Cấp bách sửa quy định về đăng kiểm: Thuận cho cơ quan quản lý, lợi cho chủ phương tiện
Đời sống - Ngày đăng : 06:29, 13/05/2023
Vất vả vì đăng kiểm
Bộ Giao thông - Vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam đặt mục tiêu trong tháng 3-2023 giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc trong đăng kiểm. Hàng loạt giải pháp cấp bách đã được áp dụng như: Huy động lực lượng đăng kiểm của quân đội và công an hỗ trợ kiểm định xe dân sự; gấp rút tổ chức những kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ đăng kiểm viên để nhanh chóng bổ sung nhân lực… Về quy định, xe cơ giới chưa qua sử dụng được miễn kiểm định lần đầu; một số loại xe cơ giới được giãn chu kỳ kiểm định… Thế nhưng đến nay, tình trạng ùn tắc đăng kiểm lại tái diễn, đặc biệt tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Xe ô tô đến hạn đăng kiểm vào cuối tháng 5-2023, anh Trần Thanh Tùng (Khu đô thị Times City) vào app đặt lịch hẹn. Nhưng hàng loạt trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội như: 29-29D (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông); 29-32D (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai)… đều đã kín lịch. “Những ngày tới nếu tiếp tục không đặt được lịch, tôi sẽ phải đưa xe sang tỉnh Hưng Yên đăng kiểm. Chưa khi nào việc đăng kiểm vất vả như hiện nay”, anh Tùng than thở.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải cũng đang gặp khó khăn vì đăng kiểm. Thậm chí có doanh nghiệp có khoảng 50 đầu xe container phải bố trí tới 10 nhân viên thay nhau đưa xe sắp đến hạn kiểm định đi sửa chữa, bảo dưỡng và tìm nơi đăng kiểm. Giám đốc Công ty TNHH Logistics XNK Lê Huy Phương cho biết, đội xe của công ty phải đến các tỉnh, thành phố: Lạng Sơn, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh để đăng kiểm, mỗi xe phải chờ 2-3 ngày mới xong.
Thay đổi cách thức quản lý và cung cấp dịch vụ
Theo Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Chiến Thắng, số lượng phương tiện đến kỳ kiểm định nhưng chưa được kiểm định vào khoảng 800.000 xe, còn số phương tiện phải kiểm định trong 6 tháng tới khoảng 1,7 triệu xe. Như vậy, tổng số lượng phương tiện cần được kiểm định trong 6 tháng khoảng 2,5 triệu xe. Với 244 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động như hiện nay, năng lực kiểm định mỗi tháng chỉ khoảng 550.000 xe, đồng nghĩa phải cần ít nhất 6 tháng để kiểm định hết số lượng phương tiện nêu trên.
Nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc và nhanh chóng ổn định hoạt động đăng kiểm, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm thay đổi cách thức quản lý và cung cấp dịch vụ đăng kiểm. Một trong những thay đổi quan trọng trước tiên được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải là cho phép áp dụng ngay việc giãn chu kỳ kiểm định đối với ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải đã được cấp giấy chứng nhận và tem kiểm định. Chủ phương tiện thuộc diện được giãn chu kỳ kiểm định chỉ cần vào app, nhập thông tin phương tiện mà không phải đưa xe đến trung tâm đăng kiểm. Số xe cá nhân dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải đến hạn kiểm định hằng tháng hiện chiếm khoảng 33-43% trên tổng số phương tiện đến hạn kiểm định.
Đại diện Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, tới đây hoạt động đăng kiểm sẽ được đẩy mạnh phân cấp cho địa phương. Các sở giao thông - vận tải chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra hoạt động đăng kiểm tại địa phương. Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm kiểm tra chuyên ngành trên phạm vi cả nước. Tăng trách nhiệm đơn vị đăng kiểm gắn với chế tài xử lý vi phạm.
Làm việc với các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới vào đầu tháng 5-2023 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu dự thảo nghị định mới cần tách bạch chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ đăng kiểm, đẩy mạnh phân cấp quản lý theo hướng Bộ Giao thông - Vận tải quy định tiêu chí, điều kiện về tổ chức bộ máy, trang thiết bị, quy trình đăng kiểm, để địa phương có căn cứ thực hiện; tăng cường năng lực thanh tra, kiểm tra các đơn vị đăng kiểm…; bổ sung cơ chế tài chính theo hướng tính đúng, tính đủ theo giá thị trường, tạo điều kiện thông thoáng, lành mạnh hoạt động xã hội hóa đăng kiểm.
Cùng với đó, Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu phương án cho phép các cơ sở bảo dưỡng ô tô 3S (có không gian trưng bày xe mới, dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng và cung cấp phụ tùng chính hãng), 4S (có thêm chức năng thu thập ý kiến phản hồi từ khách hàng so với 3S) của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và xuất, nhập khẩu ô tô ở trong nước tham gia kiểm định.