Một năm thực hiện Đề án số 15-ĐA/TU: Tăng hiệu quả hoạt động HĐND các cấp

Chính trị - Ngày đăng : 06:09, 09/05/2023

(HNM) - Sau 1 năm thực hiện Đề án số 15-ĐA/TU (ngày 12-5-2022) của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội", hoạt động của HĐND các cấp có nhiều sự đổi mới. Công tác tổ chức, cán bộ được kiện toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp được nâng lên.

Đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội khảo sát tại cầu Đồng Bồ (xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai).

Nâng cao năng lực giải quyết công việc

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, thực hiện Nghị quyết số 160/2021/QH14 (ngày 8-4-2021) của Quốc hội và Nghị định số 68/2021/NĐ-CP (ngày 15-7-2021) của Chính phủ về thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội tăng lên 19 người (gồm chủ tịch, 2 phó chủ tịch, 4 trưởng ban, 8 phó trưởng ban, 4 ủy viên chuyên trách - cao nhất từ trước đến nay).

Việc tăng đại biểu chuyên trách cùng với việc triển khai Đề án số 15-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã giúp nâng cao năng lực giải quyết công việc, nhất là việc quyết định những vấn đề quan trọng. Minh chứng rõ nhất là việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Thường trực HĐND thành phố, các Ban HĐND thành phố Hà Nội đã chủ động vào cuộc khảo sát, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri và nhân dân để tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc, từ đó kịp thời ban hành các quyết sách trong thẩm quyền. Trên cơ sở rà soát và tính cấp thiết, ngày 10-3-2023, tại kỳ họp thứ mười một, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua danh mục 24 dự án, trong đó có 3 dự án cải tạo, mở rộng nghĩa trang nhân dân phục vụ triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại các xã Cự Khê, Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai; xã Văn Bình, huyện Thường Tín… 

Theo Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, trước đó, HĐND thành phố cũng đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 07/NQ-HĐND (ngày 20-5-2022) thống nhất chủ trương bố trí, cân đối vốn cho dự án này. Có thể thấy, khi “người dân đồng thuận, chính quyền đồng hành” thì công tác giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã và đang đạt tiến độ đề ra.

Đối với cấp quận, huyện cũng đã có sự chuyển động tích cực. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mê Linh Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, thực hiện Đề án số 15-ĐA/TU, huyện Mê Linh bố trí đủ 5 đại biểu chuyên trách, từ đó thúc đẩy hoạt động HĐND.

Còn Phó Chủ tịch HĐND quận Thanh Xuân Trần Thị Thu Hà cho biết, quận Thanh Xuân bố trí 4 đại biểu chuyên trách. Việc tăng đại biểu chuyên trách giúp các hoạt động, nhất là công tác thẩm tra báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp HĐND chất lượng hơn.

Thường trực HĐND thành phố Hà Nội khảo sát hoạt động khám, chăm sóc sức khỏe miễn phí cho đối tượng bảo trợ xã hội tại quận Tây Hồ.

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Triển khai Đề án số 15-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội chuyển biến tích cực theo hướng thực chất, chuyên nghiệp; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng lên. HĐND các quận, thị xã đã chủ động thực hiện những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, đồng thời tăng cường giám sát, mở rộng hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đối thoại trực tiếp để bảo đảm vai trò đại diện của nhân dân.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên cho biết, hoạt động của HĐND các cấp có nhiều đổi mới, đáp ứng thực tiễn, nhất là hoạt động giám sát, khảo sát. Chỉ tính năm 2022, HĐND thành phố đã tiến hành 25 cuộc giám sát chuyên đề với nhiều nội dung quan trọng, liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, những vấn đề dân sinh, bức xúc, bất cập, tồn tại trong quản lý, điều hành của thành phố. HĐND cấp huyện giám sát 699 cuộc; HĐND các xã, thị trấn giám sát 1.820 cuộc. Các nội dung giám sát được cử tri và nhân dân Thủ đô đánh giá cao, như: Giám sát của HĐND thành phố về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước; việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý nước thải sinh hoạt; giám sát kết quả triển khai thực hiện dự án Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng, huyện Hoài Đức…

Bên cạnh đó, hoạt động tiếp công dân cũng được chú trọng. Chủ tịch, các Phó Chủ tịch HĐND thành phố đã tiếp công dân theo vụ việc hằng tháng, đôn đốc giải quyết 7 vụ việc có nội dung phức tạp, kéo dài. Đại biểu HĐND thành phố thực hiện 390 buổi tiếp công dân theo lịch định kỳ hằng tháng tại trụ sở tiếp công dân của 30 quận, huyện, thị xã. Thường trực HĐND quận, huyện, thị xã thực hiện 158 buổi tiếp công dân với 186 vụ việc, trong đó có 126 vụ việc đã giải quyết xong...

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, HĐND các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động kỳ họp, chất vấn, giải trình, giám sát; tăng cường việc tổng hợp, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát. Cùng với đó là tổ chức tốt những cuộc tiếp xúc cử tri định kỳ, chuyên đề; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tổng hợp giải quyết kiến nghị của cử tri. HĐND các cấp tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị… với tinh thần lắng nghe, thấu hiểu để giải quyết nguyện vọng chính đáng của công dân.

Việt Tuấn