Nâng chất lượng bữa ăn tại các trường tiểu học

Giáo dục - Ngày đăng : 07:25, 13/05/2023

(HNM) - Với học sinh tiểu học (từ 6 đến 11 tuổi), bữa ăn học đường đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thể chất, trí tuệ. Vì thế, việc đề ra các giải pháp cải thiện bữa ăn học đường của học sinh tiểu học luôn cần thiết và quan trọng.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Văn Tuấn, Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu về bữa ăn học đường tại các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội” báo cáo tại buổi sơ kết ở Trường Tiểu học Thanh Liệt (huyện Thanh Trì).

Còn nhiều khó khăn, hạn chế

Việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ em lứa tuổi học đường có vai trò quan trọng, quyết định sự phát triển tối ưu các tiềm năng di truyền liên quan đến tầm vóc, thể lực và trí tuệ. Tại Việt Nam, thời gian qua, vấn đề dinh dưỡng học đường đã được quan tâm. Tuy nhiên, công tác dinh dưỡng học đường và tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh trong nhà trường còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Hà Nội là một trong 2 địa phương (Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) có số học sinh ăn bán trú lớn nhất toàn quốc. Vì vậy, việc tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh tại các trường học là cấp bách và mang tính tất yếu. Tuy vậy, công tác tổ chức bữa ăn bán trú tại các trường tiểu học của thành phố Hà Nội hiện nay còn gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng thực đơn, tính toán thành phần dinh dưỡng bữa ăn, cách tổ chức bữa ăn học đường trong điều kiện cơ sở vật chất của một số trường còn khó khăn và chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó, trẻ em, học sinh thường có thói quen ăn uống chưa phù hợp, trẻ không thích ăn rau, ăn hải sản...

Xuất phát từ thực tế đó, đề tài “Nghiên cứu về bữa ăn học đường tại các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội” (mã số 01X-12/03-2019-3) được tiến hành với mục tiêu: Phân tích các vấn đề lý luận liên quan đến dinh dưỡng trẻ em và bữa ăn học đường; xây dựng các tiêu chí bảo đảm dinh dưỡng cho bữa ăn của trẻ em; đánh giá thực trạng bữa ăn học đường tại các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội; đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng bữa ăn học đường tại các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đề tài đã tập trung nghiên cứu tại 9 trường tiểu học có tổ chức bữa ăn bán trú trên địa bàn thành phố Hà Nội theo 3 khu vực: Trung tâm, ngoại thành và nông thôn - vùng mới sáp nhập.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Văn Tuấn, Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Chủ nhiệm đề tài, qua khảo sát cho thấy, các trường chủ yếu thuê công ty tổ chức nấu ăn tại trường (8/9 trường). Bữa ăn học đường được cung cấp toàn bộ bữa trưa và bữa xế chiều (9/9 trường). Điều đáng buồn là hầu hết người trực tiếp chế biến, phục vụ bữa ăn học đường chưa nhận thức đúng về kiến thức dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Tỷ lệ cán bộ, nhân viên, giáo viên, học sinh hiểu đúng, đầy đủ kiến thức về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cũng rất thấp. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ bữa ăn của học sinh chưa đầy đủ theo quy định, chưa bảo đảm chất lượng phục vụ bữa ăn của học sinh.

Cũng theo khảo sát, 100% trường được đều có thực đơn áp dụng dựa theo khuyến nghị về nhu cầu dinh dưỡng lứa tuổi, yêu cầu an toàn thực phẩm trong các bữa ăn học đường tại trường học nhưng chưa thường xuyên, chưa được đánh giá về chất lượng. Tỷ lệ học sinh được hướng dẫn trước và trong khi ăn ở các trường trung tâm cao hơn khu vực ngoại thành và nông thôn. Tuy vậy, chưa đa dạng về người cung cấp và hình thức cung cấp thông tin. Chưa có các hoạt động ngoại khóa về giáo dục dinh dưỡng. “Tổ chức bữa ăn học đường chưa có một quy trình hướng dẫn rõ ràng, thống nhất, đồng bộ; đồ dùng, dụng cụ ăn uống cũ, sắp xếp chưa gọn gàng”, bác sĩ Lê Văn Tuấn cho biết thêm.

Giải pháp nâng cao chất lượng bữa ăn học đường

Sau khi đánh giá thực trạng bữa ăn học đường tại 9 trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội, bác sĩ Lê Văn Tuấn và các cộng sự đã xây dựng và thử nghiệm 120 thực đơn xuân - hè, thu - đông theo các tiêu chí bảo đảm cân đối về dinh dưỡng, ngon miệng, an toàn thực phẩm và phù hợp với thực tế tại 3 trường xây dựng mô hình thử nghiệm.

Nhóm nghiên cứu cũng xây dựng quy trình tổ chức bữa ăn học đường theo các tiêu chí về tổ chức bữa ăn học đường hợp lý, giám sát hỗ trợ nhà trường thực hiện việc tổ chức bữa ăn học đường và giáo dục dinh dưỡng cho học sinh.

Sau can thiệp mô hình điểm, các chỉ số về công tác tổ chức bữa ăn học đường đã thay đổi tích cực (tăng lên rõ rệt) và cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng. Chất lượng bữa ăn sau can thiệp cũng được cải thiện rõ rệt, tương đương với năng lượng tiêu chuẩn theo khuyến nghị.

Trường Tiểu học Thanh Liệt (Thanh Trì, Hà Nội) là một trong 3 trường được chọn để triển khai mô hình điểm về bữa ăn học đường. Cô giáo Trần Thị Loan, Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ những hiệu quả tích cực từ dự án, đặc biệt là sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức của chính học sinh tham gia bữa ăn bán trú. Với “3 phút thay đổi nhận thức”, trước mỗi bữa ăn, các em đều thực hiện vệ sinh cá nhân và được giới thiệu về những dinh dưỡng có trong thực phẩm của bữa ăn đó. Từ việc nhận thức đúng về màu sắc, mùi vị và dinh dưỡng có trong thực phẩm tốt cho sức khỏe, các em hiểu và sẽ ăn ngon miệng. Thực đơn bữa ăn sau khi được can thiệp có thêm trái cây tráng miệng. Đây là điểm mới thu hút các em trong bữa ăn học đường.

Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Kim, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu cấp thành phố đánh giá cao kết quả của đề tài. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Kim, số liệu về thực trạng bữa ăn học đường và công tác tổ chức bữa ăn học đường của học sinh tiểu học đã góp phần đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng bữa ăn học đường hợp lý và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Kết quả của đề tài là cơ sở để đề xuất giải pháp cải thiện bữa ăn học đường của học sinh tiểu học, cải thiện kiến thức thực hành dinh dưỡng của học sinh, góp phần nâng cao năng lực tổ chức, quản lý bữa ăn học đường tại các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Thu Hằng