Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Mỗi khi có dịp, hãy về với nông thôn..."
Nông nghiệp - Ngày đăng : 13:18, 11/05/2023
Phát triển theo hướng tích hợp đa giá trị
- Trước tiên, Bộ trưởng nhận định thế nào về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và kết quả thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” trong nửa nhiệm kỳ qua?
- Có thể khẳng định, xây dựng nông thôn mới của Hà Nội đạt nhiều kết quả nổi bật, ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng và bền vững. Nét đặc sắc văn hóa, môi trường thiên nhiên, cảnh quan nông thôn được thành phố quan tâm. Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao. Thành phố đã cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, chú trọng việc tạo dựng và phát huy hiệu quả chuỗi hợp tác, liên kết.
Tôi đã đi tham quan một số mô hình ở Hà Nội, như mô hình liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ, gạo chất lượng cao, sản phẩm thịt gia súc, rau củ quả… và ấn tượng bởi các mô hình đã phát triển theo hướng tích hợp đa giá trị, cải thiện chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Sản phẩm OCOP của Hà Nội ngày càng phong phú và được ưa chuộng…
Nhìn vào kết quả thành phố đã đạt được, cá nhân tôi và Bộ NN&PTNT như được truyền thêm cảm hứng và là động lực để cùng nhau kiến tạo những không gian phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Thủ đô trong thời gian tới.
- Bộ trưởng có thể cho biết rõ hơn về kết quả nổi bật trong nông nghiệp, nông thôn của thành phố?
- Theo báo cáo toàn cảnh hợp tác xã nông nghiệp 2022 vừa được công bố, Hà Nội có gần 1.400 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động. Điều đó cho thấy, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng và gần gấp đôi địa phương xếp kế cạnh. Những làng nghề truyền thống đa dạng bản sắc ngày càng phát triển, không chỉ tạo thêm cơ hội việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân, mà còn kết nối cộng đồng, lưu giữ và bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử lưu truyền qua bao thế hệ.
Hà Nội cũng là địa phương có số xã thực hiện xây dựng nông thôn mới cao nhất, nhì cả nước (382 xã) và đến nay, 100% số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới; 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Thành phố cũng có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nông thôn mới tại Hà Nội, vừa tạo dựng diện mạo mới, yên bình, đáng sống, vừa khơi gợi sức sống mới, năng động, văn minh.
- Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình xây dựng nông thôn mới của Hà Nội còn hạn chế gì, thưa Bộ trưởng?
- Có thể thấy, việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ, song chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô. Ngoài ra, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, nhất là chế biến sâu; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế.
Nông nghiệp Thủ đô có sự khác biệt so với các tỉnh, thành phố khác. Đó là giá trị văn hóa, lịch sử, những dấu ấn của địa danh Hà Nội trong sản phẩm... tưởng như vô hình, song lại có giá trị rất lớn, làm nên thương hiệu, gia tăng giá trị cho sản phẩm… cần phải được thành phố và mỗi người dân quan tâm hơn nữa. Đặc biệt, quá trình đô thị hóa của thành phố phát triển mạnh, diện tích đất nông nghiệp thu hẹp nhanh, phát sinh nhiều vấn đề xã hội và tạo áp lực lên hạ tầng và công tác quản lý Nhà nước ở khu vực nông thôn. Do đó, xây dựng nông thôn mới ở Thủ đô phải hài hòa giữa đô thị hóa và bảo tồn nét văn hóa truyền thống.
Còn nhiều dư địa để phát triển
- Với vai trò là Tư lệnh ngành Nông nghiệp, Bộ trưởng có thể gợi mở cho Thủ đô những giải pháp gì để phát triển “tam nông” thời gian tới?
- Dư địa dành cho kinh tế nông nghiệp của Thủ đô vẫn còn rất lớn.
Theo tôi, Hà Nội có thể khai thác lợi thế đó để phát triển nông nghiệp đô thị. Điều này sẽ giúp Hà Nội chủ động nguồn cung lương thực, thực phẩm an toàn, chất lượng cho hàng triệu dân. Ngược lại, nông nghiệp, nông thôn là nơi để người dân đô thị tìm lại sự thảnh thơi, cân bằng, tạm lánh khỏi những khói bụi, nắng nóng, tắc đường, ô nhiễm tiếng ồn ngày thường.
Với khoảng cách di chuyển ngắn, nông nghiệp đô thị sẽ giúp giảm thiểu, tối ưu hóa các chi phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tăng thêm khả năng tiếp cận các thực phẩm tươi ngon, tốt cho sức khỏe của cư dân đô thị. Song song đó, cư dân đô thị có thêm cơ hội tìm hiểu về dinh dưỡng, cách thức canh tác, hay tương tác với người trực tiếp làm ra sản phẩm nông nghiệp, tăng thêm sự gắn kết giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn.
- Vậy, làm thế nào để khai thác tối đa lợi thế phát triển nông nghiệp đô thị, thưa Bộ trưởng?
- Là nơi tập trung nhiều viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học…, Hà Nội có thể quan tâm đến việc tạo dựng và phát triển các trung tâm, dịch vụ về khoa học, thương mại, kinh tế nông nghiệp theo chuỗi ngành hàng, từ chế tạo máy móc nông nghiệp đến chế biến, đóng gói nông sản, xúc tiến phân phối, tiêu dùng…
Một số mô hình Hà Nội có thể nghiên cứu triển khai, như: “Trung tâm Đổi mới, sáng tạo và kết hợp thương mại, dịch vụ ngành hàng” là không gian bảo trợ và triển khai những ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp trong nông nghiệp; “Trung tâm Giáo dục nông nghiệp, hướng nghiệp nông nghiệp” là môi trường học tập và định hướng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; “Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường Vườn quốc gia” là nơi triển khai các hoạt động gắn kết cộng đồng, hòa mình với thiên nhiên, khơi gợi ý thức gìn giữ, bảo vệ môi trường xanh.
Cùng với đó, “Cụm liên kết ngành Nông - Công nghiệp” là tổ hợp bao gồm khu công nghiệp chế biến, doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu đầu vào, doanh nghiệp logistic, xuất khẩu, viện nghiên cứu nông nghiệp, trung tâm đào tạo nhân lực phục vụ nông nghiệp và chuỗi ngành hàng rất cần được chú ý.
Ngoài ra, phát triển “Mô hình bất động sản nông nghiệp” là tổ hợp bất động sản vừa có chức năng ở, vừa có chức năng sản xuất nông nghiệp đô thị quy mô gia đình; “Mô hình sàn giao dịch thị trường cho thuê đất” là cách tiếp cận của nhiều quốc gia để tận dụng đất nông nghiệp khi nhiều gia đình có nhu cầu cho thuê trong ngắn hạn để chuyển sang công việc khác.
Đồng thời, liên kết các hợp tác xã hướng đến các hợp tác xã quy mô lớn hơn, hình thành các Liên hiệp Hợp tác xã đa ngành: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hạ tầng logistics, bảo quản, chế biến, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp thông qua hình thành, liên kết với các chủ thể doanh nghiệp theo tinh thần Luật Hợp tác xã mới…
Bên cạnh đó, Hà Nội cần kết nối hành trình du lịch nông nghiệp - nông thôn một cách bài bản, đồng bộ. Hình thành các “điểm đến vệ tinh” gắn kết với các danh thắng của Thủ đô, nhằm giới thiệu, lan tỏa những điểm đến ở nông thôn, nhất là đối với khách du lịch quốc tế. Mỗi điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn cần có một câu chuyện cảm xúc, không chỉ giúp quảng bá, giới thiệu đến du khách, mà còn tạo động lực khơi dậy sự tự tin, lòng tự hào, tinh thần đoàn kết của cộng đồng.
- Mục tiêu cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Theo Bộ trưởng, vấn đề này cần được quan tâm như thế nào?
- Bên cạnh những điển hình sản xuất giỏi, thu nhập cao, chúng ta nên tìm kiếm, giới thiệu, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân và người dân nông thôn được cập nhật kiến thức, biết cách sử dụng điện thoại thông minh, tiếp cận thương mại điện tử, có tinh thần hợp tác, liên kết, chủ động tham gia vào tổ liên kết, hợp tác xã…
Xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân là quá trình diễn ra hằng ngày, hằng giờ ở nông thôn. Do đó, mỗi khi có dịp, chúng ta hãy về với nông thôn, về với người nông dân để hiểu hơn người dân, gắn bó với làng quê. Từ đó, có thể làm một điều gì đó cho nông thôn, cho bà con nông dân.
Dư địa của phát triển “tam nông” Hà Nội vẫn còn rất lớn, thành phố cần khai thác tiềm năng riêng có của mình trên cơ sở đổi mới tư duy. Bộ NN&PTNT sẽ đồng hành cùng Hà Nội kiến tạo những không gian phát triển mới mẻ hơn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn…
- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!