Không để trả giá vì chủ quan

Góc nhìn - Ngày đăng : 10:44, 12/05/2023

(HNMO) - Theo Bộ Y tế, từ đầu tháng 4 đến nay, số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam đang tăng gấp 5-6 lần so với 2 tháng trước đó, mỗi ngày trung bình có hơn 2.000 ca. Số ca Covid-19 chủ yếu tập trung tại miền Bắc, cao nhất là thành phố Hà Nội. Các chuyên gia nhận định, một trong những nguyên nhân chính khiến số ca mắc tăng nhanh như thời gian qua là do “bệnh” chủ quan, mất cảnh giác đang hiện hữu trong tâm lý của nhiều người dân.

Thực tế đáng lo ngại là trong khi số ca nhập viện và tử vong vẫn tăng thì không ít người lại không muốn tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 vì cho rằng dịch bệnh đã hết, đến lúc có thể "chung sống" với Covid-19. Hiện nay, triệu chứng khi mắc Covid-19 như bệnh cảm cúm, nên nhiều người chủ quan, tự mua thuốc điều trị hoặc không áp dụng các biện pháp phòng ngừa, nên vi rút càng lây lan nhanh hơn...

Hậu quả thật đáng buồn, chỉ tính riêng trong 5 ngày nghỉ lễ vừa qua, có 17 ca tử vong vì Covid-19 sau gần 4 tháng không có ca nào.

Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đã phải có công văn khẩn yêu cầu các địa phương cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Quan điểm là tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và phải thực hiện nghiêm, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn trong các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng...

Cùng với lo ngại trước việc người dân chủ quan, coi thường sự nguy hiểm của dịch Covid-19, cho nên dù ngày 5-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, nhưng WHO cảnh báo về những biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 và sự chủ quan của người dân có thể làm cho dịch trở nên phức tạp và gia tăng trở lại. Ngày 8-5, bà Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cũng khuyến cáo: "Đây chưa phải là lúc để nghỉ ngơi mà vẫn phải đề cao cảnh giác và có biện pháp phòng, chống phù hợp".

Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các bệnh viện sẵn sàng kích hoạt, chuẩn bị thuốc, vật tư, cơ số giường để sẵn sàng điều trị Covid-19 nếu số ca mắc gia tăng. Các đơn vị chức năng khuyến cáo cộng đồng thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch tại khu vực công cộng; sẵn sàng mở lại các bệnh viện dã chiến nếu dịch bùng phát trở lại.

UBND thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo các địa phương, sở, ngành cần có kế hoạch cụ thể để phòng, chống dịch; kiện toàn Ban Chỉ đạo, lực lượng cũng như vật tư y tế, bảo đảm luôn sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch. Các bệnh viện xây dựng kế hoạch tiếp nhận, điều trị người bệnh Covid-19, kích hoạt giường điều trị được phân công theo tình hình diễn biến dịch bệnh...

Việc Tổ chức Y tế thế giới khẳng định dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu không có nghĩa nguy hiểm đã qua. Hiện nay, Việt Nam vẫn coi Covid-19 là tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh số ca mắc mới đang tăng trở lại, kéo theo số trường hợp nhập viện và tử vong tăng. Nếu chủ quan, lơ là với dịch bệnh, sẽ phải trả giá đắt.

Chính vì vậy, chúng ta phải luôn có ý thức rằng, những biến chủng mới của Covid-19 xuất hiện thì khả năng nhiễm càng cao và trong mọi trường hợp, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Đây chính là vắc xin hữu hiệu nhất để phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19.

Hà Trang