Hà Nội với Trường Sa - trọn vẹn nghĩa tình nơi đầu sóng!
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời, thực hiện chủ trương của Thành ủy Hà Nội nhằm tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức về chiến lược biển, đảo, chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cho cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân Thủ đô, Hà Nội đã tổ chức nhiều chuyến tàu vượt sóng gió biển Đông, xoá nhoà khoảng cách ngàn trùng giữa Thủ đô và Trường Sa thân yêu.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời, thực hiện chủ trương của Thành ủy Hà Nội nhằm tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức về chiến lược biển, đảo, chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cho cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân Thủ đô, Hà Nội đã tổ chức nhiều chuyến tàu vượt sóng gió biển Đông, xoá nhoà khoảng cách ngàn trùng giữa Thủ đô và Trường Sa thân yêu.
Kể từ năm 2009 đến nay, Hà Nội đến với Trường Sa không chỉ có tình yêu, mà còn là trách nhiệm lớn của đất liền, của Thủ đô hướng về vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Năm nay, Đoàn công tác thành phố Hà Nội do đồng chí Nguyễn Quang Đức, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy làm Trưởng đoàn vừa hoàn thành chuyến thăm và làm việc với quân, dân quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Cũng như những chuyến công tác hằng năm của Thủ đô, tình cảm và ấn tượng các thành viên để lại trong quân, dân mỗi điểm đảo nơi tuyến đầu sóng gió đều vô cùng đặc biệt. Dù Hà Nội không có biển, không có sóng, nhưng mỗi con sóng dội vào Trường Sa thân yêu đều rung động đến trái tim mỗi người dân Thủ đô. Bởi với Trường Sa - vùng lãnh thổ thiêng liêng giữa trùng khơi của Tổ quốc, Hà Nội luôn trọn nghĩa, vẹn tình…
Trong gói hành trang Hà Nội vượt muôn trùng sóng gió mang đến dành tặng Trường Sa nhiều năm qua luôn có một món quà đặc biệt. Đó là những lá cờ Tổ quốc được làm cẩn thận, tinh tế từng chi tiết từ làng Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín. Nhìn Quốc kỳ kiêu hãnh giữa nắng gió Trường Sa, mỗi người đều đặc biệt cảm nhận được sự vĩ đại của Tổ quốc, dân tộc mình, sự hi sinh của lớp lớp thế hệ cha ông. Theo câu chuyện lá cờ Tổ quốc, chúng tôi cũng tìm đến một ngôi trường ở Hà Nội từ nhiều năm nay đã mời nghệ nhân làng nghề về dạy may cờ cho học sinh của mình. Để rồi từ đó, hàng ngàn lá cờ mang bao ân tình tuổi trẻ Thủ đô theo cánh sóng đến với Trường Sa và bà con ngư dân đang ngày đêm vươn khơi kiên cường bám biển…
“Đến với Trường Sa để thêm yêu Tổ quốc”, câu nói thật xác đáng. Sau hai lần được đến với Trường Sa, nếu có ai hỏi cảnh tượng nào đẹp đẽ và linh thiêng nhất, tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời: “Đó là hình ảnh lá cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay kiêu hãnh giữa biển Đông mênh mông, xanh thẳm”. Và cảm giác tự hào, xúc động nhất chính là khi dự lễ chào cờ trên đảo Trường Sa đầy nắng gió.
Đứng giữa biển trời bao la, mỗi người đều cảm nhận được sức mạnh mạch nguồn dân tộc, sự thiêng liêng của hồn Tổ quốc khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Biển Đông trong tiếng nhạc hào hùng.
Lá cờ Tổ quốc là biểu tượng quốc gia, là hồn thiêng sông núi. Nhìn Quốc kỳ tung bay kiêu hãnh trong nắng gió Trường Sa, mới thật thấm thía: Để bảo vệ được giang sơn này, cha ông ta đã đổ bao nhiêu mồ hôi, máu và nước mắt. Cho đến hôm nay, giữa thời bình, những người lính Trường Sa vẫn đang thầm lặng hi sinh, hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.
Đứng giữa biển trời bao la, mỗi người đều cảm nhận được sức mạnh mạch nguồn dân tộc, sự thiêng liêng của hồn Tổ quốc khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Biển Đông trong tiếng nhạc hào hùng. Trong khoảnh khắc trang nghiêm và xúc động ấy, những lời thề danh dự nghe càng thấm thía, hằn sâu vào trái tim mỗi người, như lời tự hứa với chính lòng mình luôn rèn luyện ý chí chiến đấu kiên quyết và bền bỉ, thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao khổ hạnh cũng không sờn lòng, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”; cương quyết một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng, luôn gây lòng tin cậy, yêu mến của nhân dân, thực hiện quân với dân một ý chí… Và lúc đó, lá Quốc kỳ kiêu hãnh chứng kiến cho ý chí, tinh thần thép, quyết tâm, đoàn kết, quân dân một lòng, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ độc lập, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Với bà con ngư dân, trong mỗi chuyến đi biển, những lá Quốc kỳ là hành trang không thể thiếu. Nhìn thấy lá cờ Tổ quốc bay kiêu hãnh trong gió Biển Đông, những “cột mốc sống” gìn giữ chủ quyền cảm thấy mình không đơn độc giữa trùng khơi. Với họ, lá cờ đỏ sao vàng trên nền biển xanh chính là Tổ quốc, ở đâu có cờ đỏ sao vàng, ở đó là Tổ quốc. Hay nói một cách hào hùng, đậm chất sử thi như nhà thơ Xuân Diệu:
Sao vẫn sáng, máu xây nền vẫn đỏ!
Cờ là đó. Việt Nam này vẫn đó.
--- (Ngọn Quốc kỳ) ---
Còn với những người đất liền ra thăm đảo, giữa biển khơi mênh mông, nhìn những con tàu của bà con ngư dân với lá cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay trước gió, lòng luôn trào dâng tình cảm thân thương dù chưa hề quen biết. Và còn điều gì tuyệt vời hơn khi biểu tượng thiêng liêng, quy tụ hồn thiêng núi sông ngàn năm lại được tạo ra từ những đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân Hà Nội, được lớp lớp thế hệ trẻ cả nước và Thủ đô nâng niu, gìn giữ…
Nhận những lá cờ Tổ quốc được gói ghém kỹ càng từ những người thợ làng Từ Vân mà Trưởng đoàn công tác Hà Nội Nguyễn Quang Đức trao tặng, Thượng tá Phạm Thế Nhương - Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa xúc động nói: Đảo Trường Sa ngoài vị trí chiến lược còn là đảo “đông vui” bậc nhất vì có âu tàu, có làng chài để ngư dân vào tránh trú bão, có các hộ dân sinh sống. Tàu ngư dân qua lại đảo để sửa chữa được miễn phí công sửa, được tặng nước ngọt và nhất là tặng Quốc kỳ, vì nắng gió của biển thường làm Quốc kỳ nhanh rách, bạc màu. Lá cờ lớn trên đảo ngày qua ngày tung bay kiêu hãnh cũng chính là điểm tựa tinh thần, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí kiên cường không chịu khuất phục trước mọi khó khăn của cán bộ, chiến sĩ. Vì vậy, với Trường Sa, món quà từ đất liền là những lá Quốc kỳ luôn được mong đợi nhất…
Chung tình yêu đó, ngay sau khi kết thúc chuyến công tác, chúng tôi tìm về làng Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín - cái nôi của nghề may cờ Tổ quốc. Từ hàng trăm nghìn lá cờ đỏ sao vàng được người Từ Vân thêu may tung bay trong rừng cờ mừng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đọc bản Tuyên ngôn lịch sử, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, cho đến hôm nay, lá cờ Tổ quốc qua bàn tay nghệ nhân của làng vẫn đang tung bay trên khắp mọi miền của Tổ quốc, từ cột cờ Lũng Cú đến đảo chìm, đảo nổi Trường Sa, từ phố phường đến làng quê; từ biển khơi đến đồng bằng, khơi dậy trong lòng mỗi chúng ta hai tiếng Việt Nam đầy tự hào. Và, đó cũng chính là niềm tự hào riêng của những người dân làng Từ Vân.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thường Tín Tạ Hữu Thọ - thành viên Đoàn công tác Hà Nội ra thăm Trường Sa năm 2023 không giấu được niềm tự hào khi giới thiệu về làng may cờ Tổ quốc Từ Vân. Điều mà ông Tạ Hữu Thọ tâm đắc nhất là sau những thời điểm khó khăn của nghề may thêu, ngày càng có nhiều người dân quay lại với nghề truyền thống và sống được với nghề, có thu nhập ổn định, tạo công ăn việc làm cho con em cũng như phát triển kinh tế địa phương.
Với nghề may cờ Tổ quốc, không chỉ là sinh kế, người Từ Vân còn coi đó như một vinh dự không dễ có mà nhiều cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể trên khắp đất nước và cả bà con kiều bào ở nước ngoài tin tưởng, gửi gắm đặt mua cờ. Chính vì vậy, khi nghe tin Đoàn Hà Nội chuẩn bị cờ Tổ quốc mang tặng Trường Sa, ngoài số lượng đoàn đặt mua, các nghệ nhân cũng dành tặng những lá cờ đẹp nhất gửi Trường Sa.
Với nghề may cờ Tổ quốc, không chỉ là sinh kế, còn là một vinh dự, được nhiều cơ quan, tổ chức trên khắp đất nước và cả bà con kiều bào ở nước ngoài tin tưởng, gửi gắm.
Đến thăm cơ sở may cờ Tổ quốc của gia đình anh Nguyễn Văn Phục, chúng tôi ngạc nhiên vì vừa qua dịp kỷ niệm lớn của đất nước - Ngày Giải phóng miền Nam (30-4), xưởng may vẫn tấp nập người làm. Như đọc được thắc mắc của chúng tôi, anh Phục chia sẻ: “Thời gian trước, làng nghề Từ Vân chỉ đông vui vào dịp Tết Độc lập 2-9, Tết Thống nhất 30-4 hay Tết Nguyên đán. Nhưng nay thì chúng tôi bận việc quanh năm. Những người làm tại xưởng chỉ là công đoạn đầu, như cắt cờ, in cờ lên vải…, còn các công đoạn hoàn thiện đều được bà con đến lấy hàng mang về nhà làm. Chúng tôi yêu nghề và sống được bằng nghề nên số lượng người may cờ trong làng ngày một tăng”.
Nói đến những lá cờ Tổ quốc tung bay trên quần đảo Trường Sa, trên những con thuyền đánh cá của ngư dân như những “cột mốc sống” giữa biển khơi, giọng anh Phục hào hứng, sôi nổi hẳn lên. Chia sẻ bí quyết để có lá cờ đẹp, đúng quy chuẩn, anh Phục cho biết, lá cờ quan trọng nhất là ngôi sao vàng năm cánh. Dán, thêu ngôi sao vàng là cả một nghệ thuật, phải làm sao để sóng gió cỡ nào thì đỉnh ngôi sao luôn phía trên, không bị gãy, khuôn sắc nét, vàng óng nổi bật trên nền vải đỏ tươi.
Đưa cho chúng tôi xem một cuộn dây màu đỏ khá mỏng nhưng chắc chắn, anh Phục nói, đó là “độc bản” chỉ dành cho việc may cờ mang ra Trường Sa. Đó là những cuộn dây gia cường may chìm dưới lớp vải đỏ, vừa không mất thẩm mỹ, vừa giúp lá cờ bền, không bị rách dù gió lớn đến đâu. Rất nhiều người không biết vì sao cờ từ xưởng của anh Phục lại bền hơn rất nhiều, gió giật không tung, không rách - bí quyết nằm ở cuộn dây này.
Yêu nghề và luôn muốn được truyền lại nghề may cờ Tổ quốc cho các thế hệ sau, câu chuyện của anh Phục dẫn chúng tôi đến một ngôi trường ở Thủ đô, nhiều năm nay thầy và trò tự may hàng ngàn lá cờ tặng Trường Sa và bà con ngư dân. Đó là thầy và trò Trường THPT Lê Lợi, quận Hà Đông.
Tìm đến đây, tôi được thầy giáo Lương Anh Dũng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường đã nhiều lần nhờ nghệ nhân về trường trực tiếp dạy học sinh may cờ để tặng lực lượng cảnh sát biển mang ra Trường Sa. Lần đầu tiên là năm 2014 với 300 lá cờ và lần gần nhất là tháng 10-2022, với 1.500 lá cờ, đều do các học sinh tự may. Năm 2023, vào dịp nghỉ hè, nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức hoạt động này, dự kiến, các học sinh của trường sẽ may khoảng 3.000 lá cờ để tặng Trường Sa. Và ngày tặng cờ Tổ quốc gửi đến Trường Sa luôn là ngày hội lớn của hơn 1.000 học sinh, chứ không chỉ là một trong những nội dung giáo dục truyền thống quan trọng của nhà trường mỗi năm học.
Nhưng tình yêu Trường Sa của thầy và trò Trường THPT Lê Lợi không chỉ dừng lại ở đó. Tôi đã khá bất ngờ khi nhìn thấy mỗi tấm biển đề tên lớp của các em có hình ảnh cột mốc chủ quyền Trường Sa thiêng liêng và tên các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Những cái tên thân thương Cô Lin, Len Đao, Song Tử Tây, Đá Thị, Núi Le, An Bang, Đá Đông… sẽ luôn cùng các em đứng đầu hàng mỗi lớp vào sáng thứ hai chào cờ hằng tuần, cũng như những sự kiện quan trọng khác của năm học. Và để kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam năm vừa qua (22-12-2022) theo một cách rất riêng, thầy và trò nhà trường đã tổ chức “Cuộc thi hùng biện về biển đảo Trường Sa thân yêu”, trong đó, bài hùng biện của em Lê Diệu Linh, lớp 12A2, về đảo An Bang đã đoạt giải Nhất. Nối tiếp những tình cảm thân thương dành cho biển đảo, mỗi lớp học được đại diện cho một hòn đảo xa xôi, và hòn đảo của 12A2 chính là đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa.
Với những bài học sinh động, thú vị và gần gũi của thầy và trò Trường THPT Lê Lợi, tình yêu, niềm tự hào với lá cờ Tổ quốc, chủ quyền biển đảo sẽ luôn rực cháy trong trái tim mỗi học sinh, khơi dậy trong mỗi người trẻ tuổi ý thức trách nhiệm với Trường Sa. Không dừng ở những bài học trong sách vở, tình yêu Trường Sa luôn được các thế hệ vun bồi từ chính những chuyến tàu nặng nghĩa nặng tình “luôn cố gắng mang đến Trường Sa những gì đất liền đang có”.
“Trong một giọt nước rơi lóng lánh có cả câu chuyện của vầng thái dương; trong một miếng ăn cũng thấy rộng ra được những điều cao cả, yên vui trên đất nước bao la giàu có tươi đẹp”. Khi nhà văn Nguyễn Tuân ngồi viết những dòng tuyệt đẹp này trong tùy bút “Phở”, hẳn ông chưa từng nghĩ đến một ngày, nét văn hóa ẩm thực đặc sắc này đã vượt muôn trùng sóng gió để đến với những người lính nơi đảo xa bởi những người con Hà Nội yêu Trường Sa - phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.
Hải trình đến với Trường Sa năm nay của Đoàn công tác Hà Nội là chuyến thăm thường lệ được Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô tổ chức hằng năm đến Trường Sa thân yêu. Năm nào cũng vậy, Hà Nội luôn mang đến Trường Sa những món quà đặc biệt đậm bản sắc, hương vị truyền thống, nét văn hóa, tinh hoa của Hà Nội; thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân Thủ đô luôn hướng về cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ở huyện đảo Trường Sa với trách nhiệm, tình cảm sâu sắc, thương yêu đặc biệt.
Chuyến đi năm nay, bên cạnh những món quà đặc biệt đó, còn có 1.500 suất phở cùng một kế hoạch tỉ mỉ, chi tiết nhất có thể để vượt muôn trùng sóng gió đến với quân và dân Song Tử Tây, Đá Thị, Đá Đông B, Sinh Tồn Đông, Nhà giàn DK1/8 Quế Đường và đảo Trường Sa - những điểm Đoàn công tác Hà Nội đến thăm theo lịch trình.
Tình nguyện nhận nhiệm vụ đặc biệt này là doanh nhân Vũ Ngọc Vượng - Công ty Đầu tư Thương mại Dịch vụ Ngọc Vượng. Sinh ra ở Nam Định, anh là truyền nhân đời thứ 5 một dòng họ nấu phở bò có tiếng của đất thành Nam xưa, nay đã xây dựng được chuỗi cửa hàng của mình ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trên các con phố sầm uất bậc nhất.
Yêu Trường Sa, yêu và thương lính đảo có lẽ là cơ duyên lớn nhất đưa Vũ Ngọc Vượng và phở của anh đến với Trường Sa. Anh vẫn nói, cảm xúc với Trường Sa, với lính đảo là không bao giờ đủ. Và ở đâu có hương vị phở, ở đó có sự hiện diện của ẩm thực Hà Nội, ẩm thực Việt Nam. Bởi vậy, anh luôn mong muốn được mang phở đến với Trường Sa.
Chuyến đi này, con tàu KN-490 đưa đoàn Hà Nội đến Trường Sa xuất phát từ Cam Ranh là một bất lợi lớn cho Vũ Ngọc Vượng trong việc chuẩn bị nguồn nguyên liệu. Vì nếu xuất phát từ cảng Cát Lái (thành phố Hồ Chí Minh), anh sẽ chủ động hơn với việc lấy thịt bò ở đâu ngon, ninh nước xương cất giữ thế nào để bảo đảm độ tươi ngon, bảo quản bánh phở, gia vị ra sao… Sau một hồi bàn bạc với lãnh đạo đoàn công tác, Vượng quyết định mang bánh phở tươi bằng xe ô tô đông lạnh từ cơ sở sản xuất của gia đình tại Hà Nội vào Cam Ranh, cùng nhiều sản vật của Hà Nội như rau quả tươi, bánh chưng, chả cốm, chả vịt… Thịt bò và gia vị sẽ mua tại Cam Ranh và chế biến sẵn, đóng gói đông lạnh trước khi đưa lên tàu. Hai đêm ở Cam Ranh là hai đêm anh hầu như không ngủ để hoàn tất các khâu chuẩn bị. Đến ngày lên tàu, hàng trăm kg bánh phở tươi trong hành trình từ Hà Nội vào không đạt tiêu chuẩn như mong muốn: Bánh vẫn tươi nhưng khi nhúng vào nước sôi lại hơi nát. Vượng không nao núng bởi đã có phương án dự phòng bằng bánh phở khô cũng do anh tự sản xuất. Nói đến thịt bò, do mua tại cơ sở chưa quen, hơn 1 tạ thịt sau khi chế biến cũng không đạt chất lượng theo "chuẩn" của anh, thế là anh quyết định chỉ chế biến món phở tái chín và tái nạm để bảo đảm bát phở Trường Sa sẽ tươi ngon, đúng vị như ở Hà Nội.
“Của một đồng nhưng công một nén”, xương bò ninh đúng chuẩn, đợi nguội, đóng vào từng túi nilông chuyên dụng, cấp đông ngay, sau đó được chuyên chở thẳng đến khoang đông lạnh của tàu, chờ ngày cập đảo..
Trong hành trang của anh Vượng khi xuống tàu KN-490 cũng như khi đến các điểm đảo, quý nhất là bộ dao thái, lúc nào cũng khư khư bên mình. Chuyến xuồng đầu tiên khi lên đảo cũng là của Vượng “phở” với lỉnh kỉnh đồ nghề, nguyên liệu rồi mới đến anh em phóng viên và đội văn nghệ xung kích. Dù đã “hiệp đồng tác chiến” kỹ càng với anh em trên đảo, việc đầu tiên của Vượng khi xuồng cập đảo là ôm túi nguyên liệu lao ngay đi tìm bếp. Vui là đi đến đâu, anh em chiến sĩ cũng hỗ trợ hào hứng, nhiệt tình. Từ nổi lửa, đun nước sôi, lựa gia vị, sắp sẵn bát đũa… Mọi thứ cứ rộn ràng như nhà có cỗ.
Tại khu bếp ngăn nắp trên đảo Song Tử Tây, anh lính trẻ Lê Đại Tiến, quê ở Hà Tĩnh, tay vừa thoăn thoắt thái ớt tươi, vừa hào hứng chia sẻ: “Em ra đảo được một năm rồi, nhớ phở Hà Nội lắm. Trước đây, em học 4 năm đại học ở Hà Nội, sáng nào cũng thích ăn phở, nhất là phở bò tái chín ở một quán trên đường Nguyễn Trãi. Hôm nay vui quá, phở làm em nhớ Hà Nội, nhớ bao bạn bè…”.
Mỗi đảo có một kiểu nấu nướng riêng, khu vực nấu nướng cũng không rộng rãi, có nơi chỉ đủ 1 người đứng, nhưng Vượng vẫn cứ thoăn thoắt như ở gian bếp quen thuộc. Có anh lính trẻ lần đầu nhìn thấy “thợ” Hà Nội vào nấu phở, vừa lựa bát đũa vừa ngấp ngó nhìn, tủm tỉm cười…
Mà ăn phở ở Trường Sa lạ lắm. Vẫn là bát sẵn bánh, xếp thịt, hành và chan vào muôi nước còn sôi sùng sục từ bếp. Nhưng ở Trường Sa, không phải cái bát sành, bát sứ như thường thấy, mà là cả một tô bằng inox, đủ cho 6 người ăn. Chiến sĩ ngồi sẵn ở bàn đợi, háo hức ngó vào bếp. Cảnh tượng đáng yêu ấy làm tôi nhớ đến bài thơ Nước non ngàn dặm của nhà thơ Tố Hữu:
“Mấy chàng lính trẻ măng tơ
Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi”...
Phở Hà Nội ngon quá, lần đầu tiên em được ăn, mà lại là ăn ở đảo thế này, vui quá…
Không để các chàng lính trẻ phải đợi lâu, Vượng nhễ nhại mồ hôi bưng ra từng tô sắt to đùng bốc hơi nghi ngút. Và sau đó, như tiệc của lính đảo, phở được lấy ra từng bát ăn cơm nhỏ, chan đủ nước, thịt, hành hoa và đầy đủ chanh, ớt tươi. Những ánh mắt lấp lánh, những gương mặt lính trẻ măng lấm tấm mồ hôi… - hình ảnh sống động, đáng yêu của một bữa ăn tôi chưa từng thấy ở đâu. Bữa ăn chiều trên đảo Trường Sa có phở Hà Nội, binh nhất Nguyễn Tá Tuấn, quê ở Hoằng Hoá (Thanh Hoá), ăn liền ba bát. Lau mồ hôi, Tuấn cười: “Em ra đảo được 9 tháng rồi. Phở Hà Nội ngon quá, lần đầu tiên em được ăn, mà lại là ăn ở đảo thế này, vui quá…”.
Chia sẻ với niềm vui của các chàng lính trẻ, ông Nguyễn Văn Doanh - Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam - một thành viên trên tàu KN-490 cũng hào hứng: “Thật đặc biệt khi ở tận nơi muôn trùng sóng gió Trường Sa vẫn được ăn phở Hà Nội. Mà hương vị của phở vẫn nguyên vẹn như ở đất liền, không hề có sự khác biệt khiến ở giữa biển mà có cảm giác như Hà Nội rất gần. Niềm vui này đến từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu của người nấu, nhưng không thể không nói đến ý tưởng thú vị, bất ngờ và sự hỗ trợ nhiệt thành từ lãnh đạo đoàn Hà Nội. Bởi mang được món ăn đậm hương vị Hà Nội ra đến Trường Sa đã là điều đặc biệt, đặc biệt hơn nữa là các chiến sĩ đang tuổi “bẻ gãy sừng trâu” được ăn theo nhu cầu, chứng tỏ Hà Nội đã chuẩn bị vô cùng chu đáo…”.
Điều tiếc nuối nhất của Vũ Ngọc Vượng và cộng sự cũng như Đoàn công tác có lẽ là không thể nấu phở trên Nhà giàn DK1/8 Quế Đường. Đêm trước ngày lên nhà giàn, biển động, sóng lớn, tàu chòng chành như đưa võng. Vượng và mấy anh em “xung kích”, trong đó có cả lãnh đạo đoàn Hà Nội, bảo nhau quyết tâm lên nhà giàn cho bằng được. Sáng hôm sau, hai xuồng đã xuống biển, nhưng vật lộn hàng giờ đồng hồ cùng thịt bò, bánh phở, hành hoa…, anh em vẫn không thể tiếp cận DK1/8 Quế Đường. Nhìn các chiến sĩ mặc áo phao đứng ngóng đoàn mà thương đến thắt lòng. Tất cả đành quay trở lại Đài chỉ huy, hát, trò chuyện với các anh qua bộ đàm. Nhiều cô ca sĩ vừa hát vừa khóc khiến nhiều người lặng lẽ rơi nước mắt…
Hải trình Trường Sa của Đoàn công tác Hà Nội trên tàu KN-490 tháng 4-2023 đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt trong lòng mỗi cán bộ chiến sĩ, đồng bào nơi đoàn đến thăm. Nhưng điều đọng lại tuyệt vời nhất là cảm giác gần gũi, ấm cúng như những người thân lâu ngày gặp lại, cùng nhau thưởng thức hương vị phở Hà Nội ngay giữa muôn trùng sóng nước. Khoảng khắc ấy, ai cũng thấy Hà Nội - Trường Sa thật gần…
Nhưng quà đến với Trường Sa đâu chỉ có phở Hà Nội. Món quà vô giá nằm chính trong mỗi trái tim người Thủ đô yêu Trường Sa “ không cần trước sau”, vô điều kiện, không tính toán. Bởi đó là những “mệnh lệnh từ trái tim”…
Chuyến công tác của 91 thành viên Đoàn Hà Nội thăm, làm việc tại huyện đảo Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 tháng 4-2023 đã hoàn thành. Dẫu vẫn còn không ít tiếc nuối, nhưng thêm một lần nữa, khoảng cách địa lý ngàn trùng sóng gió từ Thủ đô đến phần biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đã được xóa nhòa. Không chỉ từ những món quà Hà Nội đã dành vun đắp cho Trường Sa liên tục 13 năm qua, mà còn từ những tấm lòng giản dị, chân thành, gom góp những điều nhỏ bé vì một Trường Sa mạnh mẽ, vững vàng trước sóng gió.
Trước chuyến đi khoảng chục ngày là quãng thời gian tất bật nhất của lãnh đạo Đoàn công tác và Tổ giúp việc. Ngay sau khi có quyết định của Thành ủy Hà Nội cử Đoàn cán bộ thành phố Hà Nội đi thăm, động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 năm 2023, lãnh đạo Đoàn đã chủ động liên hệ làm việc với Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tại Hải Phòng cũng như các bộ phận liên quan. Tiếp theo là kết nối với các đảo, điểm đảo Đoàn sẽ tới thăm theo lịch trình, chuẩn bị những món quà thiết thực nhất cho các trường học, ngôi chùa, bếp ăn, phòng làm việc, học tập cho đến phòng ở của lính đảo. Đó là máy lọc nước, tủ cấp đông, tivi, máy tính, máy chiếu, quạt sạc điện, rồi bánh chưng, giò chả Ước Lễ, chả cốm, chả vịt, hoa quả ngon…
Nói như lãnh đạo Đoàn công tác là “Hà Nội có sản vật gì ngon, sẽ cố gắng mang đến Trường Sa”. Tất cả sau đó được tập kết, vận chuyển trên xe container đi xuyên đêm để đến đúng giờ tàu KN-490 rời cảng Cam Ranh. Và cũng từ tinh thần san sẻ đầy yêu thương này, hàng ngàn suất phở Hà Nội đã đến được Trường Sa, mang niềm vui bất ngờ, thú vị cho những chàng lính đảo, mà trong số đó có không ít người chưa từng một lần đến Thủ đô, chưa từng được thưởng thức hương vị phở Hà Nội…
Ngoài những món quà chung đó, trong hành trang của mỗi thành viên Đoàn công tác đều có những món quà của riêng mình dành tặng lính đảo. Đó là những tờ báo mang hơi ấm phố phường Hà Nội, là bộ sách kể những câu chuyện nhân văn sâu sắc, cảm động về tình người, tình đời, bồi đắp lý tưởng sống cao cả, hun đúc thêm lòng dũng cảm, tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm gia đình… Đó là những lá thư, tranh vẽ gửi gắm bao tình cảm yêu thương của các bạn nhỏ Thủ đô đến các chú bộ đội Trường Sa.
Tôi đã chứng kiến các chiến sĩ trẻ đảo Song Tử Tây ngồi dưới tán cây bàng vuông giữa buổi trưa nắng rát, nâng niu từng lá thư của các bạn nhỏ, đọc say sưa như nhận được thư nhà. Nhóm chiến sĩ ấy hầu hết sinh năm 2003, lứa tuổi vừa tốt nghiệp THPT là viết đơn tình nguyện ra Trường Sa, nhiều người lần đầu tiên sống xa gia đình, nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền vẫn theo vào từng giấc ngủ:
“Tuổi hai mươi chưa từng hò hẹn
Trong đêm mơ vẫn gọi mẹ ơi!”
------- (Nguyễn Thế Kỷ) ------
Trong chuyến đi này, tôi cũng chứng kiến nhiều việc không nằm trong kế hoạch mà hoàn toàn theo “mệnh lệnh trái tim”. Đó là đầu buổi làm việc tại đảo Sinh Tồn Đông, chị Thu Hương, phóng viên Báo Hải quân, người đã đến Trường Sa lần thứ 5, kể cho tôi nghe chuyện gia đình Trung tá Nguyễn Kỳ Hợp, Chính trị viên của đảo. Trung tá Hợp quê ở Hà Tĩnh, có hai con còn nhỏ bị bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn tình nguyện xin ra đảo công tác, đến nay đã được tròn một năm. Vợ anh ở quê nhà cũng vừa trải qua ca phẫu thuật tim ngày 10-4-2023, sức khỏe chưa thật ổn định.
Buổi làm việc với Đoàn công tác, Trung tá Nguyễn Kỳ Hợp thay mặt chỉ huy đảo báo cáo về nhiệm vụ và những hoạt động của đảo Sinh Tồn Đông trong năm qua. Kết thúc nội dung báo cáo, chính anh cũng bất ngờ khi được đề nghị nán lại một chút để đồng chí Trưởng đoàn Hà Nội có đôi lời chia sẻ.
Thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Quang Đức đã trao quà và động viên Trung tá Hợp vững tâm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khuôn mặt rắn rỏi, rám nắng của Trung tá Hợp thoáng bối rối, xúc động trước tình cảm của Đoàn công tác Hà Nội dành cho cá nhân mình, anh lặng người trong giây lát rồi ôm chặt lấy vai đồng chí Nguyễn Quang Đức. Cái ôm thân tình của đồng chí Trưởng đoàn Hà Nội với Trung tá Hợp như lời động viên, khích lệ của người anh trong gia đình gặp lại em trai nơi tiền tuyến khiến cả hội trường lặng đi, rưng rưng xúc động… Cũng có người bất ngờ vì ngay cả ở đảo Sinh Tồn Đông, không phải ai cũng biết hết về hoàn cảnh gia đình đồng chí Chính trị viên.
Lần thứ 2 đến với Trường Sa, “mệnh lệnh từ trái tim” cũng giúp tôi có một trải nghiệm đặc biệt. Những ngày di chuyển trên vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tàu KN-490 thỉnh thoảng lại gặp tàu vận tải, tàu trực. Như gặp lại người thân lâu ngày xa cách, mỗi con tàu đều kéo lên những hồi còi mừng rỡ chào KN-490. Đại diện Đoàn Hà Nội sau đó đều đi xuồng đến trực tiếp thăm hỏi, tặng quà, động viên những người lính hải quân đang thực thi nhiệm vụ trên biển.
Trong suốt hải trình của KN-490, đại diện Đoàn đã tặng quà cho 4 tàu kiểm ngư và một tàu vận tải. Buổi sáng 24-4, sau khi thăm đảo Đá Thị trở về, chúng tôi nhận ra tàu KN-417 đang ở gần khu vực neo tàu KN-490. Dù đã thấm mệt nhưng lãnh đạo Đoàn lập tức chuẩn bị quà, xuồng, tôi cũng xin phép được đi theo. Mấy đồng chí thuộc Quân chủng Hải quân trên KN-490 đều khuyên nên để nhà báo nam đi, vì sóng lớn, tàu nhỏ rất dễ say sóng, phụ nữ đi sẽ rất vất vả. Thấy tôi quyết tâm, cuối cùng các anh đành đồng ý.
Trong suốt hải trình, mỗi thành viên Đoàn công tác dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn cố gắng tìm mọi cách để đến được gần hơn những người lính đang ngày đêm thực thi nhiệm vụ cao cả nơi vùng biển đảo thiêng liêng này. Như đêm 25-4, biển bắt đầu động, trong bữa ăn tối muộn trên KN-490, tôi nghe lãnh đạo Đoàn và mấy anh em bàn nhau, sáng mai dù thế nào cũng cố gắng lên Nhà giàn DK1/8 Quế Đường động viên và nấu phở cho anh em lính.
6h sáng, chưa nghe tiếng loa gọi, tôi có mặt ở cầu tàu đã thấy đông phóng viên đứng đợi xuống xuồng. Nhìn về phía Nhà giàn, tôi phát hiện đã có hai xuồng dập dờn trên sóng lớn, đó là xuồng chở đồ nấu phở và quà cùng nhóm anh em hô “quyết tâm” đêm qua. Nhưng đã qua tiếng rưỡi vật lộn với sóng, dù tìm đủ mọi cách, các anh vẫn không thể cập Nhà giàn. Tình huống nguy hiểm, không có lệnh, nhóm phóng viên vẫn chỉ biết đứng đợi. Cô phóng viên Lệ Cẩm của Đài PTTH Hà Nội người lọt thỏm trong cái áo phao cứu hộ, đã tự lúc nào đứng ở điểm cuối cầu tàu nài nỉ các chiến sĩ Tổ xuồng: “Cho em xuống với, chỉ cần nhìn thấy Nhà giàn và ghi được hình ảnh các anh ấy đứng đợi là em lên ngay. Em không sợ sóng...”.
Quân lệnh như sơn, sau đó, đích thân Thủ trưởng Đoàn công tác, Chuẩn đô đốc Hoàng Hồng Hà, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân xuống xuồng kiểm tra, khảo sát tình hình cấp sóng, gió và điều kiện bảo đảm cho công tác vận chuyển quà tặng hàng hóa và an toàn cho các thành viên Đoàn công tác khi lên thăm Nhà giàn. Ngay sau đó, đồng chí Chuẩn đô đốc dày dạn kinh nghiệm đã quyết định toàn Đoàn sẽ giao lưu với cán bộ chiến sĩ nhà giàn qua bộ đàm tại Đài chỉ huy. Qua hệ thống điện đàm, Thiếu tá Trần Ngọc Sơn, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/8, thay mặt cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn, khẳng định luôn sẵn sàng chiến đấu, hi sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo và độc lập, tự do của Tổ quốc. Tuyệt đối không để Tổ quốc bị động, bất ngờ trong mọi tình huống…
Trong khoảnh khắc của sự tiếc nuối, yêu thương, chúng tôi đều cảm thấy đã đến rất gần anh em chiến sĩ Nhà giàn DK1/8 Quế Đường. Không còn khoảng cách nào, không có con sóng nào, dù lớn đến đâu, có thể ngăn trở được tình đồng chí, nghĩa đồng bào ở giây phút đặc biệt ấy.
Nhà giàn DK1 đã là điểm đến cùng cuối trong hải trình Trường Sa của Đoàn công tác nhưng những cảm xúc của chuyến đi này lại là điểm mở đầu cho những mối nhân duyên đẹp đẽ khác…
Ngọt đắng Quế Đường
Biển sáng nay vẫn xanh vời vợi
Em chỉ cách anh một ánh nhìn
Những con sóng đập mạn tàu không ngớt
Khiến vòng tay chưa thể nối liền.
Quế Đường đó hiên ngang nơi sóng gió
Điểm tựa giữa trùng khơi, Tổ quốc anh linh.
Em không thể gần anh thêm chút nữa,
Nhưng vẫn thấy anh trong trái tim mình.
Trái tim em, trái tim triệu đồng bào
Hướng về anh như hướng về Tổ quốc.
Chào anh nhé, đất liền chào anh nhé!
Mình vẫn bên nhau dù lớp lớp sóng cồn.
Em nghe rõ tiếng anh, cũng rõ tiếng lòng mình
Những giọt nước mắt đã rơi trong hạnh phúc.
Anh ở lại vững tin, em về vững bước.
Đất nước mình mãi trường tồn như biển mãi màu xanh.
Sáng 26-4-2023, biển động, sóng lớn, sau hàng tiếng đồng hồ vật lộn với sóng gió, xuồng không thể tiếp cập Nhà giàn DK1/8 Quế Đường. Tất cả thành viên tàu KN-490 đành tập trung ở Đài chỉ huy để trò chuyện với các cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn qua bộ đàm. Trong giây phút xúc động đó, phóng viên Báo Hànộimới Văn Ngọc Thủy đã sáng tác bài thơ Ngọt đắng Quế Đường. Bài thơ ngay sau đó được tác giả đọc trực tiếp trên bộ đàm chia sẻ với các cán bộ chiến sĩ. Đây cũng là tác phẩm đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật trên tàu KN-490 và đã được nhạc sĩ Lê Việt Quân phổ nhạc...
Hải trình của Đoàn công tác Hà Nội năm 2023 đến với Trường Sa đã kết thúc nhưng nhiều mối nhân duyên mới lại bắt đầu. Bởi với Trường Sa, với những vất vả, hi sinh, mất mát của những người lính đã và đang gìn giữ vùng biển đảo thiêng liêng này, cả dân tộc vẫn luôn khắc ghi, trân trọng. Và mỗi người con Thủ đô đều tự ý thức được tình yêu và trách nhiệm của mình với Trường Sa thân yêu, như mạch nguồn chảy mãi, hết thế hệ này đến thế hệ khác…
Một chiều đầu tháng 5, ngay sau khi hoàn thành chuyến công tác Trường Sa trở về, tôi và một vài anh chị em của Đoàn công tác Hà Nội đã đến Bệnh viện Nhi trung ương thăm cháu Nguyễn Minh Quân, con trai út của Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân.
Mới 4 tháng tuổi nhưng đây là lần thứ hai Minh Quân phải rời nhà cùng mẹ và bà khăn gói vào Bệnh viện Nhi trung ương để phẫu thuật vì căn bệnh nhiễm trùng rốn, hiện sức khỏe cháu đã tạm ổn định. Đại diện Đoàn công tác đã thăm hỏi, tặng quà cháu Minh Quân cũng như đề nghị lãnh đạo bệnh viện quan tâm để bố cháu yên tâm công tác.
Chỉ về thăm con được một lần khi con mới chào đời, cả hai lần con nhập viện dài ngày, bố đều bận làm nhiệm vụ, không thể chăm sóc. Thiếu tá Xuân hiện là Trợ lý tác chiến thuộc Phòng Tham mưu, Vùng 4 Hải quân, và như một nhân duyên tốt lành, anh có mặt trên chuyến tàu KN-490 đồng hành cùng Đoàn công tác Hà Nội.
Câu chuyện bắt đầu từ một buổi giao lưu với anh em Tổ xuồng, Tổ lái tàu sau giờ thăm đảo và hết ca trực, trong cuộc gặp gỡ đó, vô tình chúng tôi biết Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân chính là con trai út của Liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong - người đã hi sinh cùng đồng đội khi chiến đấu anh dũng trong trận hải chiến Gạc Ma ngày 14-3-1988.
Thời điểm hy sinh, Thượng úy Nguyễn Mậu Phong - Trung đội trưởng, thuộc Lữ đoàn 146 Hải quân đã được cơ cấu làm Đảo trưởng đảo Gạc Ma, mới 29 tuổi. Còn anh Xuân lúc đó mới 3 tháng tuổi, nhỏ yếu vì sinh thiếu tháng. Mẹ anh Xuân khi đó mới 28 tuổi đã rất vất vả chăm hai anh em Xuân ở quê nhà tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Cũng từ đó, bà không nghĩ đến hạnh phúc riêng mà tần tảo nuôi hai con khôn lớn, trưởng thành.
Anh Xuân nói, từ bé, hai anh em được nghe bà, mẹ và các dì kể nhiều chuyện về bố mình, về cuộc chiến đấu cuối cùng của ông và đồng đội. Niềm tự hào về người cha khiến hai anh em Xuân đều tình nguyện gia nhập lực lượng Hải quân. Và cho đến hôm nay, cuộc đời anh vẫn gắn với vùng biển và quần đảo Trường Sa, nơi bố anh đã trở thành một phần của biển đảo quê hương.
Anh Xuân nên duyên với một cô gái quê Nam Định, vào học tại Đại học Nha Trang. Đồng ý làm vợ một người lính Hải quân, chị Cao Thị Trang đã một mình nuôi con để chồng cùng đồng đội hành quân theo những chuyến tàu bảo vệ vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Chị kể về những ngày tháng mong nhớ bên cạnh niềm tự hào lớn lao của cả đại gia đình khi chồng, con họ tiếp bước cha anh, gìn giữ chủ quyền biển đảo, và sự vững tin khi bên cạnh luôn có bà con làng xóm, chính quyền, đoàn thể quan tâm..
Cũng trên chuyến tàu KN-490 nhiều duyên lành, chúng tôi được trò chuyện với anh Nguyễn Hồ Hải, là chồng của chị Trần Thị Thủy - con gái Anh hùng Liệt sĩ Trần Văn Phương. Liệt sĩ Phương thời điểm hi sinh là Trung đội phó của Thượng úy Nguyễn Mậu Phong. Qua câu chuyện với người con rể của liệt sĩ hiện đang công tác ở Tổ xuồng của tàu KN-490, chúng tôi được biết, hiện tại, người con gái duy nhất của liệt sĩ - Thượng úy Trần Thị Thủy là nhân viên văn thư bảo mật thuộc Lữ đoàn 146 - cùng đơn vị với cha mình. Mỗi lần đi công tác qua khu vực đảo Gạc Ma - nơi người cha thân yêu đã cùng đồng đội hòa máu xương giữ gìn biển cả quê hương, chị Thủy lại không nén nổi xúc động... Nghe câu chuyện của anh Hải, tôi bất giác nhớ đến câu thơ đã đúc kết một truyền thống vô cùng quý báu của Quân đội nhân dân Việt Nam:
“Lớp cha trước, lớp con sau
Đã thành đồng chí, chung câu quân hành”
------- (Tố Hữu) ------
Xúc động và chia sẻ với những khó khăn trong cuộc sống thường nhật của gia đình những người đồng chí, đồng đội đang làm nhiệm vụ nơi hải đảo xa xôi; như một người anh trong gia đình, ngay trên tàu KN-490, Trưởng đoàn công tác Hà Nội Nguyễn Quang Đức đã gặp gỡ động viên, thăm hỏi, tặng quà Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân và anh Nguyễn Hồ Hải.
Đến với Trường Sa xa xôi mà ấm áp như trở về nhà, đồng chí Nguyễn Quang Đức bày tỏ: “Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô sẽ tiếp tục có những việc làm cụ thể, ý nghĩa, thiết thực hơn nữa để hướng về biển đảo, hỗ trợ tích cực hơn nữa để Trường Sa ngày càng phát triển, góp phần xây dựng lực lượng hải quân chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, thực sự là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi luôn ý thức được rằng, tình yêu và trách nhiệm với Trường Sa luôn song hành và Hà Nội sẽ luôn chung bước với Trường Sa trong nhiệm vụ vẻ vang bảo vệ trọn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…”.
“Uống nước nhớ nguồn”, tri ân những người đã hi sinh xương máu hay quan tâm đến hậu phương của những người lính đang ở nơi tuyến đầu sóng gió luôn là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam từ lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước. Trở về Hà Nội sau chuyến công tác, tôi đã được trò chuyện với một người phụ nữ 13 năm làm vợ lính Trường Sa, trong khoảng thời gian ấy, số lần vợ chồng, con cái đoàn tụ được tính từng năm. Chị là Trần Thị Dung, cán bộ xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức, là vợ Thượng úy, Quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thái Cường, hiện công tác tại đảo Đá Tây, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân.
Anh Cường mồ côi cha từ nhỏ, học hết phổ thông thì tình nguyện xin nhập ngũ tại quần đảo Trường Sa, đến nay cũng đã gần hai mươi năm. Anh đã công tác qua rất nhiều đảo như Song Tử Tây, Trường Sa… và nay là đảo Đá Tây - trung tâm của các đảo chìm. Hiện anh chị có hai con, lớn học lớp 7, bé học lớp 4. Bố vắng nhà triền miên, bà nội đã mất từ năm 2010, ba mẹ con bảo nhau làm, chăm nhau học, gia cảnh khó khăn. Năm 2022, được sự hỗ trợ, kết nối của Ban Chỉ huy quân sự huyện Mỹ Đức, UBND xã Bột Xuyên và Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Cầu Giấy, cùng sự giúp đỡ của gia đình, họ hàng, làng xóm, anh Cường - chị Dung đã dựng được một căn nhà khang trang, ba mẹ con vừa dọn về nhà mới Tết năm 2023. Dù cuộc sống còn bộn bề lo toan, nhưng nay anh Cường công tác xa nhà cũng yên tâm hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đồng chí Nguyễn Anh Dũng, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức - một thành viên Đoàn công tác Hà Nội trên con tàu KN-490 thăm Trường Sa lần này chia sẻ, hiện có 6 người con Mỹ Đức đang công tác tại quần đảo Trường Sa. Trong chuyến đi này, bên cạnh những món quà thiết thực, ý nghĩa của Thủ đô dành tặng quân và dân Trường Sa, quê hương Mỹ Đức cũng có chút quà nhỏ như mắm tép An Tiến, khăn mặt từ làng nghề Phùng Xá… gửi tới những người con Mỹ Đức đang ngày đêm gìn giữ biển trời quê hương. Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức cũng khẳng định, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến những gia đình chính sách, gia đình có con em đang công tác tại quần đảo Trường Sa. Sau chuyến công tác này, sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ Mỹ Đức nhận thức rõ hơn về trách nhiệm, ý nghĩa của việc giữ gìn chủ quyền biển đảo, trân trọng sự cống hiến hi sinh của những con người đang canh giữ vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc…
Thời điểm bài báo này sắp lên khuôn, chúng tôi đã kết nối được với Cựu chiến binh Lê Hữu Thảo - Trưởng Ban liên lạc cựu chiến binh Gạc Ma, thành viên tàu HQ-604 - con tàu vận tải không có vũ khí tiến công đã cùng đồng đội trên các tàu HQ-505, HQ-605 đi xây dựng cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao, nhưng cuối cùng lại trực tiếp chiến đấu bảo vệ chủ quyền và bị bắn chìm trong sự kiện bi tráng ngày 14-3-1988. Tôi và các đồng nghiệp Báo Hànộimới đã gặp anh Thảo và nhiều cựu chiến binh Trường Sa, Gạc Ma từ năm 2013, khi Hội Cựu chiến binh Đà Nẵng tổ chức lễ tri ân các anh nhân kỷ niệm 25 năm Hải chiến Gạc Ma. Loạt phóng sự của Hànộimới về sự kiện này sau đó đã đoạt giải Nhất Giải Báo chí Ngô Tất Tố 2013.
Tiếp nối câu chuyện thân tình sau 10 năm với anh Thảo, chúng tôi được biết, sau 35 năm hải chiến Gạc Ma, hiện còn lại hơn 30 cựu chiến binh - những nhân chứng sống của thời khắc bi hùng, những đồng đội của 64 anh hùng liệt sĩ vẫn luôn sát cánh bên nhau, chia sẻ những khó khăn đời thường và chưa giờ phút nào nguôi nỗi nhớ thương những người đã ngã xuống vì biển đảo quê hương, cũng như luôn bảo nhau giữ gìn “chất” của những người lính Trường Sa.
Người còn sống và cả người đã ngã xuống, tâm niệm có lẽ giống như lời một bài hát: “Ngoài kia bao la sóng gió, đừng quên tên anh”. Và chúng tôi tin rằng, cùng với sự đồng cảm, yêu thương, sẽ vẫn còn những kết nối, những san sẻ được tiếp tục, như mạch nguồn chảy mãi…
Từ năm 2009, cùng với các chuyến tàu mang những món quà thiết thực, ý nghĩa phục vụ đời sống sinh hoạt, học tập, công tác của quân và dân quần đảo Trường Sa, Thủ đô Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng Nhà khách Thủ đô tại thị trấn Trường Sa. Ngoài ra, Hà Nội cũng đã xây dựng được nhà văn hoá đa năng tại các đảo: Tốc Tan B, Núi Le B, Tiên Nữ, Song Tử Tây, Len Đao, Đá Thị, Thuyền Chài A, Đá Đông A. Năm 2022, Đoàn công tác Hà Nội đã khởi công xây dựng Nhà văn hoá đa năng trên đảo Núi Le B. Năm 2023, Đoàn công tác Hà Nội đã khởi công xây dựng Nhà văn hoá đa năng trên đảo Đá Đông B trị giá 50 tỷ đồng. Tính đến nay, Hà Nội đã hỗ trợ Trường Sa xây dựng xong 9 công trình, đang tiếp tục xây dựng 2 nhà văn hoá đa năng và một số trang thiết bị với tổng trị giá trên 509 tỷ đồng.
Ghi nhận và trân trọng những tình cảm của Đảng bộ, chính quyền quân và dân Thủ đô Hà Nội dành cho Trường Sa, đồng chí Hoàng Hồng Hà, Chuẩn Đô đốc, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân thay mặt các cán bộ, chiến sĩ gửi lời cảm ơn sâu sắc đến đồng bào Thủ đô nhiều năm qua đã sát cánh cùng Trường Sa thân yêu và khẳng định: Những công trình đồng bào Thủ đô Hà Nội tặng Trường Sa có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Không chỉ nâng cao chất lượng đời sống của cán bộ, chiến sĩ cũng như bà con ngư dân, những công trình còn là cột mốc chủ quyền vững chắc giữa biển khơi. Và điều quan trọng nhất, đó là kết tinh của tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết tạo nên nét văn hoá đặc trưng của dân tộc Việt Nam, trở thành sức mạnh để chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù.
Bài viết: Văn Ngọc Thủy
Ảnh: Ngọc Thủy và nhóm phóng viên
Thiết kế: T.P