Thanh Oai đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP
Xã hội - Ngày đăng : 07:05, 12/05/2023
Hợp tác xã Hoàng Long (xã Tân Ước) là một trong những mô hình chăn nuôi khép kín, ứng dụng công nghệ cao cho giá trị kinh tế cao của huyện Thanh Oai nói riêng và thành phố nói chung. Năm 2022, một số sản phẩm thịt lợn chế biến của hợp tác xã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long Nguyễn Trọng Long chia sẻ, sau khi tham gia Chương trình OCOP, việc xúc tiến thương mại tại hợp tác xã được đẩy mạnh và được thành phố giới thiệu sản phẩm trên một số trang thương mại điện tử, giúp sức tiêu thụ của hợp tác xã tăng gấp 2 lần so với trước.
Tương tự, là một trong những sản phẩm đạt 3 sao OCOP, sản phẩm nón làng Chuông (xã Phương Trung) đang được bán đi các tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu. Nghệ nhân Lê Văn Tuy, chủ một hộ sản xuất nón tại làng Chuông cho hay, tham gia Chương trình OCOP, các hộ sản xuất được huyện hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ xúc tiến thương mại. Nhờ đó, sản phẩm nón làng Chuông đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc... Hiệu quả kinh tế từ nghề làm nón cũng tăng lên gấp 6-7 lần.
Việc tham gia Chương trình OCOP đã giúp nhiều sản phẩm làng nghề, nông sản tăng giá trị và sức tiêu thụ. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, nhiều sản phẩm làng nghề của huyện nổi tiếng khắp miền Bắc, với các thương hiệu giò chả Ước Lễ, tương Cự Đà, bánh cuốn Thanh Lương… Huyện cũng đã xây dựng, phát triển 57 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng (52 sản phẩm 4 sao, 5 sản phẩm 3 sao) trên cơ sở sản phẩm truyền thống của địa phương, nâng cao giá trị. Để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá đến người tiêu dùng sản phẩm OCOP của huyện, Thanh Oai đã xây dựng hai điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại thị trấn Kim Bài và xã Bích Hòa.
Cùng với việc bố trí gian hàng, huyện Thanh Oai còn phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, như tổ chức hội chợ, hội nghị kết nối cung - cầu. Các chương trình xúc tiến thương mại đều có sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP và lãnh đạo huyện, thành phố. Tại các chương trình xúc tiến đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP đã trưng bày, giới thiệu gần 1.000 dòng sản phẩm của các địa phương trong cả nước; kết hợp với việc bán sản phẩm, quảng bá, kết nối doanh nghiệp; tổ chức trình diễn, chế biến sản phẩm tại chỗ...
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh đánh giá, các chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP tại Thanh Oai đã đạt được mục tiêu kích cầu tiêu dùng nội địa, bình ổn thị trường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn huyện. Đặc biệt, các chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP đã nâng cao nhận thức, lòng tin của người tiêu dùng về chất lượng, thương hiệu sản phẩm Việt; thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.
Để nâng cao hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP của huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho hay, đối với các xã làng nghề có sản phẩm được công nhận OCOP, huyện đang rà soát quỹ đất để bố trí điểm trưng bày sản phẩm, hình thành các tuyến du lịch làng nghề. Đồng thời, rà soát và đưa vào danh mục các nhóm ngành hàng cần ưu tiên phát triển và xây dựng thương hiệu, từ đó đầu tư về quy mô sản xuất cũng như xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu.
“Thời gian tới, đề nghị Sở Công Thương và thành phố hỗ trợ huyện đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các cụm công nghiệp, tạo vùng sản xuất lớn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như môi trường, xây dựng các chuỗi sản xuất giá trị cao. Việc phát triển các khu, cụm công nghiệp giúp huyện bảo tồn, phát huy thế mạnh từ các sản phẩm làng nghề, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương”, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển nhấn mạnh.