang hướng tới.
Trong những tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 53,51% về số lượng; giao dịch qua internet tăng 88,11% về số lượng và 7,43% về giá trị; qua điện thoại di động tăng tương ứng 65,55% và 13,31%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 160,71% và 43,84%... Trong khi đó, giao dịch qua máy rút tiền tự động (ATM) giảm 2,37% về số lượng và 4,02% về giá trị. Điều đó cho thấy xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.
Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Phạm Anh Tuấn cho biết, hiện có 74,63% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng; trong đó, 18,6 triệu thẻ ngân hàng và 11,9 triệu tài khoản thanh toán được mở bằng phương tiện điện tử (eKYC). Nhiều ngân hàng có tỷ lệ hơn 90% giao dịch thực hiện trên kênh số, phản ánh kết quả của chuyển đổi số…
Theo Tiến sĩ Trần Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số, ngân hàng là ngành dịch vụ hiện đại, huyết mạch của cả nền kinh tế, nên khi ngành Ngân hàng đi đầu trong chuyển đổi số đã thúc đẩy các ngành kinh tế khác chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế số và xã hội số. Việc số hóa hoạt động ngân hàng đã cung cấp công cụ, tạo điều kiện thuận lợi, cũng như rộng mở cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng. Về phía ngân hàng, môi trường số giúp việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ nhanh chóng, hiệu quả với chi phí thấp. Hệ thống ngân hàng cũng minh bạch hơn trong hoạt động.
Cần hệ thống luật pháp đồng bộ
Mặc dù vậy, chuyển đổi số đối với ngành Ngân hàng cũng còn nhiều thách thức. Sự xuất hiện của các sản phẩm, dịch vụ mới trên nền tảng số đòi hỏi phải hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo “không gian” cho các bên tham gia thị trường phát triển an toàn, đúng định hướng, tuân thủ pháp luật.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, thách thức lớn nhất của phát triển ngân hàng số và chuyển đổi số ngân hàng truyền thống là phải thay đổi căn bản khung pháp lý hiện hành. Mô hình chuyển đổi ngân hàng số phải phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mô hình ngân hàng số chồng lên ngân hàng truyền thống khá thích hợp với cách thức chuyển đổi hiện nay của Việt Nam. Toàn bộ dịch vụ tiền gửi và tín dụng cũng cần được thay đổi, nhất là tín dụng doanh nghiệp để có thể giảm thiểu sự can thiệp của con người trên cơ sở sử dụng kỹ năng quản lý dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo…
Một thách thức khác được các chuyên gia chỉ ra, đó là hệ thống ngân hàng được số hóa trong khi Chính phủ, các doanh nghiệp chưa được số hóa cũng sẽ gây khó khăn cho hoạt động tín dụng, xử lý nợ, giao dịch bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm… Vì vậy, cần có một hệ thống luật pháp hướng tới môi trường số hóa đồng bộ để hỗ trợ cho quá trình số hóa ngân hàng.
Tuy nhiên, đại diện các ngân hàng đều nhận định, việc nỗ lực chuyển đổi mô hình ngân hàng số là yêu cầu bắt buộc khi hành vi người dùng đang thay đổi từng ngày. Chuyển đổi số giúp nâng cao hành trình trải nghiệm cho khách hàng, tăng mức độ trung thành của người dùng, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng. Hơn nữa, đây còn là yêu cầu tất yếu của nền kinh tế số.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, thời gian tới, các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục tập trung chuyển đổi số các hoạt động kinh doanh truyền thống cùng với việc có thêm nhiều kênh tương tác với khách hàng hiệu quả hơn. Cụ thể là các sản phẩm, dịch vụ mới, như: Phát triển tính năng nộp/rút tiền trên máy giao dịch tự động; nộp/rút tiền mặt bằng căn cước công dân gắn chíp; giải ngân trực tuyến dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; thanh toán quốc tế trực tuyến ngay tại phía khách hàng; mở thẻ tín dụng qua tương tác giao dịch với rô bốt, thanh toán chạm bằng điện thoại thông minh (tap to pay), thanh toán phi tiếp xúc, thanh toán bằng giọng nói, khuôn mặt...
Hiện, ứng dụng Mobile banking, “Ví điện tử” của nhiều tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán đã cho phép khách hàng tiếp cận, sử dụng đầy đủ các tiện ích, dịch vụ ngân hàng như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, đóng bảo hiểm, vay thấu chi, vay tiêu dùng… Ngoài ra là những dịch vụ ngoài ngân hàng (beyond banking) như: Giao hàng, đặt xe, đặt vé… mọi lúc, mọi nơi ngay trên điện thoại di động thông minh cá nhân.