Tập trung vào mặt hàng có giá trị cao, lợi thế để tái cơ cấu ngành
Kinh tế - Ngày đăng : 18:58, 12/05/2023
Trong nhiều năm qua, hoạt động tái cơ cấu ngành Công Thương đã được thực hiện theo Quyết định số 2146/QĐ-TTg ngày 01-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ đã đạt được những hiệu quả tích cực trong tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), 10 năm qua, chúng ta đạt được thành tựu rất quan trọng là đưa nền công nghiệp lên tầm cao mới, với tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh 8-9%/năm. Công nghiệp đã thực sự trở thành trụ cột của nền kinh tế, có đóng góp lớn nhất cho ngân sách và GDP cả nước. Ngành công nghiệp đã đáp ứng cơ bản phát triển thị trường trong nước, góp phần vào tổng mức bán lẻ lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ trong nước. Tạo sự cạnh tranh sòng phẳng với hàng hóa của các nước khác trên chính thị trường nội địa; đóng góp quan trọng cho xuất khẩu khi 85% các mặt hàng được xuất khẩu từ ngành công nghiệp.
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, thành tựu của ngành Công Thương thể hiện cả trong sản xuất cũng như trong thương mại. Đặc biệt, trong sản xuất là sự gia tăng tốc độ tăng trưởng và cải thiện vị trí, vị thế, đóng góp và tầm quan trọng của ngành trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hội cũng chỉ rõ, xuất khẩu đạt con số tương đối lớn nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro vì nhiều mặt hàng xuất khẩu từ doanh nghiệp FDI. Giá trị gia tăng hay sự tham gia vào chuỗi cung ứng xuất khẩu của Việt Nam tương đối thấp, nhất là về công nghệ. Để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp, lãnh đạo Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương nêu quan điểm: “Đã đến lúc nhìn vào con số thực tế kim ngạch xuất khẩu và giá trị gia tăng trong kim ngạch xuất khẩu để tập trung vào mặt hàng Việt Nam có giá trị cao, như mặt hàng công nghiệp chế biến, những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế”.
Tiến sĩ Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, để tái cơ cấu ngành công nghiệp Việt Nam bền vững trước hết tư duy phát triển doanh nghiệp và tư duy phát triển ngành phải linh hoạt; phải khắc phục được việc mục tiêu và chính sách rất tốt nhưng thực thi lại yếu kém. Ngoài ra, việc tiếp cận vốn và mặt bằng sản xuất của doanh nghiệp vẫn còn muôn vàn khó khăn, khiến họ không thể tập trung vào tái cơ cấu.
Các đại biểu tham gia tọa đàm cũng thống nhất quan điểm, hoạt động tái cơ cấu ngành Công Thương phải được thực hiện đồng bộ trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đảm bảo đồng bộ với tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực trọng tâm khác của nền kinh tế. Đồng thời, cần nhận diện được những thách thức trong quá trình tái cơ cấu để cùng nhau hóa giải, hiện thực hóa các mục tiêu được đề ra trong Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương.