Những kết quả tích cực sau hơn 2 năm triển khai Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội

Chính trị - Ngày đăng : 06:04, 11/05/2023

(HNM) - Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU, với phương châm kiên quyết, kiên trì, liên tục, không ngừng, không nghỉ, Hà Nội đã huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Qua đó, góp phần giữ vững, ổn định an ninh chính trị và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tháng 3-2023. Ảnh: Nhật Nam

Kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ

Ngay sau Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, Thành ủy đã ban hành Chương trình số 10-CTr/TU, thành lập Ban Chỉ đạo; quán triệt, triển khai, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình đến các địa phương, đơn vị của thành phố. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) và Quy định số 67-QĐ/TƯ, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do đồng chí Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo. 

Ngay sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo đã ban hành Quy chế làm việc; chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng lớn, phức tạp; xây dựng, thực hiện 15 chuyên đề, đề tài tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra để phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh về tham nhũng, tiêu cực. 

Cùng với việc thành lập 2 đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU tại 12 đơn vị, địa phương; Ban Chỉ đạo đã giám sát công tác tổ chức thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của thành phố; kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU đối với 10 tổ chức Đảng, 10 đảng viên. Công tác tiếp nhận, xử lý đơn, thư cũng được chú trọng. Ban Chỉ đạo đã nhận được 306 đơn, thư của công dân; tham mưu chuyển 66 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. 

Về kết quả triển khai Chương trình số 10-CTr/TU, qua hơn 2 năm thực hiện chương trình đã góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các cơ quan, đơn vị đã tổ chức 3.208 cuộc tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với 81.448 lượt người tham gia. Thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng với 1.154 trường hợp.

Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng cũng đạt những kết quả nổi bật. Trong đó, các cấp ủy Đảng từ thành phố đến cơ sở đã tiến hành kiểm tra đối với 3.542 tổ chức Đảng, 992 đảng viên; giám sát đối với 2.212 tổ chức Đảng, 1.098 đảng viên.

Thành phố triển khai 691 cuộc thanh tra; đã kết luận 420 cuộc. Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi 50,593 tỷ đồng, kiến nghị xử lý 1.080m2 đất; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với 104 tập thể và 172 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 5 vụ án, 133 vụ việc có dấu hiệu phạm tội để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ, cơ quan điều tra Công an thành phố đã thụ lý 101 vụ/190 bị can; Viện Kiểm sát nhân dân thành phố thụ lý 61 vụ/139 bị can; Tòa án nhân dân thành phố thụ lý 84 vụ/267 bị cáo… 

Đáng chú ý, Thường trực Thành ủy, Ban Chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo xử lý 47 vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Toàn thành phố đã tiết kiệm, tiết giảm trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước là 14.085.730 triệu đồng; trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tiết kiệm được 2.253.229 triệu đồng; trong công tác quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp tiết kiệm được 1.159.716 triệu đồng… 

Ban Chỉ đạo Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy cho biết, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua luôn được Thành ủy Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, cấp bách; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, không ngừng, không nghỉ ở tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất của Đảng. Qua đó, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô...  

Trưởng ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quang Đức phát biểu tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tháng 3-2023. Ảnh: Nhật Nam

Kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí

Cũng theo Ban Chỉ đạo Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy, trong những năm tới, cùng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, hành vi tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi phức tạp, khó lường. Để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân, Ban Chỉ đạo sẽ tập trung triển khai 9 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, sẽ nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị. 

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô. 

Cùng với đó, sẽ xây dựng, hoàn thiện đồng bộ các quy định theo thẩm quyền thành phố về quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng”. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. 

Ban Chỉ đạo cũng sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc, vụ án tham nhũng; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. 

Song hành, sẽ tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng; tăng cường hiệu quả công tác phối hợp của cơ quan nội chính. Phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, các cơ quan truyền thông, báo chí và nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện tốt công tác bảo vệ người tố cáo tiêu cực, tham nhũng. 

Qua đó, tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực quyết liệt hơn, mạnh mẽ, hiệu quả hơn, nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an ninh trật tự để xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước. 

Hương Ly