Nâng hiệu quả bảo đảm an toàn thực phẩm

An toàn thực phẩm - Ngày đăng : 07:21, 09/05/2023

(HNM) - Hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5 với chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội đã vào cuộc tích cực, tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số địa phương vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, tồn tại. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Trưởng phòng Kinh tế quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Văn Ngà.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 thành phố Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Lộc Xuân

- Xin ông cho biết, qua công tác kiểm tra trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm theo lĩnh vực mình phụ trách, ông có đánh giá gì về việc chấp hành các quy định vệ sinh, an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm?

- Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, toàn quận đã thành lập 16 đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm, trong đó có 3 đoàn của quận và 13 đoàn của các phường. Qua kiểm tra, các cơ sở đã cơ bản chấp hành các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Cụ thể, những tồn tại của các năm trước về nguồn gốc xuất xứ, khu vực chế biến thực phẩm… đã được khắc phục và bảo đảm tuân thủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đặc biệt, những hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng đã thực hiện theo các hướng dẫn về bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, qua kiểm tra, vẫn còn thấy một số hạn chế như trong khâu bảo quản thực phẩm đông lạnh để nhiệt độ chưa bảo đảm; một số cơ sở, nhà hàng có bán rượu nhưng thiếu đăng ký kinh doanh bán lẻ rượu… Chúng tôi đã lập biên bản xử lý và có hướng dẫn cụ thể.

Trong đợt kiểm tra của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, tính đến nay, toàn quận đã tiến hành kiểm tra, giám sát 367 cơ sở và xử phạt vi phạm hành chính đối với 36 cơ sở với số tiền 165,5 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy các thực phẩm vi phạm. Riêng 3 đoàn kiểm tra của quận đã tiến hành xử phạt gần 50 triệu đồng đối với hơn 10 trường hợp vi phạm.

- Một trong những nội dung của Tháng hàng động vì an toàn thực phẩm là giúp giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Vậy, theo ông, quận Bắc Từ Liêm đã triển khai nội dung này cụ thể như thế nào để góp phần thay đổi hành vi, hướng đến bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian tới?

- Để thay đổi, giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm là một việc rất khó, đòi hỏi lâu dài, ngoài việc tuyên truyền, giáo dục thì hoạt động kiểm tra về an toàn thực phẩm có vai trò rất quan trọng. Yêu cầu công tác kiểm tra về an toàn thực phẩm năm nay là kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề tồn tại trong quản lý, những vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm. Trong quá trình kiểm tra, quận đã tiến hành niêm yết công khai các cá nhân, tổ chức vi phạm trên website của quận, trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và cùng giám sát. Bên cạnh đó, thông qua việc triển khai kiểm tra trên thực tế, các đoàn kiểm tra cũng đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, đồng thời kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

- Trong quá trình triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng của quận Bắc Từ Liêm phải đối mặt với những khó khăn, tồn tại gì, thưa ông?

- Qua kiểm tra thực tế, các đoàn kiểm tra của quận cũng gặp nhiều khó khăn do các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất thời vụ, thường xuyên biến động. Thêm vào đó, tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm an toàn thực phẩm còn diễn biến phức tạp. Các đối tượng kinh doanh, vận chuyển thực phẩm hoạt động chủ yếu vào ban đêm và rạng sáng, thường xuyên thay đổi tuyến đường, thời gian, địa điểm tập kết hàng, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm… Thêm vào đó, cán bộ làm công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn thiếu và phải kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực, vì vậy khó chuyên sâu, tập trung cho công việc.      

- Theo ông, sau Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm sẽ tiếp tục tập trung vào những nhiệm vụ nào?

- Sau Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, quận sẽ tiếp tục hướng đến việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực công thương, nông nghiệp và y tế. Cụ thể là tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn các hộ sản xuất bánh trung thu, các hộ kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, các bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học… tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngoài ra, quận đang triển khai đề án bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các khu chợ. Quận sẽ tiếp tục triển khai đề án này đến các hộ kinh doanh và tiểu thương trong chợ, đồng thời phối hợp với các phường tiếp tục thực hiện việc ký cam kết đối với các hộ kinh doanh nhỏ, lẻ trong các khu dân cư. Đặc biệt, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, chúng tôi sẽ xây dựng các kế hoạch kiểm tra theo chuyên đề và kiểm tra đột xuất, đồng thời tiếp tục tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức, nâng cao ý thức cho các hộ kinh doanh, các nhà sản xuất có trách nhiệm với cộng đồng trong việc bảo đảm sức khỏe đối với người tiêu dùng.

- Trân trọng cảm ơn ông!