Nghề làm bánh chưng, bánh giầy ở Phú Thọ vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Văn hóa - Ngày đăng : 21:56, 11/05/2023
Bánh chưng, bánh giầy, tượng trưng cho “Trời tròn - Đất vuông”, gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và tục thờ cúng tổ tiên của người Việt. Hai loại bánh này xuất phát từ câu chuyện huyền sử về lòng hiếu thảo của Hoàng tử Lang Liêu thời Hùng Vương dựng nước.
Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, bánh chưng, bánh giầy vẫn được người Việt gìn giữ vẹn nguyên về hình dáng, hương vị và sự trân trọng khi dành dâng cúng tổ tiên.
Đến nay, nghề làm bánh chưng, bánh giầy đã phổ biến khắp cả nước, song không có nơi nào tục làm bánh chưng, giã bánh giầy lại trở thành truyền thống văn hóa, phong tục tập quán không thể thiếu trong các ngày lễ, Tết, ngày hội truyền thống với những nghi thức riêng biệt và độc đáo như ở Phú Thọ.
Theo đó, không gian văn hóa của tục làm bánh chưng, bánh giầy ở Phú Thọ được xác định trải dài từ nơi bánh chưng, bánh giầy được sinh ra là làng Mộ Chu Hạ (nay thuộc thành phố Việt Trì) và làng Trúc Phê (nay thuộc thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông) đến nhiều vùng khác trên địa bàn tỉnh.
Lễ hội Đền Hùng hằng năm đều tổ chức hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy, thu hút đông đảo nghệ nhân toàn tỉnh tham dự. Các sản phẩm đoạt giải sẽ được vinh dự chọn dâng cúng Vua Hùng và các vị tiền nhân.
Bên cạnh đó, bánh chưng, bánh giầy của Phú Thọ cũng trở thành sản phẩm đặc trưng của đất Tổ để công chúng và du khách lựa chọn làm quà tặng người thân, gia đình khi hành hương về với cội nguồn, qua đó góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống thời Hùng Vương và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ.