Nỗ lực hình thành các vùng chăn nuôi tập trung
Xã hội - Ngày đăng : 07:27, 10/05/2023
Theo Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm, đến nay, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện được duy trì ổn định, với tổng đàn lợn là hơn 30.200 con; đàn gia cầm, thủy cầm gần 292.000 con; đàn chó mèo 10.273 con; đàn trâu, bò 6.522 con (trong đó có 940 con trâu, 3.578 bò thịt, 2.004 bò sữa, sản lượng sữa ước đạt 19-21 tấn/ngày).
Toàn huyện có 41 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô vừa và lớn, gồm: 15 trang trại, gia trại chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản, quy mô từ 30 con trở lên; 4 trang trại, gia trại chăn nuôi lợn sinh sản, quy mô từ 60 con trở lên; 16 trang trại, gia trại chăn nuôi lợn thịt, quy mô hơn 150 con và 6 trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm sinh sản, quy mô từ 2.000 con trở lên. Còn lại là các trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô nhỏ và diện tích nuôi thủy sản khoảng 302,7ha. Các hộ chăn nuôi áp dụng biện pháp xử lý chất thải bằng chế phẩm sinh học, đệm lót sinh học, bể, hầm biogas để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; nhiều xã xây dựng quy hoạch khu chăn nuôi xa khu dân cư.
Điển hình, tại địa bàn xã Lệ Chi có 3.100 con lợn; hơn 1.300 con trâu, bò thịt; gần 20.000 con gia cầm; diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 17,3ha. Phó Chủ tịch UBND xã Lệ Chi Đào Văn Cải cho biết, tổng giá trị của ngành chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn xã đạt khoảng 150 tỷ đồng/năm. Xã đã xây dựng được khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, tại khu Đầm Tiên, thôn Cổ Giang, rộng 9,2ha, cơ bản đáp ứng nhu cầu cho các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm của thôn. Còn các thôn khác trên địa bàn xã, như: Chi Đông, Sen Hồ, Gia Lâm… xã đang tuyên truyền, vận động các hộ dân di chuyển trang trại chăn nuôi ra xa khu dân cư.
Theo ông Vũ Văn Hiện ở thôn Chi Đông, mỗi năm gia đình ông chăn nuôi từ 15 đến 20 con bò thịt tại trang trại cách xa khu dân cư của thôn, vừa thuận tiện cho việc thu gom phế thải chăn nuôi, vừa không gây ô nhiễm môi trường.
Tương tự, xã Văn Đức có tổng đàn lợn 5.000 con, trâu bò hơn 200 con. Chủ tịch UBND xã Trần Xuân Điệu cho hay, xã có 13 trang trại chăn nuôi lợn xa khu dân cư, tập trung ở thôn Chử Xá. Ngoài ra, địa phương được huyện quy hoạch khu chăn nuôi xa khu dân cư, ở vùng bãi, với diện tích 15ha.
Anh Trần Bảo Khánh ở thôn Chử Xá (xã Văn Đức) chia sẻ, gia đình anh đang chăn nuôi 100 con lợn sinh sản và 100 con lợn thịt một lứa, mỗi năm nuôi 2 lứa. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, gia đình anh Khánh đã xây 2 hầm biogas, mỗi hầm có dung tích 10m3. Nhờ đó, gia đình anh còn có gas để sử dụng đun nấu hằng ngày. Anh Khánh cũng như các hộ chăn nuôi khác ở xã Văn Đức mong muốn quy hoạch chăn nuôi xa khu dân cư của địa phương sớm được thực hiện, để di chuyển trang trại ra khỏi nơi ở.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho biết, thực hiện chỉ đạo của thành phố về xây dựng các khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư và “Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh huyện Gia Lâm giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, huyện đã phê duyệt các phương án xây dựng vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư tại các xã, nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cụ thể, khu Đầm Tiên, thôn Cổ Giang (xã Lệ Chi) hơn 9,2ha; khu Đồng Guốc, thôn Bình Trù (xã Dương Quang) 3,059ha; khu Lầy Rêm, thôn Linh Quy Đông (xã Kim Sơn) 4,88ha… Tuy nhiên, hiện huyện đang gặp khó khăn, do việc lập phương án chuyển chăn nuôi ra ngoài khu dân cư đối với một số xã có phần diện tích ngoài bãi sông, nằm trong vùng không gian thoát lũ, như: Trung Mầu, Đặng Xá, Văn Đức.
"Huyện đã đề nghị thành phố, Sở NN&PTNT Hà Nội xem xét, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, có cơ chế đặc thù cho việc lập phương án chăn nuôi tập trung tại các xã nằm trong vùng không gian thoát lũ, để huyện có căn cứ phê duyệt phương án, từng bước chấm dứt chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khu dân cư, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do phế thải chăn nuôi", Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho biết thêm.