Đã xử lý nhiều xe tải “hổ vồ” trên đê tả Hồng (huyện Gia Lâm)
Ý kiến - Phản hồi - Ngày đăng : 09:35, 12/05/2023
Cụ thể, mới đây, Báo Hànộimới có đăng bài “Xe tải “hổ vồ” gia tăng hoạt động ở ngoại thành” phản ánh tình trạng những xe tải chở vật liệu xây dựng cơi nới thành thùng xuất hiện dày đặc trên các tuyến đường dân sinh ngoại thành Hà Nội, trong đó có đoạn ở đê tả sông Hồng, đoạn từ cầu Thanh Trì đi đê Bát Tràng.
Công văn nêu rõ, huyện Gia Lâm hiện có nhiều dự án, tuyến đường đang được triển khai, nâng cấp, mở rộng nên có nhiều xe tải hoạt động ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. Do đó, Công an huyện đã tham mưu UBND huyện đồng thời chủ động xây dựng nhiều chuyên đề kế hoạch kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông đặc biệt là các hành vi vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải, chở vật liệu xây dựng rơi vãi...
Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, Công an huyện Gia Lâm đã trực tiếp tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm kiểm tra, lập biên bản xử lý 98 trường hợp, phạt tiền trên 370 triệu đồng. Đồng thời, thành lập tổ công tác thực hiện nhiệm vụ cắm chốt xử lý vi phạm về tải trọng, gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường tại bến thôn 7 đê Đông Dư (xã Đông Dư).
Hằng ngày, Công an huyện phân công 4 lượt cán bộ, chiến sỹ cắm chốt 24/24 giờ, phối hợp với tổ tuần tra kiểm soát được phân công để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chở hàng vượt trọng tải cho phép tham gia giao thông; “cơi nới” thành thùng xe, tự ý cải tạo, hoán cái phương tiện; lôi kéo bùn, đất, cát, nguyên liệu, vật liệu hoặc chất phế thải ra đường; chở hàng rời, chất thải, vật liệu xây dựng dễ rơi vãi mà không có mui bạt che đậy hoặc có mui bạt che đậy nhưng vẫn để rơi vãi...
Đến nay, tình trạng các phương tiện chở hàng, vật liệu xây dựng hoạt động trên địa bàn huyện nói chung và tuyến đê tả Hồng nói riêng đã giảm nhiều.
Thời gian tới, Công an huyện tiếp tục phối hợp với các đơn vị tăng cường công tác tuần tra kiểm soát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ, đặc biệt là các hành vi chở hàng quá khổ, quá tải, vận chuyển bùn đất, vật liệu xây dựng không che chắn hoặc có nhưng không đảm bảo, để rơi vãi gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường... trên địa bàn huyện Gia Lâm nói chung, đường đê tả Hồng nói riêng.