Quyết tâm hành động
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:48, 11/05/2023
Thực tế cho thấy, hạ tầng giao thông có vai trò to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong hạ tầng giao thông, các tuyến đường vành đai có vị trí quan trọng hàng đầu. Tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án trọng điểm quốc gia, được các chuyên gia kinh tế ví như “siêu vành đai”, “siêu động lực”. Do đó, xây dựng tuyến đường này xong càng sớm, kinh tế - xã hội Vùng Thủ đô và đất nước càng có thêm điều kiện phát triển.
Đó là chưa kể cái lợi lớn bởi suất đầu tư thấp do được làm sớm. Đường Vành đai 4 có chiều dài 112km, có mặt cắt ngang lên tới 120m. Với tổng mức đầu tư 85.000 tỷ đồng, tính ra suất đầu tư mỗi ki lô mét chưa tới 800 tỷ đồng. Đoạn qua Hà Nội dài hơn 58km, nhưng chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư chỉ khoảng 13.000 tỷ đồng, chưa tới 300 tỷ đồng/km. Đây là mức thấp nếu so với các tuyến đường Vành đai 1 và Vành đai 2,5 của thành phố. Dự án Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục có chiều dài hơn 2,2km, mặt cắt ngang 50m, tổng mức đầu tư lên tới 7.800 tỷ đồng. Trong khi đường Vành đai 2,5 đoạn Nguyễn Trãi - Đầm Hồng dài khoảng 1,6km, mặt cắt ngang bằng 1/3 đường Vành đai 4, nhưng tổng mức đầu tư cũng tới gần 2.570 tỷ đồng.
Mọi sự so sánh đều có giá trị tương đối. Nhưng với dự án đường Vành đai 4, đã hội đủ các điều kiện cho phép có thể làm sớm, để không phải lặp lại những hạn chế, tồn tại do chậm đầu tư các tuyến vành đai trước đây. Thực tế cả hai dự án vành đai 1 và 2,5 hiện vẫn còn nhiều khó khăn do khâu giải phóng mặt bằng.
Để hoàn thành sớm tuyến đường này, yêu cầu có tính chất quyết định là các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương của cả 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên phải chung sức, đồng lòng, có ý chí quyết tâm cao, vào cuộc quyết liệt đến cùng. Trước mắt, nhiệm vụ phải thực hiện được là bàn giao từ 70% diện tích giải phóng mặt bằng trở lên và khởi công dự án vào ngày 30-6 tới. Hiện nay, Hà Nội đang đi tiên phong trong thực hiện mục tiêu này; nhưng kết quả chưa đồng đều ở 3 tỉnh, thành phố, đòi hỏi hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên phải cố gắng hơn nữa.
Đặc biệt, để bảo đảm tiến độ dự án, không thể thiếu sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan trung ương, trước hết là sự phối hợp, đồng hành, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành nhằm tháo gỡ vướng mắc cho dự án. Cụ thể là 3 kiến nghị đã được Hà Nội nêu tại cuộc làm việc với Thường trực Chính phủ ngày 6-5 vừa qua; đã được Thủ tướng Chính phủ kết luận, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành liên quan.
Đó còn là đòi hỏi mỗi tập thể, cá nhân phải duy trì ý chí quyết tâm cao, tinh thần vào cuộc trách nhiệm trong suốt quá trình triển khai thực hiện dự án. Bởi ngay cả với kết quả khởi công dự án vào tháng 6 tới thì cũng mới là sự khởi đầu cho một hành trình dài phía trước.